Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giãn dân phố cổ: Mang lại nhiều lợi ích

Hương Thủy| 30/07/2015 10:29

(HNMO) - Chính phủ và Thành phố Hà Nội đã có chủ trương bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của khu phố cổ. Chủ trương này được thực hiện sẽ mang lại nhiều lợi ích...


Khổ như người dân phố cổ!

Có vào tận trong cùng ngõ hẻm của phố cổ mới biết được cuộc sống của người dân nơi đây không như những gì chúng ta thấy qua sự ồn ào, náo nhiệt tại những cửa hàng “mặt tiền” trên phố, bên trong là cả một sự tối tăm, chật chội đến ngột ngạt.

Chúng tôi có mặt tại số nhà 79 phố Hàng Buồm trong buổi chiều nắng hè. Đây là số nhà có 5 hộ với 30 nhân khẩu sinh sống. Đón và dẫn chúng tôi lên tầng là anh Ngô Văn Chiến, đang sống trên tầng 2 tại số nhà này. Tuy nhiên, để lên được tầng, phải đi qua con ngõ nhỏ rộng chừng 60cm, dù không quá sâu nhưng hun hút bởi tối tăm. Vì vậy, chúng tôi phải dùng điện thoại soi đường.

Ngõ số nhà 77 Hàng Bồ ban ngày cũng phải bật điện


Lên đến tầng, đập vào mắt chúng tôi là căn phòng rộng chưa đầy 12m2. Căn phòng này vừa là phòng khách, phòng ngủ, đồng thời là phòng ăn của cả gia đình 3 thế hệ gồm 5 người. Do diện tích nhỏ, gia đình anh chỉ kê được 1 tủ lạnh, 1 tủ quần áo và 1 cái bàn, chỗ còn lại là nơi vợ chồng con cái ngủ, không có giường mà chỉ là manh chiếu trải xuống sàn nhằm tiết kiệm diện tích. Chỗ ngủ cũng là nơi học tập của bọn trẻ. Bên trên là 1 gác-xép để bố anh nghỉ ngơi. Phía ngoài là nơi nấu nướng và tắm giặt.

Anh Chiến cho biết, đây là căn nhà của bố anh, ông Ngô Xuân Bầu, được phân khi còn công tác tại Xí nghiệp Dược phẩm Hà Nội. Vợ chồng anh mở cửa hàng về bảo trì xe máy trên đường Tôn Đức Thắng, đã sống ở đây trên dưới chục năm. Do nhà chật chội, lại ở khu đông dân nên sinh hoạt hàng ngày gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn như, với số hộ và nhân khẩu trên nhưng chỉ có duy nhất một nhà vệ sinh nên các gia đình thường xuyên phải xếp hàng chờ đợi nhau mỗi khi đi vệ sinh.

“Nhà vệ sinh lại ở tận tầng 1, người già trẻ nhỏ dù khó khăn cũng phải cố xuống”, anh Chiến nói. Đó là chưa kể, “nhà chật, mọi sinh hoạt đều bất tiện, đặc biệt chúng tôi lại là vợ chồng trẻ” - anh Chiến nói tiếp. Ngoài ra, nhà đã xây lâu năm nên thường bị dột khi trời mưa to, phòng luôn thiếu ánh sáng, phải bật điện 24h/24h…

So với nhà chị Đào Thị Hà (ở trong ngõ số nhà 29 Hàng Buồm), anh Chiến có phần may mắn hơn bởi gia đình chị Hà có đến 9 người; trong đó có hai gia đình nhỏ sống trên diện tích chỉ khoảng 16m2. Nhiều gia đình sống cùng một nhà nên cuộc sống hàng ngày không tránh khỏi những va chạm. Hơn nữa, ngõ ẩm thấp, mỗi khi trời mưa to dễ bị lụt lội, chuột thường xuyên đến “hỏi thăm”.

Tuy nhiên, sự chật chội của gia đình chị Hà, anh Chiến chưa “thấm gì” so với nhà chị Nguyễn Thị Cúc (ở trong ngõ số nhà 77 Hàng Bồ). Hiện vợ chồng chị cùng vợ chồng con gái và 2 cháu đang sống trong căn nhà chỉ vỏn vẹn 6m2. Gọi là nhà cho sang chứ theo chị đây là khu phụ của gia đình. Trước kia, đại gia đình chị sống ở căn nhà phía trong với diện tích khoảng 15m2 nhưng do quá chật nên gia đình chị phải sửa khu này và làm thêm gác-xép để ở.

“Tôi ở đây từ năm 1989, vì chỗ ở hẹp, xuống cấp, lại tối tăm nên nhiều khi thấy bức bối, ngột ngạt, khó thở vô cùng. Các cháu nhỏ thì không có chỗ mà chạy nhảy, muốn đùa nghịch phải ra ngoài vỉa hè Hàng Bồ. Vì diện tích quá nhỏ nên nhà tôi không có chỗ để đặt bếp, chỗ rửa bát. Việc nấu nướng, rửa ráy phải làm ở ngoài ngõ”, chị Cúc than thở.

“Vợ chồng tôi có 2 con gái đều đã lập gia đình. Cuối tuần, hôm nào các con, các cháu về chơi đông đủ không có chỗ mà đứng, đến bữa ăn phải chia làm 2 đợt mới đủ chỗ ngồi”, chị Cúc nói.

Cũng giống nhiều số nhà khác ở phố cổ, tại đây điều bất tiện mà không thể khắc phục là nhiều gia đình phải dùng chung một nhà vệ sinh; trong nhà và ngoài ngõ thiếu ánh sáng trầm trọng, phải bật điện gần như suốt cả ngày… Đây chỉ là ba trong số hàng trăm gia đình đang phải sống trong cảnh chật chội, tối tăm ở phố cổ.

Nơi ở mới sẽ tốt hơn

Cuộc sống của người dân phố cổ là thế nên đa phần họ rất mừng khi biết được thông tin về giãn dân phố cổ. Anh Chiến cho hay, dù chật hẹp, tối tăm nhưng gia đình anh ở đã lâu nên thành quen. Tuy nhiên, muốn lo cho tương lai của con cái, nghe thông tin về đề án “Giãn dân phố cổ”, gia đình anh mong muốn được chuyển đến nơi ở mới.

Còn chị Cúc cho biết, gia đình chị rất muốn di dời một phần sang Long Biên khi cơ quan chức năng triển khai dự án này. Bản thân vợ chồng chị cũng muốn chuyển sang đó nhưng hiện cả gia đình đang sống nhờ vào bán hàng ăn tại ngõ nên chưa biết khi chuyển sang có chỗ bán hàng không, nếu được bố trí chị cũng chuyển.

Liên quan đến dự án giãn dân phố cổ, vì ý nghĩa của việc bảo tồn phố cổ nên việc giãn dân phố cổ là rất cần thiết. Do đó, đầu năm 2013, đề án “Giãn dân phố cổ, quận Hoàn Kiếm” đã được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt. Cùng với đó, Thành phố Hà Nội đã chấp thuận cơ chế đầu tư xây dựng khu nhà giãn dân phố cổ tại Khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên. 

Nhà chị Cúc luôn thiếu ánh sáng


 Để thực hiện cho kế hoạch trên, UBND quận Hoàn Kiếm đã cho đầu tư xây dựng khu nhà giãn dân phố cổ tại Khu đô thị mới Việt Hưng. Khu giãn dân có diện tích 11,12ha, gồm 16 tòa nhà cao 8-9 tầng, 1 tòa nhà hỗn hợp làm khu trung tâm thương mại, dịch vụ, công trình công cộng cao 15 tầng; tổng thể khu ở được bố trí đầy đủ các công trình phúc lợi như trường học, trạm y tế, không gian sinh hoạt cộng đồng, tuyến phố đi bộ…Khu nhà ở giãn dân này đã khởi công, có khả năng cung ứng đủ số căn hộ cho các hộ có nhu cầu.

Tháng 12/2014, Thành phố đã có quyết định quy định cụ thể cho 3 đối tượng chính chuyển sang khu đô thị mới trên.

Thứ nhất, là đối tượng di dời bắt buộc sinh sống trong các di tích, công sở, trường học; các hộ dân thuộc nhóm đối tượng này được đền bù theo chính sách GPMB của thành phố.

Thứ 2, là các đối tượng áp dụng theo chính sách GPMB nhưng không bắt buộc di dời toàn bộ, bao gồm: những nhà chung cư nguy hiểm, xuống cấp hạng D, các nhà có giá trị đặc biệt cần bảo tồn, các nhà có giá trị, các nhà đông hộ do nhà nước quản lý, xuống cấp có mật độ dân cư cao.

Đối tượng thứ 3, là các hộ dân giãn dân tự nguyện là các hộ dân sống trong biển số nhà đông hộ, chật hẹp, dân sống trong chung cư cũ, hộ đông người nhiều thế hệ mong muốn tự nguyện giãn dân tách khẩu, các hộ có hộ khẩu phố cổ đủ điều kiện diện tích ở vẫn mong muốn tự nguyện di dời. Những đối tượng trong diện tự nguyện hoàn toàn có quyền chuyển nhượng mua bán.

Các hộ dân di dời sẽ được hỗ trợ một phần diện tích căn hộ tái định cư, phần diện tích còn lại vượt khung này sẽ được trả dần. Nếu hộ dân không đủ điều kiện mua sẽ được thuê, thuê mua nhà theo chính sách xã hội.

Có thể thấy, việc giãn dân phố cổ không những giúp cho người dân nơi đây có cuộc sống tốt hơn, chỗ ở rộng rãi, khang trang hơn, mà quan trọng hơn là giúp bảo tồn di sản của Hà Nội.

Hiện nay, Ban Quản lý phố cổ và các phường thuộc quận Hoàn Kiếm đã bắt đầu tổ chức phát đơn đến các hộ tự nguyện di dời để đăng ký di dời. Tuy nhiên, nhiều người dân cho biết, họ chưa nắm rõ được quy định cụ thể về chế độ đền bù, ưu đãi mua nhà…khi di dời. Vì vậy, rất mong các cơ quan chức năng giải đáp để người dân được rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giãn dân phố cổ: Mang lại nhiều lợi ích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.