Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nữ sứ giả của hòa bình

Hạnh Linh| 06/03/2019 06:37

(HNM) - Là nữ sĩ quan đầu tiên của Việt Nam được cử đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan, Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga, cán bộ Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam (nay là Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam - Bộ Quốc phòng) đã vượt qua nhiều thử thách.

Những trải nghiệm đáng nhớ

Ngày 29-10-2017, Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga nhận quyết định của Chủ tịch nước về việc cử cán bộ làm nhiệm vụ sĩ quan tham mưu, phụ trách theo dõi các hoạt động quân sự tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan, nhiệm kỳ 12 tháng. Hoàn thành nhiệm vụ, trở về Việt Nam ngày 8-1-2019, nữ Thiếu tá chia sẻ rằng, chị đã có một năm công tác tại “chảo lửa” châu Phi với những trải nghiệm vô cùng đáng quý.

Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga với các em nhỏ Nam Sudan sau giờ làm việc.


Sinh năm 1981 tại Hà Nội, sau khi tốt nghiệp đại học, chị Nga nhập ngũ năm 2004 và con đường đến với lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, có mặt ở những nước đang có chiến tranh (còn được gọi là lực lượng mũ nồi xanh) là một ngã rẽ bất ngờ. Khi Bộ Quốc phòng có chủ trương cử nữ sĩ quan tới các Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, chỉ huy đơn vị nhận thấy trong quá trình công tác, sĩ quan trẻ Đỗ Thị Hằng Nga có nhiều tố chất của người làm đối ngoại nên đã tạo điều kiện để chị tham gia các khóa đào tạo ngoại ngữ và chuyên môn về gìn giữ hòa bình. Với khả năng học hỏi, nắm bắt nhanh cùng sự nỗ lực bền bỉ, trong thời gian ngắn, Hằng Nga đã làm chủ những kiến thức, kỹ năng cần có của một sứ giả mũ nồi xanh theo những quy chuẩn ngặt nghèo nhất. Ngoài trình độ ngoại ngữ tốt, sĩ quan tham gia hoạt động này phải có kiến thức đối ngoại quốc phòng, năng lực quân sự, đáp ứng yêu cầu cao trong môi trường đa quốc gia, phẩm chất đạo đức thể hiện là một sứ giả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga cho biết: Thời gian đầu, gia đình không ủng hộ chị đi Nam Sudan. Tuy nhiên, bằng quyết tâm và tình yêu với công việc, chị đã thuyết phục được mọi người. Quyết tâm của chị cũng được lãnh đạo và đồng nghiệp đánh giá cao.

Tại Nam Sudan, công việc hằng ngày của nữ sĩ quan khá vất vả, kéo dài liên tục 14-16 tiếng, từ 4h chiều hôm trước đến khoảng 8h sáng hôm sau. Không những thế, ở “chảo lửa” này tình hình an ninh thường xuyên có những diễn biến phức tạp, khó lường. “Theo yêu cầu nhiệm vụ, tôi thường xuyên làm việc ca đêm với thời gian kéo dài. Công việc đòi hỏi phải xử lý nhanh và kịp thời, luôn gặp nhiều căng thẳng, áp lực do những diễn biến phức tạp từ tình hình thực tế của Phái bộ và địa bàn. Thời gian xung đột cao điểm, có khi cả tuần chúng tôi ở trong văn phòng, về nhà chỉ để thay quần áo và lấy thêm đồ ăn” - nữ Thiếu tá chia sẻ.

Tuy khó khăn, vất vả như vậy, nhưng Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga luôn ý thức về trọng trách của chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia làm nhiệm vụ quốc tế. Chị tâm niệm, mình phải hoàn thành công việc ở mức tốt nhất, không nề hà, sẵn sàng nhận thêm nhiệm vụ, ngay cả khi vừa kết thúc ca làm việc kéo dài. Với sự nhiệt tình, ham học hỏi và không ngại khó, ngại khổ, kết thúc nhiệm kỳ công tác, Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga được Phái bộ Liên hợp quốc tại Nam Sudan tặng thưởng 2 Huy chương vì sự nghiệp hòa bình và ổn định của Liên hợp quốc và được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt xuất sắc trên mọi mặt công tác.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhận định, việc Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga được đánh giá cao như vậy đã góp phần khẳng định sĩ quan Việt Nam hoàn toàn có thể đảm nhiệm tốt vị trí sĩ quan tham mưu - một trong những cương vị khó khăn nhất về mặt nghiệp vụ quân sự trong môi trường đa quốc gia của Liên hợp quốc. Đặc biệt, nữ sĩ quan Việt Nam có đủ bản lĩnh, khả năng hoàn thành nhiệm vụ như nam giới.

Sứ giả giàu lòng nhân ái

Không chỉ được ghi nhận về năng lực chuyên môn, nữ sĩ quan mũ nồi xanh đầu tiên của Việt Nam còn nhận được tình cảm yêu mến của những người dân châu Phi. Ngoài giờ làm việc, Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga còn dành phần lớn thời gian để tiếp xúc với người dân bản địa, giúp đỡ họ từ cách chăm sóc trẻ, an toàn vệ sinh bữa ăn, cách bảo vệ và chống lại dịch bệnh, sơ cứu cơ bản khi bị thương, đến hỗ trợ giáo viên địa phương dạy học sinh kỹ năng sống, đọc và viết tiếng Anh...

Chị Nga chia sẻ thêm: "Thời gian đầu khi mới sang Nam Sudan, việc tìm hiểu cuộc sống của người dân bản địa cũng giúp tôi vơi đi nỗi nhớ nhà. Tôi rất đau lòng khi chứng kiến những em nhỏ sốt rất cao nhưng mẹ các em không có nhiều kiến thức chăm sóc”.

Không những thế, Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga còn quyên góp nhiều đồ dùng, quần áo, sách báo... tặng trường học và gia đình người dân. Chị còn vận động, quyên góp được một khoản kinh phí đủ để tạo công việc cho 15 phụ nữ bản địa, giúp họ có thu nhập để tự chi trả những nhu cầu thiết yếu trong gia đình. Cũng chính vì sự chia sẻ, quan tâm xuất phát từ tình cảm chân thành đó, nhiều người dân Nam Sudan đã đón nhận nữ sĩ quan Việt Nam như người thân trong gia đình.

Giới thiệu với chúng tôi những bức ảnh kỷ niệm trong chuyến công tác tại Nam Sudan, Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga rất đỗi tự hào. Trong nhiều bức ảnh, chị ngồi giữa các em thiếu nhi đang vui đùa, có em ngồi trong lòng chị rất âu yếm. Có ảnh chị cùng gia đình người dân nấu cơm rất thân mật… Nữ sĩ quan trẻ xúc động chìa cho tôi xem tấm ảnh chị được các em nhỏ "làm đẹp": "Mỗi lần đến tôi lại được các em vây quanh. Cả em trai, em gái đều tranh nhau nói: "Đỗ hãy ngồi để em tết tóc cho chị xinh đẹp hơn" - chị Nga nhớ lại.

Khi biết chị Nga sắp kết thúc nhiệm kỳ, không còn công tác ở Nam Sudan nữa, có em đã khóc, có em dành thời gian rảnh vẽ tranh, móc những chiếc túi nhỏ xinh tặng chị và nói rằng: “Đỗ hãy nhớ tới các em, đem những món quà này trở về và trân trọng những kỷ niệm đó". Về tới Việt Nam, chị còn nhận được điện thoại của các em nhỏ gọi và nói rằng rất nhớ chị, mong chị sớm quay lại. Đó là những điều mà nữ sứ giả mũ nồi xanh sẽ nhớ mãi…

“Một năm qua rất đáng quý, rất đáng trân trọng trong cuộc đời quân ngũ. Tôi đã học được rất nhiều kiến thức bổ ích cho cuộc sống. Quan trọng nhất là góp phần giới thiệu được hình ảnh, con người Việt Nam, một dân tộc yêu chuộng hòa bình, một quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế đến với bạn bè thế giới” - Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nữ sứ giả của hòa bình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.