Theo dõi Báo Hànộimới trên

Truyền hình trả tiền: Doanh thu thấp vì cạnh tranh giá rẻ

Việt Nga| 26/08/2019 07:49

(HNM) - Không kém viễn thông, "cuộc chiến" cạnh tranh giá cước truyền hình trả tiền tại thị trường Việt Nam trong 5 năm trở lại đây diễn ra khốc liệt với kết quả là chỉ số doanh thu bình quân/thuê bao (ARPU) hiện thấp nhất trong khu vực (4 USD/thuê bao). Số liệu mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, doanh thu 6 tháng đầu năm 2019 từ dịch vụ này chưa bằng 1/4 so với cả năm 2018...

Khởi nguồn chạy đua giảm giá cước dịch vụ truyền hình trả tiền bắt đầu từ năm 2012, khi "nhà đài" SCTV (Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigon Tourist) chuyển hướng kinh doanh ra phía Bắc, cạnh tranh quyết liệt với VTVCab (Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam), Hanoicab (Công ty cổ phần Truyền hình cáp Hà Nội), K+ (Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam - VSTV)...

Cạnh tranh giá cước truyền hình trả tiền tại thị trường Việt Nam trong 5 năm trở lại đây diễn ra khốc liệt

"Cuộc chiến" nổ ra khiến cước thuê bao truyền hình cáp từ 110.000 đồng/tháng giảm còn 80.000 đồng/tháng và 65.000 đồng/tháng. Cùng với đó, các doanh nghiệp viễn thông như VNPT, FPT lần lượt cung cấp dịch vụ truyền hình qua giao thức internet (IPTV) tham gia và đặc biệt từ năm 2014 thị trường có thêm Viettel khiến sự cạnh tranh càng khốc liệt với giá cước thuê bao cơ bản có thời điểm chỉ 20.000 đồng/tháng. Đến nay, cuộc đua giảm giá chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Việc các "nhà đài" cạnh tranh giảm cước đã đem lại lợi ích cho người dân. Tuy nhiên, ở góc độ doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Ngọc Lanh, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ truyền hình số VTC, cạnh tranh dẫn đến chỉ số ARPU rất thấp, trong khi phải chi phí để đầu tư hạ tầng khá lớn, nên doanh nghiệp truyền hình trả tiền cũng không còn nhiều kinh phí để đầu tư vào các nội dung chuyên biệt.

Đó là một thực tế khi nguồn thu quảng cáo hiện nay chủ yếu thuộc về các mạng xã hội xuyên biên giới. Số liệu mới nhất từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, đến hết tháng 6-2019, mặc dù cả nước có 15,3 triệu thuê bao truyền hình trả tiền, tăng 800.000 thuê bao mới so với cuối năm 2018 (14,5 triệu thuê bao); nhưng doanh thu chỉ đạt 1.885 tỷ đồng - chưa bằng 1/4 so với tổng doanh thu là 8.000 tỷ đồng của cả năm 2018. Có nghĩa, thuê bao tuy tăng trưởng, nhưng doanh thu lại thấp. Hiện, chỉ số ARPU truyền hình trả tiền tại Việt Nam chỉ là 4 USD/ thuê bao/tháng - thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực ASEAN (hiện ở mức 10-30 USD/thuê bao/tháng).

Làm rõ hơn về hậu quả của cuộc "chạy đua" giảm cước, theo ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, thị trường truyền hình trả tiền ngày càng khó khăn, tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này đang tiệm cận mức thua lỗ ngày càng nhiều.

Đề xuất giải pháp thoát khỏi "bẫy" kinh doanh, ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng, truyền hình OTT (truyền hình trên internet) sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới và đem lại tiềm năng mới. Tuy nhiên, dịch vụ này lại đang tồn tại sự cạnh tranh bất bình đẳng với các nhà cung cấp truyền hình OTT xuyên biên giới vào Việt Nam.

Cùng quan điểm này, ông Trần Văn Úy, Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam nêu rõ, cơ quan quản lý nhà nước luôn kiểm duyệt chặt chẽ nội dung với truyền hình truyền thống, truyền hình OTT trong nước. Vì vậy, không có lý do gì lại bỏ trống quản lý với truyền hình OTT xuyên biên giới.

"Để công bằng, khách quan và bình đẳng, chúng tôi kiến nghị nội dung trên truyền hình OTT xuyên biên giới cũng phải kiểm duyệt tương tự. Cùng với đó là thực hiện các biện pháp quản lý chống thất thu thuế" - ông Trần Văn Úy nhấn mạnh.

Được biết, những góp ý của các "nhà đài" và hiệp hội sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp thu để hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP (ngày 18-1-2016) về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, dự kiến trình Chính phủ cuối năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyền hình trả tiền: Doanh thu thấp vì cạnh tranh giá rẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.