Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ của Thủ đô: Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Bạch Thanh| 26/06/2020 06:21

(HNM) - Là giải pháp bền vững để giải quyết bài toán chất lượng và giá trị kinh tế của nông sản Thủ đô, tuy nhiên, đến nay sản xuất hữu cơ mới chỉ chiếm hơn 1% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của toàn thành phố... Để có một nền nông nghiệp hữu cơ phù hợp với tiềm năng và xu thế phát triển, Hà Nội cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Sản xuất rau hữu cơ ở xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) đem lại thu nhập cao cho người dân địa phương.

Rõ hiệu quả nhưng không dễ nhân rộng

Sản xuất hữu cơ là phương pháp nuôi, trồng, chế biến, bảo quản nông sản, thực phẩm mà không sử dụng bất cứ một loại hóa chất độc hại nào, tạo ra sản phẩm sạch, mang lại giá trị kinh tế cao. Lợi ích đã rõ, nhưng theo Giám đốc Hợp tác xã Rau hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) Hoàng Thị Hậu thì việc nhân rộng không dễ. Bà Hoàng Thị Hậu dẫn chứng, là mô hình khởi đầu của nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn với giá trị sản xuất đạt 1-1,5 tỷ đồng/ha, nhưng từ khi triển khai năm 2008 đến nay diện tích gieo trồng hữu cơ của huyện Sóc Sơn mới đạt 37,5ha.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, thành viên Hợp tác xã Rau hữu cơ Thanh Xuân thông tin: "Gia đình tôi có hơn 3 sào sản xuất rau hữu cơ các loại, bình quân thu nhập 6,5-7,5 triệu đồng/tháng, nhưng rất khó mở rộng thêm diện tích, bởi trồng rau hữu cơ rất kỳ công, vất vả...".

Ở điểm nhìn khác, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và kinh doanh thực phẩm an toàn Vinh Hà (xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên) Nguyễn Thị Mai chia sẻ: Sản xuất hữu cơ không thể tính toán theo kiểu “ăn xổi”, bởi riêng đất trồng cây cũng phải được cải tạo ít nhất 2-3 năm. Hơn nữa, quá trình sản xuất tốn nhiều nhân công nên việc mở rộng phải tính toán rất kỹ.

Sản xuất đã khó, việc tiêu thụ sản phẩm hữu cơ cũng không dễ dàng. Chị Đoàn Thị Kim Cúc, chủ cửa hàng thực phẩm sạch Tâm An (quận Cầu Giấy) cho biết, sản phẩm hữu cơ giá thành cao trong khi mẫu mã không bắt mắt so với nông sản cùng loại, do đó rất "kén" khách. Mặt khác, theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) Vũ Thị Huyền, Hợp tác xã có hơn 150ha trồng rau và bưởi Diễn hữu cơ, nhưng do giá thành cao nên chỉ 20%-60% sản lượng (tùy loại sản phẩm) được tiêu thụ qua đơn đặt hàng của các chuỗi cửa hàng và siêu thị với giá ổn định, còn lại phải bán giá như các sản phẩm bình thường cho thương lái.

Cũng về vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng nhận định: Việc mở rộng các mô hình sản xuất hữu cơ không thể làm nhanh được. Bởi các tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ rất khắt khe. Nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng từ việc bố trí mặt bằng sản xuất, lựa chọn giống cây, con phù hợp đến kết nối tiêu thụ thì rất dễ "vỡ trận" khi nhân rộng. 

Thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ phát triển

Khẳng định vị thế của nông nghiệp hữu cơ trong xu thế phát triển của nền nông nghiệp Thủ đô, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, Hà Nội nên xây dựng những vùng sản xuất hữu cơ khép kín, quản lý yếu tố đầu vào; đồng thời tập huấn cho nông dân để họ có thể tổ chức sản xuất hiệu quả, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Qua đó, xây dựng các thương hiệu nông sản hữu cơ đủ sức chinh phục người tiêu dùng.

Cũng về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, nhận thức rõ lợi ích cũng như tiềm năng của nông nghiệp hữu cơ, huyện đã quy hoạch cụ thể từng vùng sản xuất và bố trí quỹ đất tương ứng. Với các hợp tác xã, doanh nghiệp muốn xây dựng mô hình hữu cơ, huyện hỗ trợ nguồn kinh phí xử lý đất, tạo mặt bằng đất sạch để sản xuất. Tương tự, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Mạnh Huy cho biết, để hình thành và nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ trên địa bàn, trong năm 2020, huyện sẽ hỗ trợ mặt bằng và 80% chi phí giống cho các tập thể, cá nhân sản xuất.

Từ góc độ của một doanh nghiệp, bà Trương Kim Hoa, chủ trang trại Hoa Viên huyện Thạch Thất đề nghị, các cơ quan chức năng tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị sản xuất, cung ứng sản phẩm hữu cơ nhập nhèm chất lượng; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về nông sản hữu cơ với người tiêu dùng. 

Để xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ tương xứng với tiềm năng, Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Ngành Nông nghiệp đang phối hợp với các địa phương rà soát quy hoạch từng vùng sản xuất, xây dựng chương trình xúc tiến, quảng bá riêng đối với sản phẩm hữu cơ. Sở NN&PTNT sẽ lồng ghép các mô hình này vào những chương trình phát triển nông nghiệp của Thủ đô. Qua đó từ nay đến năm 2023, mỗi năm xây dựng ít nhất 100-300ha cây trồng, 3-5 mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp sẽ thúc đẩy sản xuất nông sản hữu cơ phát triển, qua đó góp phần cân đối lại cơ cấu sản xuất nông nghiệp Hà Nội theo hướng bền vững, hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ của Thủ đô: Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.