Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nữ kỹ sư sinh hóa đam mê đông trùng hạ thảo

Đỗ Minh| 11/08/2019 07:12

(HNM) - Là kỹ sư sinh hóa, chối bỏ những cơ hội việc làm nơi phố thị, chị Nguyễn Thị Hồng (sinh năm 1980 tại xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai) chọn cho mình con đường gắn bó với việc nghiên cứu đông trùng hạ thảo ngay trên quê hương.

Nghiên cứu về thảo dược đồng nghĩa với chấp nhận nhọc nhằn, gian khó, song từ niềm khát khao, chị Hồng đã kiên trì, bền bỉ nuôi cấy thành công sản phẩm đông trùng hạ thảo - một trong những dược liệu quý có giá trị kinh tế cao.

Khu nuôi cấy đông trùng hạ thảo của Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc.

Gian nan khởi nghiệp

Không mấy ai nghĩ, con ngõ khá bình yên của một vùng quê thuần nông xã Dân Hòa (huyện Thanh Oai) là nơi khởi nguồn xây dựng, nghiên cứu và sản xuất thành công đông trùng hạ thảo - một loài nấm quý hiếm có giá trị lớn đối với sức khỏe con người. Cầm trên tay hộp đông trùng hạ thảo gần đến ngày thu hoạch, nữ kỹ sư Nguyễn Thị Hồng không giấu nổi niềm vui, chị trải lòng về quá trình tìm tòi, nghiên cứu đầy gian nan khi gắn bó với loài dược liệu quý này.

Ra trường với tấm bằng kỹ sư sinh hóa, chị Nguyễn Thị Hồng trở về xã Dân Hòa và bắt đầu với niềm đam mê nghiên cứu các loại nấm rơm, nấm mỡ, nấm linh chi… bằng việc thành lập Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc. Miệt mài thực nghiệm sản xuất, chị nhận thấy, nhiều loại nấm không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo ra những sản phẩm tốt đối với sức khỏe con người. Đặc biệt, khi nghiên cứu về đông trùng hạ thảo, chị Hồng quyết tâm gắn bó với loại nấm này. Sau nhiều năm cất công sang Trung Quốc học hỏi, năm 2009, chị về nước vay vốn, xây dựng khu thí nghiệm nuôi cấy...

Chị Hồng nhớ lại, những ngày đầu sang Trung Quốc vất vả vô cùng, không chỉ bất đồng ngôn ngữ trong giao tiếp, trong công việc, nhiều lúc còn phải tiết kiệm hết mức chi phí ăn, ở để “dành” tiền học. Khi trở về nước, loay hoay vay vốn, thuê đất mở một phòng thí nghiệm, dù rất nhỏ chỉ 200m2 với những thiết bị cơ bản nhất để có thể đầu tư nghiên cứu đã là cả vấn đề… Rồi những tháng ngày nghiên cứu thực nghiệm với những giá thể đầu tiên, kết quả chỉ là con số 0 tròn trịa…

“Một chu kỳ nuôi cấy thường từ 55 đến 60 ngày, nhưng mới đến ngày thứ 20, những sinh vật đó đã không phát triển. Có đêm âm thầm ngồi khóc, nhìn những giá thể đông trung hạ thảo ngổn ngang lại thấy nản lòng… Quá trình đó kéo dài đến 2 năm, không biết bao nhiêu tiền của, mồ hôi, nước mắt theo đó mà đi. Có lúc tôi đã định từ bỏ công trình nghiên cứu, nhưng chỉ có nuôi cấy thành công loài nấm này mới có thể “trả” được “món nợ” hàng tỷ đồng đã vay mượn đầu tư vào đây”, chị Hồng nói.

Kiên trì, nỗ lực không ngưng nghỉ của chị Hồng đã được đền đáp - sản phẩm đông trùng hạ thảo đầu tiên ra đời năm 2011. Chị Hồng mang đông trùng hạ thảo đến Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam phân tích, đánh giá chất lượng trước khi đưa ra thị trường với tâm trạng âu lo và hy vọng. Giờ đây thì sản phẩm đông trùng hạ thảo của chị đã được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) công nhận đạt tiêu chuẩn, được cấp phép lưu hành rộng rãi.

Về quy trình sản xuất, chị Hồng chia sẻ: Để có được sản phẩm bảo đảm đầy đủ thành phần dược tính tối đa, quá trình nuôi trồng nhân tạo cần thực hiện khép kín. Những nguyên liệu chính để nuôi trồng đông trùng hạ thảo gồm: Nhộng tằm, gạo lứt, nước dừa, khoai tây, giá đỗ... trộn thêm một số vi chất bổ sung. Trong chu kỳ nuôi trồng phải bảo đảm các điều kiện về ánh sáng, nhiệt độ... "Sản phẩm đạt yêu cầu phải có màu vàng, đẹp, đều, kích thước chiều dài 6-10cm…", chị Hồng cho biết thêm.

Giáo sư Phạm Hưng Củng - nguyên Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết, đông trùng hạ thảo là dược liệu quý bởi đây là sinh vật đặc biệt - ở dạng côn trùng vào mùa đông, hóa thành cây cỏ vào mùa hè. Thực tế, đông trùng hạ thảo là một loại nấm ký sinh trên côn trùng vào cuối thu đầu đông, đến mùa hạ, khi nhiệt độ tăng, nấm phát sinh thành quả ở thể dạng cây cỏ. Đông trùng hạ thảo chủ yếu tìm thấy vào mùa hè trên vùng núi cao hơn 4.000m ở Tây Tạng và Tứ Xuyên (Trung Quốc). Thế nên, việc sản xuất thành công loại nấm này trong điều kiện khí hậu tại Việt Nam được coi là thành công lớn.

Tiếp tục hành trình...

Không dừng lại ở những thành công ban đầu ấy, ước mơ đưa đông trùng hạ thảo đến với đông đảo người tiêu dùng trong nước, đặc biệt là giúp ngành Dược liệu nước nhà chủ động trong việc nghiên cứu và sản xuất loại nấm quý này, chị Hồng đã cùng đồng nghiệp đẩy mạnh việc nhân nuôi sản phẩm, mở rộng 2 cơ sở nuôi trồng trên địa bàn huyện Thanh Oai (Hà Nội) và thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), với tổng diện tích 15.000m2; đồng thời phát triển các điểm trưng bày và cửa hàng giới thiệu sản phẩm, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 7 tấn đông trùng hạ thảo mang lại hiệu quả kinh tế hàng chục tỷ đồng. Đáng nói hơn, sản phẩm đông trùng hạ thảo mang dấu ấn Việt Nam đã được giới thiệu tới nhiều thị trường như: Thái Lan, Thụy Sỹ...

Thành nghiệp trên đồng đất quê hương, chất chứa trong chị là mong muốn một ngày người nông dân có thể làm giàu cho bản thân, gia đình qua việc sản xuất đông trùng hạ thảo. Vì thế, chị Hồng đã dành nhiều thời gian cùng với Hội Nông dân các địa phương tổ chức tập huấn, chuyển giao công nghệ, tạo các điểm nuôi trồng “vệ tinh”... Mỗi lớp học thu hút từ 200 đến 300 học viên là nông dân. Qua đó giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại xã Dân Hòa và các vùng lân cận với thu nhập ổn định từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng. 

Thế nhưng, thách thức vẫn ở phía trước, chị Hồng cho biết: “Đông trùng hạ thảo của Việt Nam đang phải chịu sức ép cạnh tranh lớn từ sản phẩm của các quốc gia khác (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...). Trong khi niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm sản xuất trong nước chưa cao...”. Và rồi chị tiếp tục nghiên cứu nhằm tạo ra sản phẩm ở nhiều dạng khác nhau như: Tươi, khô, bột, chế biến thành viên…, với giá bán phù hợp túi tiền người tiêu dùng trong nước.

Nỗ lực hết mình trong hành trình gian nan với ước mơ đưa loài dược liệu quý của Việt Nam vươn xa, chị Nguyễn Thị Hồng và đồng nghiệp tiếp tục ngược xuôi khắp mọi miền đất nước để chuyển giao công nghệ, nghiên cứu mở rộng mô hình, quảng bá sản phẩm. “Thị trường đông trùng hạ thảo có nhiều triển vọng, tuy nhiên những quy chuẩn kiểm soát chất lượng cũng như việc xây dựng thương hiệu và vị thế loại thảo dược quý này vẫn chưa đầy đủ. Các vấn đề này nếu sớm được quan tâm thì đông trùng hạ thảo dưới bàn tay người Việt nuôi trồng có thể định danh trên thị trường dược liệu thế giới...”, chị Hồng chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nữ kỹ sư sinh hóa đam mê đông trùng hạ thảo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.