Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những người giữ điện ở Côn Đảo

Bài và ảnh: Thanh Hải| 05/04/2019 07:06

(HNM) - Những đêm mưa bão, khi người dân Côn Đảo yên ấm trong nhà thì những công nhân ngành Điện lại lao ra đường để xử lý sự cố, giữ cho dòng điện được thông suốt...

Đảo là nhà

Nước da mai mái, dáng người nhỏ nhưng anh Danh Kim Quang, sinh năm 1967, Đội trưởng Đội vận hành đường dây và trạm biến áp điện lực Côn Đảo (Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu) được xem là người có nhiều tài lẻ, khắc phục những "ca khó" để cấp điện một cách nhanh nhất. Tìm gặp anh để hiểu thêm về những vất vả của người thợ điện trên đảo, chỉ nhận được cái cười hiền: “Cái khó ló cái khôn thôi mà". Anh Quang bảo, bây giờ lưới điện ở huyện đảo đã được đầu tư, cải tạo và sửa chữa nhiều, không như trước nên anh em cũng đỡ vất vả. Trước năm 2014, khi Điện lực Côn Đảo vẫn thuộc quản lý của huyện thì khó khăn bộn bề. Lưới điện là đường dây trần thường xuyên xảy ra sự cố. Nguy hiểm nhất là mỗi khi có giông bão, mà gió ngoài đảo mạnh hơn đất liền rất nhiều, đứng còn không vững huống chi treo mình trên cột điện để khắc phục sự cố. Những lúc đó, phải huy động cả xe nâng để giữ công nhân, nhưng vào ngày gió chướng, đóng được điện chỗ này lại “rớt” chỗ khác, nên nhiều đêm anh em gồng mình chống chọi với gió, với mưa...

Công nhân Điện lực Côn Đảo bảo dưỡng thiết bị điện mặt trời.


Ở đảo thiếu thốn đủ bề, vì mùa biển động, tàu bè không thể đưa thiết bị ra, nên làm công tác vận hành an toàn điện ở đảo, anh em đều tận dụng hết tất cả mọi thiết bị, không bỏ đi bất kỳ cái gì. “Chúng tôi có cả một kho lớn chứa đồ ở Nhà máy Điện An Hội, bà con hỏng thiết bị, những linh kiện cũ đều được tận dụng để sửa chữa, khắc phục tạm thời chờ khi có thiết bị mới thay thế. Nhiều khi một con ốc, hay linh kiện nhỏ ở đất liền có thể bỏ đi, nhưng ở đảo, những lúc khó khăn thì cực kỳ quý” - Anh Quang cho biết thêm.

Còn anh Trần Công Thanh, sinh năm 1959, là người con của đảo, có gần 30 năm gắn bó với ngành Điện ở Côn Đảo vui vẻ nói: "Những khó khăn ấy giờ qua rồi. Năm 2014, khi Điện lực Côn Đảo về trực thuộc Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu, Tổng công ty Điện lực miền Nam (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN), hệ thống lưới điện được đầu tư đồng bộ. Tuyến đường điện dây trần từ sân bay Cỏ Ống về trung tâm huyện đảo đã được thay thế bằng dây bọc nên rất ít sự cố xảy ra. Thêm nữa, mọi hoạt động được chuyên nghiệp hóa, quản lý theo tiêu chuẩn kỹ thuật giúp tổn thất điện năng giảm, đặc biệt, giá bán điện bằng giá đất liền khiến người dân trên đảo vô cùng phấn khởi...".

Nhưng, khi chuyển về Tập đoàn EVN quản lý, anh em thợ điện lại có tâm tư khi chế độ phụ cấp cho huyện đảo không còn, trong khi giá sinh hoạt ngày một cao. “Dù khó khăn nhưng chúng tôi vẫn luôn gắn bó hết mực với nghề. Ở Điện lực Côn Đảo này, nhiều anh em sinh ra và lớn lên ở những miền quê khác nhau, nhưng khi ra đây công tác, họ đều xác định nơi đây là quê hương thứ hai của mình. Như chị Trương Thị Yến (quê Quảng Bình), anh Nguyễn Văn Thịnh (quê Nghệ An), hay trong Đội vận hành đường dây và trạm biến áp cũng có 7-8 anh em quê ở miền Trung ra đây lấy vợ, làm nhà, sinh con trên đảo” - anh Thanh tâm sự.

Đầu tư phát triển lưới điện cho huyện đảo

Trao đổi về những khó khăn cho việc bảo đảm cung cấp điện ở huyện đảo, ông Đoàn Văn Tranh, Giám đốc Điện lực Côn Đảo cho biết, những năm gần đây, Côn Đảo phát triển mạnh, hiện nay trung bình mỗi ngày có khoảng 2.000 người ra thăm đảo. Thêm nữa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định phát triển các loại hình du lịch như sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh của Côn Đảo là tiền đề, động lực thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ khác phát triển theo nên nhu cầu về sử dụng điện cũng tăng lên nhanh chóng. Trong năm 2018, Nhà máy Điện diesel Côn Đảo đã phát 20,95 triệu kWh (tăng 18,5% so với năm 2017). Trong 2 tháng đầu năm 2019 đã phát ra 3,3 triệu kWh (tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm trước). Trong khi giá nhiên liệu (dầu DO) chiếm tới 85% giá thành sản xuất điện tại đảo, thì càng chạy nhiều càng lỗ. Riêng năm 2018 đã lỗ gần 80 tỷ đồng.

Để khắc phục những hạn chế này, thời gian qua đơn vị đã đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm điện tới các cơ quan, đơn vị hành chính - sự nghiệp, khu dân cư trên đảo. Cùng với đó là vận động người dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hạn chế sử dụng điện vào giờ cao điểm, tắt các thiết bị điện khi không sử dụng… "Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, ngành Điện yêu cầu sử dụng hợp lý theo biểu đồ phụ tải đã thỏa thuận, hạn chế công suất điện nhận lưới, tự huy động thêm máy phát dự phòng để đáp ứng nhu cầu điện của đơn vị. Hiện nay, ngành Điện ở huyện đảo đang đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, để đầu tư, phát triển năng lượng mặt trời áp mái, tăng thêm nguồn điện cho đảo" - ông Đoàn Văn Tranh chia sẻ.

Thông tin vui về việc đầu tư xây dựng lưới điện cho huyện đảo, ông Lâm Xuân Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam cho biết thêm, trong năm 2019, Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ triển khai lắp đặt thêm hệ thống máy diesel công suất 1.500kW và sửa chữa các máy phát đến hạn, cùng với đó là đầu tư nâng cấp các tuyến đường dây tại Côn Đảo. Để bảo đảm nguồn điện cho Côn Đảo, trong năm 2017-2018, UBND huyện đã giao đất cho công ty để đầu tư nguồn điện năng lượng mặt trời với công suất 3MW và trong năm 2019 triển khai giai đoạn 1 của dự án với công suất là 1,5MW.

Với việc đầu tư như vậy, chắc chắn sẽ khắc phục được những khó khăn đối với nhu cầu sử dụng điện của người dân và các cơ quan đơn vị ở huyện đảo. Và khi ngành Điện phát triển, huyện đảo sẽ phát huy hơn nữa những lợi thế, tiềm năng để phát triển Côn Đảo tương xứng với vị trí tiền tiêu của Tổ quốc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những người giữ điện ở Côn Đảo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.