Theo dõi Báo Hànộimới trên

Định danh điện tử thúc đẩy phát triển kinh tế số

Việt Nga| 30/10/2019 07:19

(HNM) - Định danh điện tử và xác thực điện tử được coi là yếu tố quan trọng để thực hiện các giao dịch điện tử hướng tới sự phát triển của chính phủ số, kinh tế số. Để tạo hành lang pháp lý cho dịch vụ này phát triển, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng dự thảo nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử và đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân.

Ngân hàng là một trong những lĩnh vực được chuẩn bị triển khai dịch vụ định danh điện tử. Ảnh: Thái Hiền

Theo thông tin từ Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ngày càng có nhiều quốc gia triển khai xác thực và định danh số, bởi đây là những yếu tố cần thiết cho việc phát triển kinh tế - xã hội trên môi trường mạng. Tại Việt Nam, việc định danh, xác thực đã được sử dụng phổ biến như giấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu,... Tuy nhiên, khi chuyển sang môi trường giao dịch điện tử thì cần phải có quy định pháp lý để định danh chính xác một cá nhân, tổ chức thực hiện giao dịch trên môi trường mạng. Hay nói cách khác, tương tự như ở ngoài đời thực, định danh và xác thực điện tử là một sự chứng nhận về nhân thân của cá nhân, tổ chức trên mạng.

Thực tế cho thấy, dù chưa có các quy định pháp lý, song thời gian qua, các cơ quan, tổ chức và người dân đã thực hiện nhiều giao dịch trên mạng. Đánh giá về thực trạng này, ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, hầu hết giao dịch điện tử giữa cơ quan nhà nước, người dân, doanh nghiệp trên các cổng dịch vụ công chưa có quy định thống nhất, chưa có cơ chế xác thực định danh người sử dụng bảo đảm an toàn.

Giao dịch điện tử giữa các cơ quan nhà nước chưa có quy định cụ thể về định danh và xác thực điện tử. Các giao dịch điện tử trong khu vực tư nhân đã có quy định về bảo đảm an toàn ở một số lĩnh vực, tuy nhiên chưa có quy định tổng thể chung về định danh và xác thực điện tử để tham chiếu. Đáng chú ý, do ý thức sử dụng mật khẩu của người dùng chưa cao, nên thường tạo mật khẩu ngắn, dễ đoán, tùy tiện nhập thông tin tài khoản vào các website, đường link lạ, hay sử dụng chung một mật khẩu cho nhiều tài khoản... dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Để tạo hành lang pháp lý, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng nghị định quy định về định danh điện tử (đang lấy ý kiến nhân dân, bộ, ngành liên quan). Nghị định này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc cung cấp, sử dụng dịch vụ xác thực và định danh điện tử đa dạng, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong giao dịch điện tử. Đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng cổng dịch vụ công quốc gia; cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh góp phần hoàn thành các mục tiêu xây dựng chính phủ điện tử...

Về phía các doanh nghiệp, theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng, VNPT chuẩn bị triển khai dịch vụ định danh điện tử của VNPT, trước hết cho một số lĩnh vực như tài chính - ngân hàng, hàng không. Đặc biệt, VNPT sẽ cung cấp dịch vụ này cho Vietnam Airlines, giúp khách hàng vào nhà ga không cần làm thủ tục, tất cả mọi thủ tục đều thực hiện tự động. Dịch vụ này sẽ làm giảm chi phí lao động cho Vietnam Airlines và bảo đảm thời gian khách hàng lên máy bay kịp thời, mà không phải làm nhiều thủ tục.

Ông Lê Quốc Hữu, kiến trúc sư trưởng về thành phố thông minh của Tập đoàn Viettel cho biết, Viettel đã đầu tư nghiên cứu và thử nghiệm định danh, xác thực điện tử nội bộ từ năm 2016 với tên gọi dịch vụ “Viettel Mobile Connect” và cho biết, việc triển khai dịch vụ này hoàn toàn thuận lợi vì có thể tận dụng cơ sở dữ liệu của nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các nhà mạng viễn thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Định danh điện tử thúc đẩy phát triển kinh tế số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.