Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hệ sinh thái vnEdu của VNPT giúp ngành Giáo dục chuyển đổi số

Anh Phương| 23/11/2019 19:46

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã thực hiện nghiên cứu xu thế và ứng dụng các công nghệ 4.0 vào xây dựng hệ sinh thái giáo dục thông minh trong việc chuyển đổi số các nghiệp vụ trong nền giáo dục Việt Nam.

Trong khuôn khổ “Hội thảo ứng dụng công nghệ thông tin và tập huấn xây dựng cơ sở dữ liệu trong ngành Giáo dục đào tạo” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 22-11 tại thành phố Đà Nẵng, Cục Công nghệ thông tin (thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo) và Công ty Công nghệ thông tin VNPT (thành viên của Tập đoàn VNPT) đã ký thỏa thuận hợp tác về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đạo tạo giai đoạn 2019-2024.

Tham dự hội thảo, đại diện Tập đoàn VNPT ông Nguyễn Hồng Nghi - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Điện tử thuộc Công ty VNPT-IT đã thuyết trình về “Hệ sinh thái giáo dục thông minh vnEdu trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng công nghệ như AI (trí tuệ nhân tạo), Big Data (dữ liệu lớn), IoT (internet kết nối vạn vật)… Việc ứng dụng các công nghệ này vào trong các lĩnh vực quan trọng của đời sống như y tế, du lịch, giáo dục... sẽ mang lại không ít thách thức cũng như cơ hội cho các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường, góp phần làm thay đổi phương pháp tiếp cận từ truyền thống sang phương pháp tiên tiến, hiện đại và mang lại hiệu quả cao.

 Trong bối cảnh đó, Tập đoàn VNPT đã thực hiện nghiên cứu xu thế và ứng dụng các công nghệ 4.0 vào xây dựng hệ sinh thái giáo dục thông minh trong việc chuyển đổi số các nghiệp vụ trong ngành Giáo dục Việt Nam. Qua quá trình triển khai hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin cho lĩnh vực giáo dục trên 63 tỉnh, thành phố, VNPT nhận thấy có 3 vấn đề chính mà ngành Giáo dục và Đào tạo đang gặp phải.

Thứ nhất, chưa có nền tảng (platform) để triển khai các dịch vụ thông minh và kết nối giữa các ứng dụng; thứ hai, chưa có khung ứng dụng chính quyền điện tử tổng thể toàn ngành và liên thông với các hệ thống chính phủ điện tử. Việc phát triển tự phát, không theo quy chuẩn, dẫn đến khó khăn trong việc liên thông và tích hợp các sản phẩm dịch vụ. Và thứ ba đó là dữ liệu phân tán, chưa tập trung; khó khăn trong việc giám sát, thống kê, báo cáo.

Từ các lý do trên, Tập đoàn VNPT đã xây dựng hệ sinh thái giáo dục thông minh dựa trên khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành. Đến nay, hệ sinh thái giáo dục vnEdu của VNPT đã có khoảng 13.000 cơ sở giáo dục trên toàn quốc sử dụng, phục vụ công tác quản lý và điều hành thống nhất cơ sở giáo dục từ cấp sở đến phòng và nhà trường. 

Không dừng lại ở đó, để tối ưu hệ sinh thái giáo dục thông minh và bắt kịp với các xu thế công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, VNPT đã nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhất để nâng cấp lên phiên bản vnEdu 4.0. Trong đó, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ Cloud Computing, Big Data, AI, Blockchain… vào các bài toán ứng dụng nghiệp vụ giáo dục cụ thể như: Hệ thống quản lý thông tin nhà trường; Phần mềm quản lý dinh dưỡng; Hệ thống quản lý thu phí tích hợp hóa đơn điện tử; Cổng thông tin học liệu và thi trực tuyến tùy biến; Phần mềm kiểm định giáo duc; Trung tâm điều hành giáo dục; Hệ thống điểm danh điện tử sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo; Hệ thống quản lý văn bằng chứng chỉ sử dụng công nghệ BlockChain (Chuỗi khối).

Với việc ký thỏa thuận hợp tác giữa Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và Công ty Công nghệ thông tin VNPT, hai bên sẽ cùng cam kết hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2019-2024. Trong đó, hệ sinh thái giáo dục thông minh vnEdu sẽ được triển khai và phục vụ công tác quản lý, điều hành thống nhất cơ sở giáo dục; xây dựng cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông đáp ứng theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ sinh thái vnEdu của VNPT giúp ngành Giáo dục chuyển đổi số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.