Theo dõi Báo Hànộimới trên

Miễn dịch thụ động và chủ động của Covid-19 rất ngắn

Thu Trang| 07/07/2022 19:24

(HNMO) - Đó là khẳng định của ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới vào chiều nay (7-7).

 Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội.

Theo ông Khổng Minh Tuấn, Covid-19 cũng giống như một số bệnh truyền nhiễm khác, khi kháng thể giảm thì khả năng lây nhiễm tăng lên. Do đó, việc tiêm nhắc lại vắc xin là vô cùng cần thiết.

- Tại Hà Nội, hiện đã ghi nhận sự lưu hành của biến chủng Omicron BA.5. Biến chủng này được dự báo có khả năng lây lan mạnh hơn so với chủng cũ. Vậy, nguy cơ dịch Covid-19 có quay trở lại tại Hà Nội và biện pháp phòng dịch quan trọng hiện nay là gì, thưa ông? 

- Trong tuần qua (từ ngày 28-6 đến 4-7), trên địa bàn thành phố có 1.538 ca mắc Covid-19, không ghi nhận trường hợp tử vong. Trung bình ghi nhận 220 ca bệnh/ngày, tăng 36,5% so với tuần trước. Mặc dù đã ghi nhận sự lưu hành của biến chủng Omicron BA.5 với tốc độ lây lan mạnh hơn, song chưa có bằng chứng khẳng định chủng mới gây bệnh nặng hơn. Hiện ngành Y tế tiếp tục giải trình tự gen để đánh giá dịch tễ trên từng địa bàn. 

Cùng với nguy cơ làn sóng dịch do biến chủng mới thì làn sóng dịch do biến chủng cũ cũng trỗi dậy do miễn dịch đang giảm dần kéo theo nguy cơ gia tăng các ca tái nhiễm. Do đó, biện pháp phòng dịch quan trọng nhất hiện nay là tiêm vắc xin.

- Theo ông, người dân có cần tiêm mũi 3, mũi 4 khi đã mắc Covid-19 và tiêm đủ 2 mũi cơ bản (mũi 1 và mũi 2)?

- Có những bệnh như sởi, bại liệt…, miễn dịch tạo ra bền vững suốt đời nhưng với những bệnh như cúm thì miễn dịch chỉ kéo dài dưới 1 năm, do đó, cần tiêm vắc xin cúm định kỳ hằng năm. Với vắc xin phòng Covid-19 cũng vậy, miễn dịch sau tiêm vắc xin hay sau khi mắc Covid-19 rất ngắn, không bền vững và sẽ giảm dần sau 4-6 tháng. Do đó, người dân cần tiêm mũi nhắc lại vắc xin phòng Covid-19.

Mắc bệnh là tạo ra miễn dịch thụ động, còn tiêm vắc xin vào cơ thể là tạo ra miễn dịch chủ động. Nhiều nghiên cứu cho thấy, với bệnh Covid-19, kháng thể tạo ra từ miễn dịch thụ động và chủ động đều như nhau, đều có thời gian ngắn, không bền vững. Do đó, việc tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vắc xin phòng Covid-19 là cần thiết để phòng mắc bệnh hoặc tái mắc bệnh. Nếu có mắc bệnh thì sẽ tránh nguy cơ bệnh nặng, tử vong trong bối cảnh xuất hiện các biến chủng mới khó lường. Tiêm vắc xin Covid-19 mũi nhắc lại sẽ có nhiều lợi ích thiết thực để bảo vệ an toàn cho chính mình, gia đình và cộng đồng. 

Nếu ngày tiêm vắc xin theo lịch mà bị ốm hoặc bị Covid-19 thì nên tiêm ngay sau khi hồi phục và hoàn thành việc cách ly y tế theo quy định. Lưu ý với mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) thì phải chờ đủ 3 tháng sau khi khỏi Covid-19 mới cần đi tiêm.

- Nhiều người dân cũng lo ngại phản ứng phụ cao hơn khi tiêm mũi 3 và mũi 4. Vậy, ông có khuyến cáo gì?

- Đưa vắc xin vào cơ thể là gây bệnh chủ động. Chính vì vậy, lần nào tiêm đều gặp phản ứng như nhau. Mỗi cơ thể sẽ có phản ứng với vắc xin ở mức độ khác nhau. Các dấu hiệu như sốt, sưng, đau cơ sau tiêm vắc xin đều không đáng lo ngại. Đây hoàn toàn là phản ứng tốt của cơ thể sau khi được tiêm vắc xin. 

Hà Nội luôn đặt vấn đề an toàn tiêm chủng lên hàng đầu. Do đó, tại mỗi điểm tiêm đều tổ chức khám sàng lọc cẩn thận, theo dõi chặt chẽ sức khỏe sau tiêm chủng của người tiêm. Đặc biệt, tất cả điểm tiêm phải chuẩn bị đội cấp cứu thường trực, đáp ứng mọi phản ứng sau tiêm có thể xảy ra.

- Xin ông cho biết, với các mũi tiêm nhắc lại có cần phải tiêm cùng loại vắc xin với liều cơ bản hay được tiêm vắc xin khác phối hợp?

- Để tránh nhầm lẫn khi nhắc đến tiêm mũi nhắc lại, chúng ta cần tách ra mũi cơ bản (1, 2 hay 3 mũi tùy từng loại vắc xin và tùy đối tượng tiêm vì có liều cơ bản là 2 mũi, có liều cơ bản là 3 mũi vắc xin) và mũi nhắc lại. Thống nhất cách gọi là tiêm vắc xin Covid-19 mũi 3 được hiểu là mũi tiêm nhắc lại lần thứ 1; tiêm vắc xin mũi 4 là mũi tiêm nhắc lại lần thứ 2. Việc tiêm mũi nhắc lại thứ 1 và 2 (tương đương lần tiêm thứ 3 và 4 hay 4 và 5 tùy đối tượng, tuỳ loại vắc xin) giúp duy trì miễn dịch ở mức độ cao cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản.

Mũi nhắc 1 và nhắc 2 có thể sử dụng loại vắc xin tiêm cùng loại với mũi tiêm liều cơ bản hoặc dùng vắc xin mRNA hoặc vắc xin AstraZeneca nếu tiêm phối hợp. Lưu ý khoảng cách tiêm mũi nhắc lại lần 1 này cách ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản và mũi nhắc lần 2 cách 4 tháng sau mũi nhắc lần 1. Riêng mũi nhắc lần 2 cần lưu ý cách thời gian xác định bị Covid-19 tối thiểu 3 tháng, điều này không đặt ra với mũi nhắc lần 1. Riêng với mũi tiêm nhắc lại là vắc xin Moderna tiêm liều 0,25ml (bằng 1/2 so với liều cơ bản), các vắc xin khác giữ nguyên liều theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Tiêm phòng là bảo vệ cho bản thân, bảo vệ cho gia đình và cả xã hội, đặc biệt là những người có nguy cơ cao. Trong bối cảnh biến thể mới lây lan nhanh, chúng ta giảm bớt lây nhiễm, giảm nhập viện và tử vong tức là giảm đi được gánh nặng cho xã hội và đặc biệt là các cán bộ y tế.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miễn dịch thụ động và chủ động của Covid-19 rất ngắn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.