Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ứng xử văn minh trong du lịch cộng đồng

Minh An| 10/11/2018 08:00

(HNM) - Trong rất nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức du lịch cộng đồng ở Hà Nội, các giảng viên đều dành thời lượng đáng kể đề cập đến cung cách ứng xử của cộng đồng dân cư trong việc thu hút, giữ chân du khách.

Người dân tại xã Ba Vì (huyện Ba Vì, Hà Nội) giới thiệu nghề thuốc Nam với đoàn khảo sát du lịch cộng đồng.


Nghe mãi cũng không thừa

Nhà văn hóa thôn Lan Chi (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh) chật kín người tại lớp bồi dưỡng kiến thức du lịch cộng đồng do Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Đông Anh tổ chức vào cuối tháng 10 vừa qua. Cuốn sổ tay bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch đối với cộng đồng dân cư được đưa đến từng người tham gia lớp học. Tuy nhiên, Tiến sĩ Phạm Hồng Long, Chủ nhiệm Khoa Du lịch học (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn), giảng viên lớp học vẫn phổ biến, lý giải cặn kẽ về bộ Quy tắc và tác dụng thiết thực khi thực hiện. Ông Đỗ Phương Tuấn, Trưởng thôn Lan Chi dù đã tham gia một số lớp tập huấn du lịch cộng đồng trước đây do UBND huyện Đông Anh tổ chức vẫn phải công nhận: “Những kiến thức này quả không thừa, kể cả với người đã tham dự một số lớp tập huấn du lịch cộng đồng do UBND huyện tổ chức trước đây như tôi. Còn với nhiều người trong thôn, đây là lần đầu tiên được nghe về kiến thức du lịch cộng đồng nên rất hữu ích".

Ông Nguyễn Thế Mạnh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đông Anh kể rằng, việc tuyên truyền bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch đã được triển khai tới cán bộ, lãnh đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể của huyện... đặc biệt chú trọng cộng đồng dân cư tại các địa phương có lợi thế về phát triển du lịch như ở Cổ Loa, Thụy Lâm. Các hoạt động tuyên truyền đã giúp người dân dần ý thức hơn về vai trò, trách nhiệm của cá nhân và cộng đồng trong việc xây dựng nếp sống văn hóa và phát triển du lịch.

Cách đây ít tháng, cũng ở buổi bồi dưỡng kiến thức du lịch cộng đồng tại xã Cổ Đô (huyện Ba Vì), nhiều người dân cũng đưa ra ý kiến tương tự như suy nghĩ của trưởng thôn Lan Chi. Xã Cổ Đô mới làm du lịch cộng đồng nên cung cách ứng xử của người dân với du khách càng được xem trọng. Nếu ngay từ đầu, cung cách ứng xử không chuẩn mực thì sẽ tạo ấn tượng không hay với du khách. Lúc ấy, rất khó để xây dựng xã thành điểm đến hấp dẫn.

Không là chuyện nhất thời

Ngành Du lịch Hà Nội cũng như các quận, huyện, thị xã cũng khẳng định, việc tuyên truyền, phổ biến bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch tới cộng đồng dân cư, nhất là ở những điểm du lịch càng cần được coi trọng, thực hiện liên tục, không thể là chuyện nhất thời. Hà Nội có hàng trăm điểm du lịch đang được khai thác với số lượng người làm du lịch ở cộng đồng rất lớn, họ chính là những nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển của du lịch địa phương. Vì vậy, việc mở lớp bồi dưỡng về du lịch cộng đồng được xem là một giải pháp hiệu quả.

Trong 2 năm qua, hàng chục lớp bồi dưỡng về du lịch cộng đồng đã được tổ chức trên địa bàn thành phố, trong đó nội dung về quy tắc ứng xử văn minh du lịch luôn chiếm thời lượng đáng kể. Đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho hay, sẽ còn nhiều lớp tương tự được tổ chức để đáp ứng yêu cầu thực tế. Nhưng một lớp bồi dưỡng du lịch cộng đồng không thể giải quyết hết vấn đề mà cần có nhiều giải pháp mang tính “mưa dầm thấm lâu”. Ở đây, không chỉ ngành Du lịch mà các quận, huyện, thị xã cũng cần chủ động mở lớp bồi dưỡng thông qua sự phối hợp với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp du lịch... Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Khuyến, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho rằng: “Việc mở các lớp bồi dưỡng, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về vai trò, vị trí của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội thông qua thực hiện tốt bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch sẽ góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư về du lịch”.

Rõ ràng, người dân thực hiện tốt những quy tắc ứng xử văn minh du lịch ở cộng đồng dân cư cũng là góp phần đáng kể vào phát triển du lịch địa phương. Vì thế, càng cần đến sự chủ động quan tâm, đầu tư, đổi mới cách thức tuyên truyền của cơ quan quản lý.

16 điều cần làm với cộng đồng dân cư

Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dành cho 10 đối tượng, trong đó có cộng đồng dân cư. Theo đó, cộng đồng dân cư thể hiện rõ tiêu chí “Hiếu khách - Thân thiện - Văn minh” trong hoạt động du lịch thông qua 16 điều cần làm, như: Nói lời hay, cử chỉ đẹp, thân thiện với khách du lịch; nhiệt tình giúp đỡ du khách; xếp hàng theo thứ tự, không chen lấn xô đẩy tại nơi công cộng; tôn trọng, giúp đỡ, ưu tiên, nhường đường cho du khách; bảo vệ cảnh quan và môi trường, giữ gìn vệ sinh nơi ở và nơi công cộng; không kỳ thị, phân biệt, đối xử với khách; không tranh giành, gây gổ với khách du lịch; không “chèo kéo”, đeo bám khách du lịch...

(Trích bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành ngày 2-3-2017)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng xử văn minh trong du lịch cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.