Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cây “tiền tỷ” trên vùng đất bãi

Chí Đạo - Duy Biên| 27/05/2018 07:59

(HNM)-  5 năm trở lại đây, người dân xã Hồng Thái (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đã mạnh dạn đầu tư trồng măng tây trên vùng đất bãi ven sông Hồng. Hợp đất, hợp nước, cây măng tây đã sinh trưởng tốt, chất lượng cao, mang lại tiền tỷ cho người trồng. Và mô hình này đang tạo cơ sở để hình thành những mô hình nông nghiệp công nghệ cao đầy ấn tượng trên vùng đất bãi…

LTS: 5 năm trở lại đây, người dân xã Hồng Thái (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đã mạnh dạn đầu tư trồng măng tây trên vùng đất bãi ven sông Hồng. Hợp đất, hợp nước, cây măng tây đã sinh trưởng tốt, chất lượng cao, mang lại tiền tỷ cho người trồng. Và mô hình này đang tạo cơ sở để hình thành những mô hình nông nghiệp công nghệ cao đầy ấn tượng trên vùng đất bãi…

Bài đầu: Về với “rau vua”

(HNM) - Cây măng tây không chỉ có hàm lượng dinh dưỡng rất cao mà còn được người dân ở xã Hồng Thái coi là “rau vua” vì có giá trị cao gấp nhiều lần các loại rau màu thông thường. Nhờ trồng loại cây “quý tộc” này, mỗi năm một hộ dân có thể thu nhập cả trăm triệu đồng…

Sản phẩm sạch, thu nhập cao

Trên thảm rau xanh ngút ngàn của vùng bãi ven sông Hồng ở xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên, nổi lên dãy nhà vườn có mái che ni lông màu trắng bạc của Hợp tác xã Rau quả xã Hồng Thái. Khi chúng tôi đến cũng là lúc bà con xã viên vừa thu hoạch măng tây trắng ở vườn về. Ông Lê Đức Trịnh - Giám đốc Hợp tác xã Rau quả Hồng Thái cầm những mầm măng tây trắng to bằng ngón chân cái khoe: “Đợt này măng tây xanh và măng tây trắng mà hợp tác xã thu hoạch không đủ để bán, nhất là với những đọt măng trắng to thế này. Không chỉ cung cấp cho siêu thị, nhiều người còn đặt mua qua mạng nên măng tây vừa thu hoạch về là có người đến lấy ngay”.

Chăm sóc cây măng tây tại xã Hồng Thái (huyện Phú Xuyên). Ảnh: Anh Tuấn


Dẫn chúng tôi đi thăm 3 nhà lưới chuyên trồng măng tây có mái che, ông Trịnh cho biết, hiện Hợp tác xã có 12 hộ xã viên tham gia đầu tư. Trong đó, một nhà vườn rộng 8.000m2 trồng măng tây xanh và một nhà vườn 3.200m2 trồng măng tây trắng. Riêng khu vườn măng tây này, Hợp tác xã đã đầu tư gần 3 tỷ đồng. Toàn bộ nhà lưới, phủ ni lông đã được lắp đặt hệ thống tưới phun mưa thông minh theo công nghệ của Israel, được điều khiển bằng điện thoại. Với hệ thống này, người vận hành không cần có mặt trực tiếp để điều khiển mà vẫn bảo đảm không khí trong vườn luôn mát mẻ. Ngoài ra, chủ vườn còn kiểm soát được nhiệt độ, thời tiết, sâu bệnh… cho cây măng.

Nhớ về những ngày đầu đến với cây măng, Giám đốc Hợp tác xã Lê Đức Trịnh kể, ông bắt đầu trồng măng tây từ năm 2013. Vậy nhưng chỉ sau 4 năm, cây đã thoái hóa nên năng suất thấp do giống nhập trôi nổi từ nhiều nguồn. Rất may là cách đây 1 năm, TP Hà Nội đã hỗ trợ nhập hạt giống mới từ Hà Lan và đưa cả chuyên gia nước bạn về tận nơi trực tiếp tư vấn, hướng dẫn ông Trịnh từ cách ủ hạt, làm đất, gieo hạt… Điều rất vui là trong số 30.000 cây giống ấy, khi trồng đã đạt tỷ lệ sống đến 80% và chỉ sau khoảng 8 tháng, cây đã bắt đầu cho thu hoạch.

“Hiện giá bán tại vườn là 100 nghìn đồng/kg măng tây xanh và 150 nghìn đồng/kg măng tây trắng. Với mức giá này, trung bình 1ha măng tây trắng có thể thu nhập trên 2 tỷ đồng/năm; với măng tây xanh thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm. Nếu đầu ra ổn định, không loại cây nào hiệu quả bằng trồng măng tây ở xã Hồng Thái. Thông thường, với một lần trồng, cây sẽ cho thu hoạch trong khoảng 11-13 năm. Đầu tư hệ thống nhà lưới như của hợp tác xã thì sau 3 năm sẽ thu hồi được vốn, các năm còn lại sẽ thu lãi…” - ông Trịnh chia sẻ.

Gia đình bà Phan Thị Điệu ở thôn Duyên Yết là một trong những hộ dân của xã Hồng Thái tiên phong trong việc chuyển đổi từ cây ngô sang trồng măng tây xanh. Bà Điệu hồ hởi kể, ngoài giá trị dinh dưỡng cao, măng tây là loại rau sạch tự nhiên nên được nhiều người ưa chuộng. Theo bà Điệu, bệnh chủ yếu của măng tây là nấm mốc, khi cây bị bệnh chỉ cần rắc vôi bột, không phun thuốc hóa học. Trước khi xuống giống phải làm đất cẩn thận như loại bỏ mầm cỏ, sâu bệnh rồi bón lót bằng phân hữu cơ có thành phần là vỏ đậu, vụn bèo, rơm rạ, mùn cưa… Đặc biệt, để cây sinh trưởng tốt và cho đọt măng đẹp, người trồng phải sử dụng nước trong và sạch để tưới dưỡng…

Tiền đề cho nông nghiệp công nghệ cao

Gặp chúng tôi, ông Lê Văn Ấm, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái phấn khởi cho hay, bao năm qua, người dân Hồng Thái chỉ quen với các loại cây như ngô, rau… ở vùng đất bãi, nhưng từ năm 2013 trở lại đây đã có sự đổi thay khi một số hộ bắt tay vào trồng thử nghiệm cây măng tây. Nhất là từ năm 2017, nhờ được TP Hà Nội hỗ trợ hạt giống tốt từ Hà Lan và người dân ứng dụng công nghệ vào trồng trọt nên đã mang lại hiệu quả gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác.

“Nhận thấy việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất măng tây ở xã Hồng Thái đem lại lợi ích lớn, UBND huyện đã đặc biệt chú trọng mô hình này. Hiện nay theo chỉ đạo của huyện, chúng tôi đang thực hiện thu hồi, giải phóng mặt bằng 20ha đất bãi để quy hoạch trồng măng tây. Hy vọng, mô hình này sẽ là tiền đề để xã phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới…” - ông Ấm nhấn mạnh.

Là người gắn bó với người dân xã Hồng Thái để hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch măng tây, Tiến sĩ Nguyễn Mai Thơm, giảng viên bộ môn Canh tác học, Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm và Đào tạo nghề - Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, tại xã Hồng Thái trồng cả 2 giống măng tây (măng tây xanh và măng tây trắng). Trong đó cây măng tây trắng, giống Hà Lan, được các cán bộ nhân viên Hợp tác xã Rau quả xã Hồng Thái thực hiện theo Quy trình kỹ thuật của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nên cây sinh trưởng phát triển tốt và cho năng suất cao. “Măng tây có nguồn gốc ở vùng bờ biển phía Tây Châu Âu, nên khi di thực về vùng nhiệt đới như ở Việt Nam sẽ khó khăn, không chịu được nắng nóng. Tuy nhiên, việc mở rộng phát triển măng tây ở khu vực đất bãi xã Hồng Thái hoàn toàn có thể thực hiện được nếu trồng trong điều kiện nhà lưới để điều chỉnh phù hợp với đặc điểm của cây măng tây” - Tiến sĩ Nguyễn Mai Thơm khẳng định. Đây là loài cây trồng lâu năm nhằm mục đích thu hoạch chồi non. Măng tây là thực phẩm dinh dưỡng cao cấp, được sử dụng như một loại rau và dược liệu, do mùi vị tinh tế và tính chất lợi tiểu của nó. Măng tây là nguồn tốt cung cấp vitamin B6, canxi, magiê, kẽm và rất giàu chất xơ. Các axit amin như crom, một loại khoáng chất vi lượng giúp tăng cường khả năng của insulin để vận chuyển glucose từ máu vào tế bào... rất tốt cho sức khỏe.

“Bén rễ” vùng đất bãi xã Hồng Thái đã được 5 năm, cây măng tây không chỉ khẳng định được sức sống mới mà còn cho thấy nhiều tiềm năng để phát triển. Người dân cũng như chính quyền địa phương kỳ vọng, trong tương lai không xa, vùng đất này sẽ trở thành một khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của huyện Phú Xuyên và Thủ đô Hà Nội.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cây “tiền tỷ” trên vùng đất bãi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.