Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sinh viên Bách khoa với sáng kiến hỗ trợ bệnh nhân Covid-19

Thống Nhất| 21/08/2020 21:06

(HNMO) - Hôm nay, 21-8, là một ngày đặc biệt của các thành viên Câu lạc bộ BK Star, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. 100 máy nhắc thông minh hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 đã được hoàn thiện, đóng gói chu đáo để “lên đường” vào các bệnh viện ở Đà Nẵng, góp phần giúp đội ngũ bác sĩ, y tá bớt vất vả trong việc điều trị bệnh nhân.

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lắp ráp máy nhắc thông minh.

Nỗ lực góp sức chống dịch

Hào hứng chia sẻ về sản phẩm này, Nguyễn Minh Huy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ BK Star, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Nhờ sự tài trợ của Công ty VNPT Technology, cả nhóm đã khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ để hoàn thiện đủ 100 máy nhắc thông minh. Đây là một thiết bị điện tử nhỏ gọn, có chức năng nhắc bệnh nhân Covid-19 uống thuốc theo lời dặn của bác sĩ".

Hôm nay, 100 chiếc máy này đã được chuyển vào Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng để nhờ các thầy, cô giáo gửi tới Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện dã chiến Hòa Vang (Đà Nẵng). Với chiếc máy này, bác sĩ có thể ghi âm, truyền đạt lại cho bệnh nhân về liều lượng thuốc hằng ngày, nhắc bệnh nhân uống thuốc đúng giờ, lịch đo thân nhiệt...  

Ý tưởng ban đầu của nhóm là sáng tạo một sản phẩm để ứng dụng trong dạy học STEM. Theo kế hoạch, sản phẩm sẽ được phát triển để có thể ứng dụng trong đời sống như ghi lại những lời nhắc nhở hằng ngày của bố, mẹ với con khi vắng nhà; hỗ trợ người già ghi nhớ những việc cần thiết khi trí nhớ không còn minh mẫn... Tuy nhiên, sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 tại Đà Nẵng đã khiến cả nhóm chuyển hướng.

Thủ lĩnh của nhóm, Nguyễn Minh Huy là người đã nảy ra ý tưởng thiết kế một sản phẩm có thể thay bác sĩ giao tiếp với bệnh nhân nhằm hạn chế tối đa sự tiếp xúc, đồng thời hỗ trợ tích cực cho công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Đáng chú ý, để hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch khi ghi âm trực tiếp trên thiết bị, cả nhóm đã nâng cấp, phát triển tính năng thu âm qua app hoặc web.

20 sinh viên tham gia dự án đến từ các khoa khác nhau của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, song các bạn trẻ này đều chung mong muốn có những đóng góp thiết thực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Dù bận với việc học nhưng mỗi người đều cố gắng sắp xếp, dồn quỹ thời gian tối đa cho việc triển khai dự án.

Ngô Đình Hoàng, thành viên của nhóm chia sẻ: "Cũng như các bạn trong nhóm, em rất muốn đóng góp phần công sức nhỏ bé của mình để những người ở tuyến đầu chống dịch Covid-19 bớt vất vả. Không ai bảo ai, trừ thời gian lên giảng đường, các thành viên của nhóm đều dành hầu hết quỹ thời gian, tâm huyết và công sức cho việc sản xuất thiết bị”.

Chưa đầy một tháng từ khi có ý tưởng, cả nhóm đã hoàn thành khâu thiết kế, hoàn thiện và bước vào quá trình sản xuất thiết bị với số lượng lớn. Khó khăn lớn nhất mà cả nhóm phải đối mặt là sự gấp rút về thời gian và thiếu linh kiện điện tử do một số thứ không có sẵn. Không mua được những linh kiện đã được tối ưu, cả nhóm chuyển hướng sang mua linh kiện rời, rồi cùng nhau lắp ráp, hoàn thiện theo mục đích của thiết bị.

Sản phẩm máy nhắc thông minh đã được hoàn thiện.

Sáng tạo từ nhu cầu thực tế

Nguyễn Minh Huy chia sẻ, đây không phải là lần đầu tiên Câu lạc bộ BK Star, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sản xuất thiết bị hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19. Có khá nhiều sản phẩm đã ra đời và mang tính ứng dụng cao, mang lại hiệu quả thiết thực trong cuộc sống hằng ngày.

Đáng chú ý, nhóm đã nghiên cứu và cho ra mắt sản phẩm buồng khử khuẩn toàn thân tự động; máy phun dung dịch sát khuẩn tự động dùng trong gia đình, bệnh viện; máy tích hợp chức năng lấy dung dịch sát khuẩn và đo thân nhiệt tự động... Những sản phẩm hữu ích ấy đã được đưa vào ứng dụng trong cuộc sống, đặc biệt là tại các trường học trên địa bàn thành phố.

"Nhằm hỗ trợ các nhà trường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khi số lượng học sinh đông, từ nay đến ngày khai giảng năm học mới 2020-2021, nhóm sẽ gửi 2 chiếc máy tích hợp chức năng lấy dung dịch sát khuẩn và đo thân nhiệt tự động cho Trường Tiểu học Thịnh Hào (quận Đống Đa)", Nguyễn Minh Huy hào hứng cho biết.

Quay trở lại với sản phẩm máy nhắc thông minh có chức năng nhắc bệnh nhân Covid-19 uống thuốc theo lời dặn của bác sĩ, Nguyễn Minh Huy chia sẻ thêm, cả nhóm sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm này để có thể tăng khả năng ứng dụng trong cuộc sống.

Trước mắt, cả nhóm đang tập trung hoàn thiện để sớm cho ra mắt sản phẩm hộp chấm công và điểm danh bằng cách nhận diện khuôn mặt sử dụng năng lượng mặt trời. Cả nhóm kỳ vọng với tính tiện ích, cơ động cao như có thể lắp đặt ở công trường, những khu vực chưa có điện lưới..., sản phẩm sẽ được ứng dụng rộng rãi.

Tiến sĩ Hàn Huy Dũng, giảng viên Viện Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đánh giá, máy nhắc thông minh là một sản phẩm điển hình của ứng dụng điện tử viễn thông trong cuộc sống. Sản phẩm khá hoàn thiện về chức năng, giúp bệnh nhân không quên uống thuốc, giúp bác sĩ bớt vất vả mà vẫn bảo đảm hiệu quả điều trị. Mặc dù vẫn cần được chỉnh sửa, nâng cấp, nhưng đây là một nền tảng tốt để các bạn trẻ có thể phát triển các ứng dụng tương đương, tăng cơ hội ứng dụng thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sinh viên Bách khoa với sáng kiến hỗ trợ bệnh nhân Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.