Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xe bán chạy tháng 11-2021: Toyota Corolla Cross lần đầu lên ngôi, Raize ''nhường'' Vios và Sonet

Nguyễn Thúc Hoàng Linh| 11/12/2021 10:57

(HNMO) - Cuộc đua doanh số ô tô trong tháng qua diễn ra sôi động bất chấp hàng loạt điều chỉnh phức tạp trong chính sách bán hàng của các thương hiệu liên quan tới việc giảm phí trước bạ và khó khăn về nguồn cung.

Sau hơn một năm chinh phục thị trường Việt Nam (từ tháng 8-2020), Corolla Cross đã chính thức bước lên ngôi vương doanh số.

Theo số liệu từ báo cáo kết quả kinh doanh do các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam công bố, Toyota Corolla Cross gây nhiều bất ngờ khi lần đầu bước lên ngôi vị cao nhất, với 3.346 xe tới tay khách hàng, tăng trưởng 38% so với tháng trước. Mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan này dường như “miễn nhiễm” với sức ép cạnh tranh từ xe lắp ráp trong nước - vốn được hưởng nhiều lợi thế từ thông tin giảm phí trước bạ và khả năng đảm bảo nguồn cung.

Thương hiệu Nhật Bản cũng chiếm luôn vị trí thứ hai nhờ sedan Vios với 2.739 xe bán ra. Việc Toyota Raize bị hạn chế đáng kể về nguồn cung đã giúp Vios duy trì được vị thế trong phân khúc, đồng thời mở lối thoát cho KIA Sonet. Mẫu crossover nhỏ của Hàn Quốc tuy không nằm trong nhóm 10 xe bán chạy nhất, nhưng cũng đạt doanh số 829 xe, vượt xa mức 189 xe của Raize.

Vị trí thứ ba thuộc về VinFast Fadil. Với 2.489 xe bán ra trong tháng 11, chiếc hatchback cỡ nhỏ này được kỳ vọng sẽ thẳng tiến tới ngôi vị xe bán chạy nhất Việt Nam trong năm 2021, khi đã giao tới 22.375 xe tới tay người dùng trong 11 tháng năm 2021, vượt xa các đối thủ cận kề là Toyota Vios (14.461 xe). Trong khi đó, các xe cùng phân khúc hiện đều thua xa về lượng bán, kể cả Hyundai Grand i10 (chỉ 10.380 xe).

Tiếp tục là “vua phân khúc”, Ford Ranger giữ vị trí thứ tư với 2.102 xe bán ra. Mức này cao hơn cả doanh số của Toyota Hilux, Mitsubishi Triton, Mazda BT-50, Isuzu D-Max cộng lại, nhưng thấp hơn đáng kể so với thành tích 2.584 xe hồi tháng 10. Doanh số của chiếc bán tải Mỹ cùng với "anh em" Everest được dự báo sẽ còn sụt giảm trong giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022, do sự khan hiếm linh kiện dẫn tới khó khăn trong hoạt động lắp ráp.

Theo một số đại lý Ford tại Hà Nội, hiện tại nhà máy Ford Hải Dương đã thông báo cắt giảm sản lượng khoảng 30% đối với Ranger trong tháng 12. Tình trạng này sẽ còn tiếp diễn, chắc chắn khiến giá xe trên thị trường tiêu dùng tăng trong thời gian tới.  

Tháng 11, Ford Ranger tiếp tục duy trì khoảng cách doanh số an toàn trước các đối thủ cùng phân khúc như Hilux (712 xe), Triton (411 xe).

Một điểm đáng chú ý trong bảng xếp hạng lần này là việc Hyundai Accent sau nhiều tháng đứng ở tốp 3 đã biến mất khỏi danh sách. Theo số liệu do TC MOTOR (nhà sản xuất và phân phối xe Hyundai tại Việt Nam) cung cấp, chỉ 1.057 xe Accent tới tay người dùng trong tháng 11, bằng một phần ba mức của tháng 10.

Nguyên nhân chính được cho là lượng xe đặt hàng ở các đại lý đã giao hết từ các tháng trước, hệ quả từ chiến thuật thuyết phục khách hàng ký hợp đồng mua xe chờ thay đổi phí trước bạ. Bù lại, Hyundai Santa Fe (thứ bảy, 1.407 xe) và Hyundai Tucson (thứ chín, 1.291 xe) đã giúp thương hiệu Hàn Quốc này giữ được chỗ đứng.

Về phần mình, thị phần của THACO (lắp ráp và phân phối KIA, Mazda) tiếp tục được duy trì ổn định. Mặc dù KIA Morning hoàn toàn lép vế trước Fadil và Grand i10, doanh số của KIA Seltos lại khá tốt, với 1.957 xe, đủ để giữ vị trí thứ năm trong tháng 11. Cùng khoảng thời gian này, Mazda CX-5 cũng bán được 1.330 xe, KIA K3 bán được 1.105 xe, tương ứng đứng ở vị trí thứ tám và thứ mười.

Vị trí còn lại trong bảng xếp hạng là Mitsubishi Xpander (thứ sáu, 1.447 xe). Đây cũng là mẫu xe đứng đầu về doanh số xe đa dụng (MPV) - loại phương tiện đang ngày càng được ưa thích tại Việt Nam nhờ đặc tính rộng rãi trong nội thất và mức giá hợp lý. Bên cạnh Xpander, gương mặt đáng chú ý trong phân khúc này còn có Suzuki XL7, với doanh số tháng 11 lên tới 1.103 xe, tăng gần gấp 3 lần mức tháng 10 (402 xe).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xe bán chạy tháng 11-2021: Toyota Corolla Cross lần đầu lên ngôi, Raize ''nhường'' Vios và Sonet

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.