Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người giữ nhịp chèo thuyền rowing

Mai Hoa| 06/01/2019 08:16

(HNM) - 49 tuổi, huấn luyện viên người Hà Nội Lê Văn Quang đã có hơn hai chục năm gắn bó cùng môn đua thuyền rowing...

Huấn luyện viên Lê Văn Quang (X) chung vui cùng đội đua rowing thuyền 4 hạng nhẹ giành Huy chương vàng ASIAD 18-2018. Ảnh: Minh Hoàng


"Tay không bắt giặc"

Khó có thể kể hết khó khăn buổi đầu gây dựng môn đua thuyền của một vận động viên, huấn luyện viên môn… bơi lội. Khuôn mặt sạm nắng gió, huấn luyện viên Lê Văn Quang trầm ngâm nhớ lại: "9 tuổi tôi đã tập bơi và gắn bó cùng bơi lội suốt bao năm. Năm 1990, người đứng đầu ngành Thể thao của thủ đô Moscow (Nga) sang thăm Hà Nội. Ông ấy trầm trồ mãi, Hà Nội có hồ Tây rộng và đẹp thế, sao không đầu tư gây dựng môn đua thuyền. Thế rồi tôi được cử sang Nga học đua thuyền 3 tháng, ban đầu chỉ làm quen với thuyền canoeing. Tiếp đó, năm 1993, Liên đoàn Đua thuyền thế giới cử huấn luyện viên giỏi qua các nước Đông Nam Á hỗ trợ phát triển môn này, trong đó có Việt Nam. Nhà thuyền Hồ Tây được tài trợ vài chiếc thuyền gỗ dịp này, mang tính chất tập cho biết. Năm 1994, tôi được cử đi học một khóa về đua thuyền rowing ở Malaysia, đến năm 1995 lại được học ở Trung Quốc. Nhưng phải sau SEA Games 19 - năm 1997 tôi mới thực sự bắt tay vào việc tìm quân, gây dựng lực lượng môn rowing".

Rowing cần những vận động viên có thể hình như người mẫu nhưng phải có tố chất khỏe mạnh đặc biệt, nên dù đi rất nhiều tỉnh, thành phố, nhưng ông Quang tuyển mãi mới được 12 gương mặt đạt chuẩn cho lứa đầu tiên. Khó khăn đủ bề, chỉ có vài thuyền cũ, vậy mà những thành viên của lứa đầu tiên ấy đã có được quả ngọt sau 6 năm tập luyện, trong đó, không thể không kể đến tấm Huy chương vàng Giải vô địch châu Á mà tay chèo Vũ Đăng Tuấn giành được vào năm 2003.

Nhắc đến người học trò yêu, huấn luyện viên Lê Văn Quang không tránh khỏi cảm giác tiếc nuối: "Tiếc vô cùng, vì ngay ở năm 2003, chỉ số thành tích cho thấy Tuấn có thể tiệm cận trình độ của các vận động viên hàng đầu Olympic và Huy chương vàng ASIAD, nhưng tất cả lỡ dở khi Tuấn phải giã từ sự nghiệp vào năm 2004 vì bệnh tim".

Chia tay Vũ Đăng Tuấn, thầy Lê Văn Quang tiếp tục chăm lo cho lứa vận động viên đầu tiên. Không phụ lòng thầy, hai tay chèo nữ Phạm Thị Hiền, Nguyễn Thị Thi xuất sắc giành quyền góp mặt tại Olympic Athens 2004. Rồi "con chị nó đi, con dì nó lớn", rowing Việt Nam có được 2 Huy chương bạc tại ASIAD 2010, thuộc về nhóm tay chèo thuyền 4 người nữ và thuyền đôi nữ. Olympic 2012, rowing Việt Nam tiếp tục có 2 tay chèo được góp mặt, là Phạm Thị Hài và Phạm Thị Thảo. ASIAD 17-2014, rowing Việt Nam có 1 Huy chương bạc, 1 Huy chương đồng, thuộc về nhóm đua thuyền 4 người. Olympic Rio 2016, chúng ta tiếp tục có 2 tay chèo giành quyền tham dự là Hồ Thị Lý và Tạ Thanh Huyền. Mới nhất, tại ASIAD 18-2018, rowing Việt Nam làm nức lòng người hâm mộ khi xuất sắc giành 1 Huy chương vàng, 1 Huy chương bạc.

Say nghề, nghề chẳng phụ

Suốt hơn 4 năm qua, thầy Lê Văn Quang cùng các trò và chuyên gia đội tuyển tập huấn ở Trung tâm Đua thuyền sông Giá (Hải Phòng) với vô vàn khó khăn. Không phàn nàn về thiếu thốn, vất vả, huấn luyện viên Lê Văn Quang vui vẻ chấp nhận hoàn cảnh: "Cái lợi, đó là ở một môi trường xa hẳn khu dân cư, muốn đi chơi cũng khó nên thầy trò bảo ban nhau chuyên tâm mà tập. Mưa thì nghỉ, tạnh lại tập. Phòng tập thể lực trống lúc nào tập lúc ấy, mặt nước lặng lúc nào chèo thuyền lúc ấy"...

Tập huấn, thi đấu quanh năm, mọi việc đưa đón, chăm sóc con gái hằng ngày huấn luyện viên Lê Văn Quang đành "khoán" cho vợ. Ông kể: "May là cháu gái lớn được bác ruột đón sang Đức, đang học lớp 10 bên đó nên vợ tôi đỡ vất vả, chỉ tập trung làm công tác khoa học và chăm sóc cháu nhỏ đang học lớp 3 ở Hà Nội. Tôi cũng gắng sắp xếp ghé thăm nhà khi có dịp, nhưng nhìn chung, mọi việc phải trông vào hậu phương là chính".

40 năm gắn bó với sông nước, hơn 25 năm gắn với đua thuyền, huấn luyện viên Lê Văn Quang nói: "Vất vả ư, nói thực là người khác ra hồ lúc gió mùa về là sụt sịt, chứ tôi ra hồ lúc nào cũng thấy khỏe hơn, chắc tại mệnh mình hợp sông nước". Nhìn lại hơn 20 năm trực tiếp theo nghiệp huấn luyện viên rowing, ông chia sẻ: "Say nghề, nghề chẳng phụ mình. Tôi không giàu về tiền bạc nhưng có duyên đào tạo nhiều trò giỏi, được cộng tác với 8 đời chuyên gia ngoại, trong đó có những người ở trình độ hàng đầu thế giới, được vinh danh trong tốp 5 huấn luyện viên tiêu biểu của thể thao Việt Nam. Với tôi, đó là vốn quý, là sự ghi nhận của mọi người đối với nỗ lực làm nghề, cũng là một chút tự hào để được khoe với các con".

Năm 2019, rowing Việt Nam tập trung cho SEA Games 30 (tại Philippines) và chuẩn bị lực lượng cho SEA Games 31-2021 diễn ra tại Việt Nam, chưa kể một nhiệm vụ không kém phần quan trọng là giành suất dự Olympic Tokyo 2020. Nói về kế hoạch sắp tới, huấn luyện viên Lê Văn Quang chia sẻ: "Giải vô địch thế giới sẽ diễn ra vào tháng 9, tại Áo, nhưng chúng ta sẽ thi đấu để đánh giá đối thủ cùng châu lục là chính, chứ khó có cơ hội vào nhóm 6 thuyền hàng đầu thế giới để giành suất dự Olympic ngay được. Ban huấn luyện sẽ tập trung cho vòng loại Olympic Tokyo 2020 khu vực châu Á diễn ra vào cuối tháng 4-2020. Khó có thể nói trước được điều gì, nhưng rowing Việt Nam sẽ phấn đấu có ít nhất một nội dung vượt qua vòng loại, giành quyền tham dự Olympic".

Không thu hút sự quan tâm của toàn xã hội như môn thể thao vua - bóng đá, không nổi bật như môn thể thao nữ hoàng - điền kinh, rowing Việt Nam lặng lẽ ghi danh ở những đấu trường lớn nhất thế giới và châu Á dù luôn phải đối mặt với sự thiếu thốn, khó khăn. Phía sau sự lặng lẽ tiềm ẩn thành công đó luôn có hình bóng người thầy chân chất, giản dị, say nghề, giỏi nghề, luôn gắn bó và hiểu rõ các học trò của mình - huấn luyện viên Lê Văn Quang.

Huấn luyện viên Lê Văn Quang vừa được bầu chọn là một trong 5 huấn luyện viên tiêu biểu của thể thao Việt Nam năm 2018. Năm vừa qua, ông đã dẫn dắt học trò giành 1 Huy chương vàng, 1 Huy chương bạc ASIAD 2018; 8 Huy chương vàng Cúp châu Á I - Singapore, tháng 4-2018; 4 Huy chương vàng Cúp châu Á II - Hàn Quốc, tháng 6-2018; 1 Huy chương vàng, 1 Huy chương bạc Cúp Australia mở rộng dành cho lứa U21 - tháng 3-2018 (giải đấu rất lớn, quy tụ nhiều tay chèo hàng đầu thế giới).
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người giữ nhịp chèo thuyền rowing

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.