Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hành trình cuộc hội ngộ sau 70 năm

Như Tâm| 21/12/2018 06:21

(HNM) - Cách đây 70 năm, tại thôn Ngọc Lâu, châu Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình (nay là xóm Mu, xã Tự Do, huyện Lạc Sơn), hai chiến sĩ trẻ là Nguyễn Như Trang và Phạm Hữu Ngọc được giao nhiệm vụ trinh sát để chuẩn bị cho trận đánh lớn mang tính quyết định của mặt trận Tây Tiến.

Do bị chỉ điểm nên một đại đội lính lê dương Pháp đã hung hãn bao vây, định bắt sống hai chiến sĩ. Trong tình cảnh ấy, hai chiến sĩ đã dũng cảm kiên cường chống trả. Sau gần bốn tiếng giằng co, súng nổ ran một vùng, họ đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng…

Cuộc chiến đấu nảy lửa đó diễn ra ngày 19-11-1948 (tức ngày 20-10-1948 năm Mậu Tý). Chứng kiến sự kiên trung, gan dạ của hai chiến sĩ, viên quan Ba Pháp đã kính cẩn ngả mũ cúi chào kiểu nhà binh (Cuộc đấu không cân sức bên dòng thác Mu năm ấy - Trần Kỳ - Kỷ yếu Hội thảo Tây Tiến năm 2013). Sau hai ngày, dân bản đi sơ tán về đã tổ chức mai táng hai liệt sĩ chung một ngôi mộ, gần dòng thác Mu hùng vĩ, thuộc bản Mu, xã Tự Do ngày nay.

Mộ chí Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Như Trang tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Mai Dịch, Hà Nội.


Năm 1957, hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Như Trang được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Mai Dịch, Hà Nội. Từ chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về thực hiện chính sách người có công, người viết bài đã đi sưu tầm, tiếp xúc với các nhân chứng lịch sử, già làng, trưởng bản, những người dân địa phương. Đồng thời chủ động nghiên cứu, phân tích dữ liệu từ hơn 300 kỷ vật, tư liệu lịch sử của bộ đội Tây Tiến trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hòa Bình và từ các cuộc hội thảo, những bức thư của chiến sĩ Tây Tiến… Cùng với đó là những thông tin từ đồng đội, từ gia đình liệt sĩ Nguyễn Như Trang, nguyên Tiểu đoàn phó D150E52 Tây Tiến… Từ đó, tác giả đã tổng hợp các tư liệu, nhân chứng để hoàn thành cơ bản hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Nguyễn Như Trang. Ngày 16-1-2015 tại Tây Nguyên, F320 Quân đoàn 3 Tây Nguyên (có tiền thân từ đơn vị Tây Tiến từ tỉnh Hòa Bình ra đi) trang trọng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Nguyễn Như Trang.

Sau khi công việc của liệt sĩ Nguyễn Như Trang đã hoàn tất, các đồng đội Ban Liên lạc E52 Tây Tiến và thân nhân gia đình liệt sĩ Nguyễn Như Trang có nguyện vọng muốn tìm mộ liệt sĩ Phạm Hữu Ngọc (Cái chết của những người anh hùng - Trần Kỳ - tư liệu hội thảo KHLS - TU Hòa Bình - 2014) và thân nhân của liệt sĩ Phạm Hữu Ngọc. Nguyện vọng ấy nhằm tri ân đồng đội, cung cấp đầy đủ thông tin về hành động anh hùng của liệt sĩ Phạm Hữu Ngọc cho thân nhân của liệt sĩ; đồng thời làm cơ sở đề nghị truy tặng khen thưởng kháng chiến theo quy định. Từ đó, một cuộc rà soát tìm kiếm mộ liệt sĩ Phạm Hữu Ngọc trên quy mô rộng được bắt đầu một cách khoa học và thành tâm nhất.

Ngược dòng lịch sử 70 năm trước - năm 1948, tác giả bài viết đã có nhiều cuộc tiếp xúc trực tiếp, trao đổi với các nhân chứng lịch sử, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp nơi liệt sĩ Phạm Hữu Ngọc hy sinh; rà soát các nghĩa trang của xã Tự Do, Ngọc Lâu, Ngọc Sơn; hỏi các già làng, trưởng bản; làm việc với UBND huyện Lạc Sơn và những cán bộ liên quan cũng như soạn dự thảo văn bản cho Ban Liên lạc cựu chiến binh E52 Tây Tiến để hỏi F320 Quân đoàn 3 Tây Nguyên… Với rất nhiều nỗ lực, cuối cùng mộ liệt sĩ Phạm Hữu Ngọc cũng đã được tìm thấy tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Lạc Sơn. Trên mộ liệt sĩ ghi thông tin: “Liệt sĩ Phạm Hữu Ngọc, thị xã Sơn Tây, sinh năm 1917, hy sinh ngày 19-11-1948 (tức ngày 20-10 năm Mậu Tý)”.

Các thông tin này trùng khớp với thông tin ghi trên bia mộ liệt sĩ Nguyễn Như Trang, cùng các tài liệu do gia đình liệt sĩ Nguyễn Như Trang cung cấp và tư liệu hội thảo do Tỉnh ủy Hòa Bình tổ chức.

Từ thông tin này, tác giả bài viết đã trao đổi với đại diện Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Sơn Tây và nhận được trả lời: “Hiện thị xã Sơn Tây không có liệt sĩ tên là Phạm Hữu Ngọc và không tìm thấy thân nhân hương khói cho liệt sĩ Phạm Hữu Ngọc". Không chịu lui bước, người viết bài đã cất công tìm hiểu thêm ở UBND huyện Lạc Sơn và ông Bùi Văn Thường - quản trang Nghĩa trang liệt sĩ huyện Lạc Sơn thì được biết, vào dịp lễ, Tết hằng năm, vẫn có người đến hương khói mộ liệt sĩ Phạm Hữu Ngọc, nhưng không để ý hỏi tên, quê quán… Để có thêm nhiều luồng thông tin, tác giả đề nghị người quản trang dán thông báo tìm thân nhân của liệt sĩ Phạm Hữu Ngọc tại mộ và cửa nghĩa trang cùng số điện thoại để liên hệ…

Thế rồi niềm vui đã đến. Đầu tháng 10 vừa qua, bất ngờ tác giả bài viết đã gặp được ông Phạm Hữu Tâm, 70 tuổi, là cháu ruột, người hương khói cho liệt sĩ Phạm Hữu Ngọc, hiện đang ở phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy. Trong cuộc gặp gỡ đầy xúc động, tác giả đã cung cấp cho người thân của liệt sĩ Phạm Hữu Ngọc thông tin về những hành động dũng cảm của liệt sĩ trước khi hy sinh trong cuộc chiến không cân sức cùng người đồng đội là liệt sĩ Nguyễn Như Trang với quân Pháp ngày 19-11-1948 tại thác Mu ngày ấy… Ngậm ngùi không nói thành lời, người thân của liệt sĩ Phạm Hữu Ngọc rưng rưng: Từ khi cụ Ngọc hy sinh, đến nay gia đình mới biết được những thông tin quý giá này…

Cuối cùng, thân nhân của hai liệt sĩ chung một ngôi mộ sau 70 năm đã gặp nhau tại Hà Nội. Những người em của liệt sĩ Nguyễn Như Trang nay cũng đã tóc bạc, da mồi. Trong cuộc gặp, mọi người xúc động, bùi ngùi nhớ lại hình ảnh hai liệt sĩ trong trang phục giải phóng quân; cùng nhắc về những kỷ niệm khi hai liệt sĩ còn sống trong quân ngũ, thuộc Trung đoàn Thủ đô những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ngày ấy, Phạm Hữu Ngọc đã về nhà Nguyễn Như Trang nhiều lần và hai người thân thiết như anh em ruột. Khi hy sinh, cả hai cũng được bà con mai táng chung một ngôi mộ…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành trình cuộc hội ngộ sau 70 năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.