Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy nghiên cứu, quản lý biển, hải đảo

Thu Hằng| 02/12/2021 06:59

(HNM) - Chương trình “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển”, mã số KC.09/16-20, là một chương trình quan trọng trong việc thúc đẩy khoa học và công nghệ biển, phát triển đội ngũ các nhà khoa học, các hướng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phục vụ quản lý biển, hải đảo...

Quang cảnh hội nghị tổng kết Chương trình “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển”.

Nhiều dấu ấn trong nghiên cứu về biển và hải đảo

Chương trình “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển” (Chương trình) là một trong 7 chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2016-2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì và quản lý. Ông Ngô Sỹ Quốc, Phó Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước cho biết, Chương trình được xây dựng với 3 mục tiêu: Hoàn thiện các luận cứ khoa học về điều kiện tự nhiên, hệ thống chính sách, pháp luật về biển phục vụ bảo đảm an ninh, an toàn trên các vùng biển, chính xác hóa ranh giới ngoài của thềm lục địa Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 góp phần đấu tranh bảo vệ chủ quyền các vùng biển và hải đảo của Việt Nam; đề xuất các giải pháp hiệu quả cho khai thác sử dụng, phục hồi nguồn lợi, tài nguyên vùng biển và hải đảo; ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong dự báo, cảnh báo tai biến tự nhiên phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển và bảo vệ môi trường.

Chương trình có 41 nhiệm vụ được triển khai tại 3 lĩnh vực: Lĩnh vực địa chất khoáng sản biển (18 nhiệm vụ); lĩnh vực quản lý biển và hải đảo (13 nhiệm vụ); và lĩnh vực phát triển kinh tế biển và hải đảo (10 nhiệm vụ). Với 41 nhiệm vụ triển khai, 7 nội dung chính của Chương trình đã được phủ kín, qua đó bảo đảm được các mục tiêu được phê duyệt.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Hoàng Hải, Chủ nhiệm Chương trình cho biết, sau 5 năm thực hiện, mặc dù có khó khăn trong quá trình nghiên cứu nhiệm vụ, đặc biệt là ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 kéo dài ở giai đoạn cuối nhưng Chương trình đã có 36/41 đề tài được nghiệm thu, trong đó có 7 đề tài được Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước đánh giá xuất sắc. 80% các kết quả nghiên cứu được đưa vào ứng dụng thực tiễn; các giải pháp hữu ích, sở hữu trí tuệ được công nhận chiếm 17%. Ngoài ra, 163 bài báo trong nước và 76 bài báo quốc tế có được từ kết quả nghiên cứu của các đề tài và số đề tài có công bố quốc tế đạt 100%.

Cụ thể, Chương trình đã nghiên cứu thành công giải pháp công nghệ đê trụ rỗng và mặt cắt đê biển có cấu kiện tiêu sóng trên đỉnh; xây dựng được một mô hình ứng dụng công nghệ tiêu tán, hấp thụ, giảm năng lượng sóng, chống xói lở bờ biển phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long (tại Nhà Mát, Bạc Liêu) và mô hình ứng dụng công nghệ tiêu tán hấp thụ, giảm năng lượng sóng, chống xói lở bờ biển phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long (Bắc Đá Bạc - Cà Mau). Đáng chú ý, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Tân Tiến (Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) và các cộng sự đã ứng dụng công nghệ tiên tiến nghiên cứu và xây dựng thành công mô hình dự báo việc hình thành, phát triển, di chuyển của xoáy thuận nhiệt đới trên biển Đông hạn ba ngày, đạt được các sản phẩm dự báo thời tiết chi tiết hơn những dự báo hiện có, công nghệ dự báo tiệm cận với các công nghệ tiên tiến trên thế giới.

Bên cạnh những kết quả mang tính chất dự báo và bảo vệ khu vực bờ biển, các đề tài trong Chương trình đã hoàn thiện hơn 10 sản phẩm hữu ích được ứng dụng tại các địa phương ven biển và đảo ven bờ. Có thể kể đến hai mô hình nuôi trồng rong biển có giá trị kinh tế cao, thực hiện trên hai đảo huyện ven bờ (Lý Sơn và Phú Quý); các bộ mô hình dự báo khí tượng thủy văn và môi trường biển, được áp dụng thử nghiệm tại Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ; xây dựng được quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị tích hợp trên cơ sở các kỹ thuật hiện đại (công nghệ enzyme, kỹ thuật siêu âm công suất cao...) chế biến toàn diện để tạo chuỗi các sản phẩm có giá trị cao từ hải sản (hàu, cá và rong) Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của EU, Mỹ, Nhật Bản...

Đặc biệt, lần đầu tiên, các đề tài thuộc Chương trình có thể tự chủ nghiên cứu biển sâu, khảo sát khoáng sản trên biển mà không cần sự hỗ trợ của nước ngoài. Đây là một trong những thành công nổi bật nhất của Chương trình giai đoạn 2016-2020, tạo tiền đề cho các nghiên cứu về tìm kiếm khoáng sản ở Biển Đông trong thời gian tới.

Để Chương trình thực sự đi vào thực tiễn đời sống

Theo ông Lê Quang Thành, Vụ trưởng Vụ Khoa học xã hội, nhân văn và Tự nhiên (Bộ Khoa học và Công nghệ), trong giai đoạn 2021-2025, Chương trình cần tập trung vào các mục tiêu: Xác lập cơ sở và cung cấp luận cứ khoa học phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông; cung cấp các luận cứ khoa học phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học biển; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên biển; ứng dụng kỹ thuật công nghệ trong cảnh báo và dự báo tai biến thiên nhiên và sự cố môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng biển Việt Nam phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đánh giá cao sự nỗ lực lớn của các nhà khoa học tham gia Chương trình; đồng thời bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, các mô hình, công nghệ và đặc biệt là việc khai thác, nuôi trồng, chế biến nguồn lợi sinh vật, giải pháp công trình giảm thiểu xói lở bờ biển cần được áp dụng vào thực tế nhiều hơn. “Dù các nghiên cứu đã bắt đầu đi vào đời sống, nhưng giai đoạn tới, Ban Quản lý đề tài cần tập trung vào việc kết nối với doanh nghiệp, nghiên cứu thị trường, phương án sản xuất, kinh doanh, khi đó Chương trình mới thực sự đi vào thực tiễn đời sống chứ không chỉ dừng lại là những nghiên cứu, thử nghiệm”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy nghiên cứu, quản lý biển, hải đảo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.