Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh giác tội phạm cướp tài sản

Tiến Thành| 11/05/2019 07:14

(HNM) - Thời gian gần đây, tội phạm cướp tài sản có nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội rất tinh vi, manh động. Do đó, Công an thành phố Hà Nội đã chủ động đưa ra những khuyến cáo về thủ đoạn của loại tội phạm này để người dân nâng cao cảnh giác, chủ động thực hiện các biện pháp tự phòng ngừa.

Lực lượng Cảnh sát 141 (Công an thành phố Hà Nội) ra quân kiểm tra, trấn áp tội phạm. Ảnh: Thái Hiền


Nhiều thủ đoạn tinh vi

Cuối tháng 3-2019, cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can và tạm giam 4 tháng đối với hai đối tượng Vũ Thành Nam (sinh năm 1997) và Vương Quốc Anh (sinh năm 1999) cùng trú ở quận Hai Bà Trưng, về hành vi “Cướp giật tài sản”. Theo cơ quan điều tra, hai đối tượng này đã thực hiện 11 vụ cướp tài sản trên địa bàn các quận: Long Biên, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ. Cũng trong thời gian này đã xảy ra vụ việc đối tượng Vũ Chí Chung (sinh năm 1976, trú ở quận Hai Bà Trưng) nổ súng uy hiếp, cướp tài sản tại chợ đầu mối Long Biên (quận Ba Đình). Ngay sau đó, cơ quan công an đã bắt giữ được đối tượng gây án và thu giữ nhiều tang vật có liên quan.

Theo Phòng Tham mưu - Công an thành phố, thông qua công tác điều tra, khám phá các vụ án cướp tài sản đã xảy ra, Công an thành phố nhận thấy phần lớn đối tượng gây án đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng như đã thăm dò, theo dõi mục tiêu, lựa chọn thời điểm thuận lợi; chuẩn bị kỹ các công cụ, phương tiện; có sự bàn bạc, lên kế hoạch, phân công rõ trách nhiệm giữa các đối tượng trong quá trình thực hiện; lợi dụng triệt để những sơ hở, mất cảnh giác của người dân để tiếp cận và thực hiện hành vi phạm tội…

Thượng tá Nguyễn Thành Long, Trưởng phòng Tham mưu cho biết, gần đây còn xuất hiện thủ đoạn các đối tượng tự tạo ra những tình huống khiến người tham gia giao thông mất cảnh giác, buộc phải dừng phương tiện như cho trẻ em ngồi, đóng giả người bị tai nạn nằm, đặt các chướng ngại vật giữa đường vào buổi tối... Khi người điều khiển phương tiện giao thông nhìn thấy, dừng phương tiện và tiến lại gần, các đối tượng phục sẵn xông ra khống chế hoặc dùng các thủ đoạn khiến người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được để chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, kẻ xấu còn đóng giả là khách thuê xe ôm, xe taxi... để “điều” nạn nhân đến các địa điểm vắng vẻ rồi thực hiện hành vi cướp tài sản hoặc “dàn cảnh” các vụ tai nạn, va chạm giao thông, đánh ghen, đánh nhau… để cướp tài sản.

Trong khi đó, theo Đại tá Trần Văn Thuận, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an thành phố, tội phạm cướp tài sản còn sử dụng một số phương thức, thủ đoạn tiếp cận mục tiêu thông qua các dịch vụ của mạng internet, mạng xã hội và mạng viễn thông dụ dỗ, ép buộc nạn nhân đến những nơi thuận lợi để cướp tài sản…

Phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời

Cùng với sự phát triển của công nghệ, các loại hình tội phạm mạng ngày càng nhiều.



Nhận diện những thủ đoạn của tội phạm cướp tài sản nêu trên, Thượng tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự - Công an thành phố cho biết, đơn vị đã và đang phối hợp với các đơn vị bạn, công an các quận, huyện, thị xã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống. Trong đó, Cảnh sát hình sự và các đơn vị nghiệp vụ của Công an thành phố tăng cường tuần tra khép kín thời gian, địa bàn kết hợp với hóa trang mật phục để phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phản ứng nhanh khi có sự việc xảy ra. Đồng thời, công tác nắm bắt các đối tượng nằm trong diện quản lý được đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện một cách bài bản, có hiệu quả với mục tiêu không để các đối tượng này tái phạm, gây án trên địa bàn.

Cùng với các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm cướp tài sản, lực lượng Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát giao thông thường xuyên bố trí các tổ tuần tra và cán bộ, chiến sĩ tham gia phối hợp với các tổ công tác 141 lập chốt kiểm tra trên các tuyến đường, địa bàn thường xảy ra cướp tài sản để phát hiện, kịp thời ngăn chặn và xử lý đối tượng gây án. Đồng thời, công an các quận, huyện, thị xã cũng thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên truyền phù hợp với tình hình địa bàn như ký cam kết phòng ngừa, phát tờ rơi về các thủ đoạn mới của tội phạm, vận động người dân lắp đặt các thiết bị hỗ trợ, camera phòng ngừa tội phạm… Lực lượng công an cũng lắp đặt các biển báo, chỉ dẫn phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự ở các tuyến phố, địa bàn trọng điểm, phức tạp, nơi thường xảy ra trộm, cướp tài sản, nâng cao cảnh giác, phòng ngừa và động viên người dân cung cấp thông tin tố giác tội phạm cho lực lượng công an.

Phòng Cảnh sát hình sự cũng khuyến cáo, trong mọi trường hợp, khi nhận thấy các đối tượng có dấu hiệu nghi vấn chuẩn bị thực hiện tội phạm cướp tài sản, người dân cần nhanh chóng phản ánh đến cơ quan công an gần nhất hoặc gọi điện đến đường dây nóng của Công an thành phố theo số điện thoại 113 để kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa, không để xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác tội phạm cướp tài sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.