Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Đích đến là chất lượng

Minh Ngọc| 16/12/2018 08:22

LTS: Chất lượng và hiệu quả luôn là đích đến của hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn TP Hà Nội. Tiếc rằng, trong quá trình triển khai, chính sách này bộc lộ khá nhiều bất cập, hạn chế, đòi hỏi phải có sự thay đổi tổng thể, toàn diện.

Lớp dạy nghề kỹ thuật trồng cây ăn quả dành cho lao động nông thôn tại xã Bạch Hạ (huyện Phú Xuyên).


Bài đầu: Làm giàu trên quê hương

Sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp, nhiều lao động nông thôn đã có việc làm ổn định. Nhờ đó, ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương từng bước trở thành hiện thực.

Đổi đời sau học nghề

Giữa những ngày mùa đông giá rét, mặc dù bị khuyết tật vận động, sức khỏe không tốt, chị Trần Thị May (sinh năm 1982), cụm 12, xã Thọ An (huyện Đan Phượng) vẫn đến xưởng may của gia đình chị Đào Thị Tuyết Ánh ở cùng xã làm việc đều đặn. Chăm chú, nắn nót từng đường kim, mũi chỉ, các sản phẩm may mặc do chị May hoàn thành không khác gì so với sản phẩm của người bình thường làm ra. Vừa làm, chị vừa kể, quyết định học nghề may vào cuối năm 2017 đã thay đổi cuộc đời chị. Chỉ sau 3 tháng học nghề, chị đã có việc làm ổn định với mức thu nhập trung bình từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng, đủ cho chị trang trải cuộc sống.

Cùng học nghề với chị Trần Thị May có hàng chục lao động khác ở xã Thọ An. Thấu hiểu nỗi niềm của những người xung quanh, “bà chủ” Đào Thị Tuyết Ánh đang nỗ lực tìm kiếm đối tác, khai thác thị trường để mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm, thu nhập cho bà con.

Đến các địa phương khác có nhiều lao động học nghề may như xã Cao Viên (huyện Thanh Oai), xã Cổ Loa (huyện Đông Anh)..., đâu đâu cũng thấy những người thợ say sưa làm việc, những chuyến xe nối tiếp đưa hàng hóa đi xa. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Huy Diệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết, may công nghiệp là nghề phát huy hiệu quả tích cực nhất trong danh mục các nghề phi nông nghiệp đang được triển khai đào tạo cho lao động nông thôn. Các nghề phi nông nghiệp khác như điện dân dụng, mộc mỹ nghệ, kỹ thuật điêu khắc gỗ… cũng góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng nghìn lao động.

Cùng với đó, việc hỗ trợ dạy các nghề nông nghiệp được triển khai sâu rộng trên địa bàn TP Hà Nội mang đến cơ hội đổi nghề, làm giàu cho những ai chịu khó học hỏi, dám nghĩ, dám làm. Dẫn chúng tôi tới trang trại rộng hàng nghìn mét vuông trên cánh đồng xã Trung Tú, anh Bùi Văn Thùy, xã Trung Tú (huyện Ứng Hòa) cho biết: “Sau khi học nghề chăn nuôi, tôi có thêm kiến thức phòng bệnh, chữa bệnh cho đàn gia cầm, biết cách kết hợp chăn nuôi gia cầm với đào ao thả cá. Nhờ đó, nguồn thu nhập của gia đình tăng theo từng năm”. Tương tự, áp dụng những kiến thức thu được sau khóa học nghề trồng cây ăn quả vào chăm sóc giống bưởi Diễn, năm nay, vườn bưởi của gia đình ông Lê Đoài Sàng, thôn Phú Châu, xã Xuân Phú (huyện Phúc Thọ) cho năng suất, chất lượng cao hơn hẳn những năm trước...

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, từ năm 2013 đến nay, toàn thành phố đã mở hơn 4.000 lớp dạy nghề cho hơn 100.000 lao động nông thôn. Sau học nghề, khoảng 90% lao động nông thôn có việc làm hoặc vẫn làm nghề cũ nhưng tạo ra hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhiều địa phương đã hình thành những mô hình điểm về phát triển kinh tế - xã hội, đẩy cái nghèo dần lùi xa.

Những điều trăn trở

UBND TP Hà Nội luôn yêu cầu các ngành, địa phương tiến hành tuyển sinh, đào tạo nghề đúng người, đúng đối tượng. Thế nhưng, ở nhiều địa phương, quy trình kết nối giữa người học với thị trường lao động chưa được chú trọng.

Cùng Đoàn kiểm tra liên ngành của TP Hà Nội về các địa phương kiểm tra tình hình hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn vào những tháng cuối năm 2018, chúng tôi đã chứng kiến không ít tình huống hài hước. Tại thời điểm kiểm tra, lớp học nghề trồng rau hữu cơ xã Đồng Thái (huyện Ba Vì) có 5 người đã hết tuổi lao động đi học hộ con, cháu. Khi được hỏi lý do, bà Phùng Thị Liên thôn Đồng Bảng phân trần: “Người muốn học thì đã hết tuổi. Người đủ điều kiện đi học lại bận làm việc khác. Trong danh sách lớp học là tên con dâu tôi. Con tôi bận đi làm nên tôi đi học thay”.

Số học viên có mặt tại lớp học nghề kỹ thuật trồng cây ăn quả ở xã Bạch Hạ, lớp trồng rau hữu cơ ở xã Minh Tân (huyện Phú Xuyên) chỉ có hơn một nửa sĩ số. Cả lớp học không có ai mang theo bút, vở để ghi chép như các lớp học thông thường. Nhiều năm dạy nghề cho lao động nông thôn, chị Nguyễn Thu Thủy, giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam lý giải: “Dạy nghề cho lao động nông thôn là phải cầm tay, chỉ việc, trong khi giáo trình giảng dạy các nghề nông nghiệp hiện nay rất nặng về lý thuyết, thậm chí có những chỗ bất hợp lý và khó hiểu. Học viên mải ghi chép sẽ không đủ thời gian, nên chỉ nghe thôi”. Những điểm bất hợp lý về nội dung, phương pháp, thời gian đào tạo nghề cũng được các địa phương chỉ rõ, đó là nguyên nhân cơ bản khiến người lao động chưa mặn mà tham gia.

Đáng lưu ý, kết quả kiểm tra của Đoàn liên ngành còn cho thấy, đa số địa phương chưa có chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia vào quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Số lao động sau học nghề được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh không đáng kể. Hệ quả là lực lượng lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề chiếm tỷ lệ khá cao, nhưng tính ổn định của việc làm chưa cao... Anh Nguyễn Đức Cảnh, thôn Nguyên Khê, xã Nguyên Khê (huyện Đông Anh) cho biết: “Cuối năm 2017, tôi tham gia khóa đào tạo nghề điện dân dụng tại địa phương. Học xong nghề điện không thể tìm được việc làm gần nhà, đầu năm 2018, tôi mở cửa hàng làm tóc và dự kiến sẽ gắn bó lâu dài với nghề này”. Tại huyện Ba Vì, năm 2017, toàn huyện có 560 người học các nghề phi nông nghiệp, nhưng chỉ có 156 người (bằng 28%) làm việc đúng nghề được đào tạo. Năm 2018, kết quả cũng không khả quan hơn.

Những dẫn chứng nêu trên cho thấy, đã đến lúc, công tác tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn TP Hà Nội phải bám sát nhu cầu của thị trường; các chính sách hỗ trợ phải mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng, từng ngành, nghề cụ thể.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Đích đến là chất lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.