Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lãng du cùng nhà văn hóa tuổi bách niên

Yên Nga| 10/10/2018 06:11

(HNM) - Thật hiếm có người hơn 7 thập niên bền bỉ làm nhịp cầu kết nối văn hóa nước nhà và thế giới như nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hữu Ngọc. Ở tuổi bách niên, nhưng sức khỏe ông vẫn tốt, vẫn minh mẫn để dẫn dắt bất cứ ai lãng du trong những miền văn hóa, từ Hà Nội, Việt Nam đến Nhật Bản, Pháp, Mỹ…


Nhà “xuất - nhập khẩu” văn hóa

Thật xúc động khi được nhà nghiên cứu văn hóa đã ở tuổi bách niên mở cửa đón vào căn nhà xanh tươi cây cối giữa lòng Thủ đô. Tuy chân đã chậm, nhưng bước đi của ông vẫn vững, vẫn nguyên dáng vẻ thanh nhã, điềm đạm của người trai Hà Nội năm xưa.

Nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc vẫn bền bỉ làm việc hằng ngày. Ảnh: Thụy Du


Trên tầng 2, trong căn phòng làm việc bày kín giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế, cùng những chiếc giá chất đầy sách, ông say sưa kể về công việc nghiên cứu văn hóa mà mình dành trọn cả cuộc đời. Ông giảng giải về cái tên mà mọi người gắn cho ông - nhà “xuất - nhập khẩu” văn hóa. “Người xuất khẩu văn hóa, tức là giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, thì có nhiều. Người nhập khẩu văn hóa, tức là giới thiệu văn hóa nước ngoài về Việt Nam, mấy chục năm trước ít lắm. Tôi làm song song cả hai việc”, ông nói.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hữu Ngọc sinh năm 1918. Trong nhiều cuốn sách, ông kể: “Tôi sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Gai thuộc khu phố cổ Hà Nội, chỉ ít lâu sau kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất”. Sống trong một gia đình nhiều đời thông Nho, tường y, rành Nôm nên trong ông đã thấm đẫm văn hóa Việt.

Trong cuộc đời, ông từng làm thầy giáo, làm công tác địch vận cho kháng chiến, viết báo quốc tế, xuất bản ngoại văn, đối ngoại văn hóa, viết sách… Chính cuộc đời phong phú, được chứng kiến những bước thăng trầm của đất nước, được trải qua nhiều công việc, nhiều vị trí; được đi nhiều nước trên thế giới đã "đẩy" ông thành nhà “xuất - nhập khẩu" văn hóa.

Với việc “xuất khẩu” văn hóa, ông chia sẻ: “Trước đây, người nước ngoài ít biết đến văn hóa Việt Nam hoặc nghĩ rằng Việt Nam không có văn hóa riêng. Vì vậy, tôi phải viết sao cho họ thấy rõ chúng ta có nền văn hóa đặc sắc, không giống bất cứ quốc gia nào”. Ông dành 20 năm để thực hiện bộ sách “Lãng du trong văn hóa Việt Nam” (3 tập) dày 1.200 trang, bằng tiếng Việt, Anh và Pháp, đã được tái bản hàng chục lần. Ngoài ra, ông còn viết cùng bác sĩ Nguyễn Khắc Viện bộ sách song ngữ Anh - Pháp “Tuyển tập văn hóa Việt Nam” gồm 4 tập. Thời gian gần đây, ông gây ấn tượng với cuốn sách “Đồng hành cùng thế kỷ văn hóa - lịch sử Việt Nam” (năm 2014) và “Việt Nam - Truyền thống và đổi thay” (năm 2016).

Với công việc “nhập khẩu” văn hóa về Việt Nam, ông đưa đến bạn đọc Việt cuốn “Phác thảo chân dung văn hóa Pháp”, “Mảnh trời Bắc Âu”, “Văn hóa Thụy Điển”, “Hồ sơ văn hóa Mỹ”, “Lãng du trong văn hóa xứ sở hoa anh đào”, “Chìa khóa để biết và hiểu Lào”… Không chỉ viết sách, báo, ông còn là diễn giả của hàng trăm cuộc nói chuyện về văn hóa, mà nhà thơ Trần Đăng Khoa có lần chứng kiến đã nói rằng: “Hữu Ngọc rất linh hoạt, khi nói tiếng Anh, lúc chuyển tiếng Pháp, lúc lại quặt sang tiếng Đức. Ai hỏi ông bằng tiếng nước nào thì ông trả lời bằng tiếng nước đó. Ông có khả năng thôi miên người nghe bằng khối kiến thức uyên bác của mình”.

Bên cạnh kính nể về khối kiến thức, người đọc và người nghe còn bị thuyết phục bởi lối dẫn dắt độc đáo đã thành thương hiệu của ông - lãng du. Ông chia sẻ: “Tôi muốn tránh đi cái từ nghiên cứu, nghe nó thật khô khan, nên chọn góc nhìn, cách viết nhẹ nhàng, vui vẻ, như đưa người ta đi chơi”. Để viết được như thế, theo ông, không chỉ qua sách vở mà phải đi nhiều, có thực tế thì góc nhìn mới sinh động, đồng thời phải biết ngoại ngữ để tìm hiểu được sâu. Mà nói về sức đi của ông, Nghệ sĩ nhân dân Phạm Thị Thành cảm thán: “Đi với bác Ngọc thì "no" kiến thức, nhưng đói bụng và bải hoải toàn thân. Không thể “đấu vật” với bác được!”.

Lãng du trong văn hóa Hà Nội

Hà Nội, nơi nhà nghiên cứu gắn bó thân thiết cả một đời, luôn được ông dành nhiều tâm huyết. Trong 34 cuốn sách của ông về văn hóa Việt Nam, có 7 cuốn riêng về mảnh đất này. Trước tiên phải kể đến cuốn “Phác thảo chân dung văn hóa Hà Nội” bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Đây là cuốn sách đầu tiên giới thiệu một cách sâu sắc, có hệ thống về văn hóa Hà Nội cho người nước ngoài kể từ sau Cách mạng Tháng Tám đến thời điểm ra mắt - năm 1997. Nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc kể rằng, đây là công trình ông được đặt hàng viết để dùng làm quà tặng chính thức cho các nguyên thủ quốc gia dự Hội nghị Thượng đỉnh các nước có sử dụng tiếng Pháp (Hà Nội - 1997). Chỉ có thời hạn 3 tháng, nhưng với sự am hiểu mảnh đất đã gắn bó cả đời, ông đã hoàn thành 200 trang sách chất lượng.

Dịp kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội nghìn năm tuổi, ông được đặt hàng viết cuốn “Hà Nội truyền thống” bằng tiếng Anh và biên soạn bộ sách bỏ túi “Hanoi, who are you?”, được coi là cẩm nang cho khách du lịch. Sau đó một năm, ông cho ra mắt cuốn “Hà Nội của tôi” gần 500 trang. Vẫn phong cách lãng du, vừa độc đáo, vừa dí dỏm, ông dẫn độc giả đi khắp các phố phường Hà Nội, thưởng thức cảnh sắc Hà thành, tìm hiểu thú vui của người thành thị. Rồi ông kể về người Tràng An, những bậc sĩ phu Bắc Hà, những tài tử, văn nhân nức tiếng và cả những người bạn quốc tế của ông. Mỗi sự vật, mỗi con người đều tô điểm tính cách Hà Nội - thanh lịch, văn minh, thân thiện, cởi mở… Thế nên, độc giả là người nước ngoài như nữ nhà văn Mỹ Lady Borton đã nhận ra: “Đối với Hữu Ngọc, người Hà Nội không nhất thiết phải là người sinh ra ở Hà Nội, mà là tất cả những ai, bất cứ từ đâu đến, kể cả từ nước ngoài, đã gắn bó với Hà Nội, khiến Thăng Long - Hà Nội trở thành Thủ đô nghìn năm văn hiến của Việt Nam”.

Trong lúc trò chuyện, nhắc đến cuốn sách nào, nhà nghiên cứu bách niên ấy lại tự mình đi lấy chúng trên các giá sách. Chỉ một lúc, trên bàn đã chất mấy chồng sách cao ngất. Đã vài năm nay, mắt ông mờ đi nhiều, tai cũng lãng, phải nhờ con cháu đọc và viết hộ, nhưng ông vẫn làm việc mỗi ngày. Chiếc bàn làm việc cũ kỹ đặt vài tập bản thảo đang làm dở, còn có cả mấy tập thư thời chiến của gia đình ông được đóng lại cẩn thận. Hợp đồng của các nhà xuất bản vẫn đều đặn gửi đến. Ông bảo, vẫn còn nhiều trang viết chưa từng in sách.

Rời nhà ông lúc chiều muộn, ông lại thân mật tiễn ra tận cửa. Rồi ông đứng trước hiên nhà, bình thản ngắm phố phường tấp nập. Sẽ sớm thôi, bạn đọc lại được cầm trên tay những cuốn sách mới của ông, để lãng du qua các vùng trời văn hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lãng du cùng nhà văn hóa tuổi bách niên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.