Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sớm ban hành quy định

Thanh Hà| 08/10/2019 07:30

(HNM) - Vấn đề cấp tần số cho nhà mạng triển khai mạng 4G đã đặt ra từ 3 năm trước, sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức cấp phép 4G (tháng 10-2016). Theo quy định của Luật Tần số vô tuyến điện (năm 2009), các băng tần thấp, có vùng phủ tốt, có giá trị cao đều cấp phép theo hình thức đấu giá, hoặc thi tuyển.

Trong đó, băng tần 2.600 MHz quy hoạch cho 4G được xếp vào băng tần có giá trị cao. Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng phương án cấp phép 4G theo hình thức đấu giá và công bố mời đấu giá băng tần này...

Tần số là tài sản đặc biệt, nhưng Luật Đấu giá tài sản công (hiệu lực từ tháng 7-2017) lại chưa có quy định về vấn đề này. Đây chính là căn nguyên khiến chưa thể cấp cho doanh nghiệp băng tần "chuẩn" 4G.

Trong phần tọa đàm tại Diễn đàn Cách mạng công nghiệp 4.0 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 3-10 vừa qua, ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho rằng, hạ tầng viễn thông là nền tảng cho chuyển đổi số và Cách mạng công nghiệp 4.0, do vậy mạng viễn thông cần được xây dựng theo phương châm "đi trước một bước". Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước nên cấp phép nhanh, kịp thời, với thủ tục gọn nhẹ nhất và không nên đặt quá nặng về thu ngân sách. Việc cấp phép cũng nên đi theo nguyên tắc mũi nhọn, doanh nghiệp nào mạnh, đủ nguồn lực thì "đi trước". Đặc biệt, cấp thẩm quyền phải có cơ chế đầu tư mạo hiểm theo đúng nghĩa là chấp nhận mạo hiểm chứ không phải đầu tư dự án với nhiều thủ tục phức tạp...

Đây là đề xuất rất cần được xem xét thấu đáo, bởi hiện nay do chưa có băng tần cho 4G nên ba nhà mạng: Viettel, VNPT (VinaPhone), MobiFone thiết lập hạ tầng mạng và dịch vụ 4G trên băng tần 1.800 MHz - vốn dành cho 2G, nên tốc độ và chất lượng dịch vụ không như mong muốn. Hơn thế, Nghị quyết số 52-NQ/TƯ ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng nêu rõ: "Có cơ chế cho doanh nghiệp nhà nước thực hiện đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ, đầu tư mạo hiểm, đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo".

Vì vậy, hi vọng trong thời gian tới các bộ, ngành liên quan, cấp thẩm quyền sớm ban hành quy định để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển như nghị quyết đã nêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sớm ban hành quy định

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.