Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thắp sáng ngọn lửa thiện nguyện

Dương Linh| 04/01/2019 06:20

(HNM) - Bất kể mùa đông hay hè, ngày tạnh ráo hay mưa gió, các thành viên Câu lạc bộ Ngày mai tươi sáng (ACE) đều đặn duy trì công việc gia sư tại Làng trẻ em SOS Hà Nội...


Gia sư tình nguyện

Khi thành phố lên đèn, trong những căn nhà của Làng trẻ em SOS Hà Nội (số 2, Phạm Thận Duật, Mai Dịch, Cầu Giấy) lại vang lên những tiếng ê a đọc bài… Hơn ba năm qua, những em nhỏ ở làng tối nào cũng ngóng các anh chị ở ACE tới dạy học. Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoàng Quý Bình, cựu sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ: “Trong một lần đến thăm Làng trẻ em SOS Hà Nội, chứng kiến cuộc sống của các em, tôi thấy mình cần làm một điều gì đó để mang lại niềm vui cũng như chia sẻ những khó khăn với các em. Vì vậy, năm 2016, tôi đứng ra thành lập câu lạc bộ để dạy học miễn phí cho các em. Đến nay, ACE đã có gần 250 thành viên là sinh viên các trường đại học trên địa bàn Hà Nội, học sinh giỏi và giáo viên về hưu tham gia”.

Một buổi dạy học ở Làng trẻ em SOS Hà Nội của các bạn sinh viên Câu lạc bộ Ngày mai tươi sáng.


Đều đặn mỗi ngày, từ 19h đến 21h, các gia sư cần mẫn dạy học cho các em Làng trẻ em SOS. Khi đó, mỗi người một cá tính, thậm chí có nhiều em nghịch ngợm, không chịu học, còn tìm cách chống đối. Hoàng Quý Bình nhớ lại: “Những buổi đầu, không ít lần tôi nhận được sự không hợp tác từ phía các em, giảng bài các em không nghe. Không nản lòng, những ngày sau đó, tôi vẫn đến, đọc sách, chơi đùa cùng các em… dần dần chúng cũng mở lòng và bắt đầu hợp tác với tôi”.

Mỗi thành viên của ACE tình nguyện dạy các em 2 buổi/tuần. Vì độ tuổi của trẻ khác nhau nên lịch dạy được phân công theo từng ngày, từng nhà. Ví dụ: Ở nhà Hoa Cúc bạch, chị Nguyệt sẽ kèm các em môn tiếng Anh lớp 6; nhà Hoa Phong lan, chị Trang kèm môn toán và tiếng Việt lớp 3; nhà Hoa Hồng, anh Duy kèm môn toán lớp 6… Thành viên lâu năm của ACE Diệp Thu Hiền cho biết: “Làng trẻ em SOS Hà Nội có 16 nhà, mỗi nhà có từ 8 em đến 10 em, từ mẫu giáo đến học sinh lớp 12. Mỗi em có một hoàn cảnh, không chỉ thiếu người kèm cặp mà còn thiếu cả tình thương. Có em mất người thân, có em gia đình điều kiện khó khăn, việc học tập cũng bị xao nhãng…”.

Đã 3 năm được các anh chị ACE kèm cặp, Triệu Hoàng Hiệp, học sinh lớp 6 hào hứng nói: “Các anh chị không chỉ dạy chúng em học, mà còn lắng nghe tâm sự và chia sẻ với chúng em. Em chỉ mong đến giờ học để được gặp “cô giáo”. Gắn bó với cậu bé này là gia sư Phạm Thu Thủy, sinh viên năm thứ ba, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Thủy chia sẻ: “Em Hiệp tuy hiếu động, nhưng khá chăm học và tiếp thu nhanh, mỗi ngày một tiến bộ. Cũng có em rất bướng bỉnh nên việc dạy, kèm cặp đòi hỏi phải kiên nhẫn hơn”.

Những buổi gia sư tình nguyện là món quà vô cùng quý giá đối với các em ở Làng trẻ em SOS Hà Nội, nhưng ít ai biết để duy trì hoạt động này, các thành viên ACE phải đi làm thêm, tự tay muối kim chi, làm các sản phẩm… đem bán để có kinh phí cho câu lạc bộ. Hơn ai hết, những gia sư tình nguyện đều hiểu rằng, họ không chỉ là người củng cố kiến thức, mà còn là người bạn, san sẻ khó khăn và động viên các em trong cuộc sống. Chính vì vậy, các thành viên ACE không ai bảo ai đều cố gắng, không quản ngại đường xa, mưa, gió đều đặn tới làng trẻ dạy học cho các em.

Trao yêu thương, nhận niềm tin

Sau giờ ăn cơm tối, các em có mặt ở sân làng để chờ “thầy, cô giáo” của mình. Lúc nào thấy các anh chị đến là các em ùa ra, tíu tít. Đứa ôm vai bá cổ, đứa sà vào lòng nũng nịu. Kiều Văn Anh, học sinh lớp 9 hồ hởi nói: “Từ khi có các anh chị trong câu lạc bộ đến dạy, em học tập tiến bộ hơn. Chúng em ai cũng yêu mến các anh, chị”.

Xuất phát từ nhiệt huyết, tinh thần thiện nguyện, ngày càng có nhiều sinh viên tham gia ACE. Dù các em nhỏ trong làng có bướng bỉnh, nghịch ngợm, nhưng họ vẫn kiên trì, bằng tình cảm của mình, thuyết phục những đứa trẻ cá tính, hiếu động trở nên ngoan ngoãn, biết nghe lời. “Các em sống rất tình cảm. Trời mưa rét, các anh chị đến dạy là ân cần hỏi han. Chỉ vậy thôi, chúng tôi đã thấy ấm lòng. Đến đây, không chỉ dạy học mà chúng tôi còn học được từ các em về sự chia sẻ khó khăn...”, Diệp Thu Hiền, thành viên của ACE nói.

Có thể nói, việc dạy học của các thành viên ACE ở Làng trẻ em SOS Hà Nội không chỉ là hoạt động tình nguyện, mà hơn thế là sự đồng cảm, san sẻ yêu thương. Bên cạnh việc dạy học miễn phí, ACE còn thường xuyên tổ chức các hoạt động gắn kết, như: Tổ chức gói bánh chưng ở làng, hướng dẫn các em làm thiệp để tặng các cô, các bác bán hàng rong; tổ chức Tết Thiếu nhi, Tết Trung thu, Noel…

Đánh giá về hoạt động của ACE, nhân viên giáo dục - phụ trách sinh viên tình nguyện của Làng trẻ em SOS Hà Nội Nguyễn Kim Thìn nhận xét: “Các thành viên của ACE đã chăm lo cho các em nhỏ ở đây hơn cả bản thân mình. Đó là sự chung tay đáng quý mà các bạn trẻ đã thực hiện, để cùng làm những điều có ích cho cộng đồng”.

Từ năm 2017 đến nay, ACE mở rộng hoạt động dạy học cho các em có hoàn cảnh khó khăn ra các phường. Ở đâu, các bạn trẻ cũng đều được phụ huynh và học sinh đón nhận, tin yêu và quý mến. Họ đã giúp nhiều em thi đỗ đại học và quay trở lại tham gia câu lạc bộ, giúp những em có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Khi được hỏi về việc phát triển ACE trong tương lai, Hoàng Quý Bình cho biết, sẽ tiếp tục nuôi dưỡng ngọn lửa thiện nguyện, truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ hơn, để giúp được nhiều em có hoàn cảnh khó khăn. “Niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi là thấy các em được học hành, vui chơi. Tôi mong muốn hoạt động này sẽ được nhiều người biết đến hơn nữa và lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng”, Hoàng Quý Bình nói.

Mỗi buổi tối sau giờ học, trong các căn nhà của làng lại rộn rã tiếng nói, cười, lời tạm biệt, hẹn buổi học tiếp theo, kèm theo đó là những tấm thiệp viết lời yêu thương các em dành tặng cho thầy, cô của mình. Đó chính là động lực giúp các thành viên ACE tiếp tục công việc tình nguyện. Ngày ngày, họ tiếp tục trao đi yêu thương và nhận lại sự tin tưởng, sẻ chia. Nhưng hơn cả, việc làm ý nghĩa của họ đã và đang thắp sáng ước mơ cho những em nhỏ thiệt thòi…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thắp sáng ngọn lửa thiện nguyện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.