Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xe máy thủng lốp giữa đường, xử lý như thế nào?

Theo Zing| 01/05/2019 09:36

Thủng lốp xe máy gây ra nhiều phiền toái. Người điều khiển xe cần trang bị cho mình những kiến thức cũng như thiết bị cần thiết để tránh phải dắt bộ


Cán phải dị vật làm cho xe bị thủng lốp là điều không ai muốn, đặc biệt là trong các chuyến đi xa trên những cung đường vắng không có các cửa hàng vá lốp. Người điều khiển xe máy cần phải làm gì trong tình huống này? Hãy cùng tìm hiểu làm thế nào để không phải dẫn bộ "chiến mã" của mình khi bị lủng lốp.


Hầu hết xe máy hiện nay đều sử dụng lốp không xăm (ruột) nên việc xử lý tình huống thủng lốp giữa đường không khó khăn và yêu cầu nhiều kinh nghiệm như các xe sử dụng lốp có ruột. Trong những chuyến đi xa, cần mang theo bộ đồ nghề vá lốp không xăm, bao gồm: Bộ vá lụi (gồm 2 dùi và dây cao su non), kìm, bơm và dụng cụ đo áp suất lốp.


Khi phát hiện xe có dấu hiệu lốp bị mềm do xì hơi, mất áp suất, người điều khiển cần nhanh chóng đưa xe tấp vào lề đường, bật xi nhan phải để các phương tiện khác có thể nhìn thấy. Quan sát và tìm dị vật đâm vào gây thủng lốp, dùng kìm để gắp dị vật ra, đối với ốc, vít có thể sử dụng tuốc-nơ-vít xoay ngược chiều kim đồng hồ để gỡ.


Tiếp theo, sử dụng cây dùi đâm vào vị trí bị xì để mở rộng phần lỗ thủng ra. Đối với những xe sử dụng lốp có kích thước lớn, dày như Honda Winner, Yamaha Exciter hay các dòng xe phân khối lớn thì công đoạn này tương đối khó khăn và phải dùng lực nhiều.



Sau đó sử dụng một thanh cao su non và cây dùi còn lại trong bộ vá lụi đâm xuyên qua lỗ thủng. Cần đâm cho đến khi 2/3 thanh cao su non được đặt vào bên trong lốp xe. Đối với những lỗ thủng có kích thước lớn, có thể sử dụng 2-3 thanh cao su non để vá.

Khi thanh cao su non đã vào sâu bên trong lốp, dùng lực để rút mạnh cây dùi ra. Nếu làm đúng kết quả sẽ như hình trên, việc tiếp theo là sử dụng kéo hoặc dao để cắt bỏ phần thừa bên ngoài lốp.

Bước tiếp theo là dùng bơm để làm căng lốp trở lại.


Sau khi bơm lốp xong cần sử dụng thiết bị đo áp suất lốp để kiểm tra áp suất lốp có đúng với khuyến nghị của nhà sản xuất hay chưa. Áp suất lốp quá lớn sẽ làm cho xe dễ trượt khi thắng gấp hoặc vào cua, ngược lại nếu áp suất quá mềm gây ra hiện tượng xe bị ì, làm tiêu tốn nhiên liệu và dễ cán phải đinh hay các dị vật trên đường. Đối với xe thông dụng có thể để áp suất lốp cho lốp trước và sau lần lượt là 2 kg/cm3 và 2,25 kg/cm3.


Ưu điểm của vá lụi là giúp người điều khiển xe máy tránh phải "nằm đường" hay dẫn bộ xe, bất kỳ ai cũng có thể sử dụng bộ vá lụi này mà không cần phải có kỹ năng chuyên môn. Tuy nhiên, phương pháp vá lụi này chỉ là giải pháp tạm thời, người điều khiển xe nên nhanh chóng tìm đến các tiệm vá xe để vá lại từ bên trong để đảm bảo an toàn hơn. Lốp xe sử dụng vá lụi nhiều lần dễ dẫn đến tình trạng nứt lốp, lốp bị biến dạng. Với lốp xe phải vá dùi quá 4 lần, nên thay lốp mới để đảm bảo an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xe máy thủng lốp giữa đường, xử lý như thế nào?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.