Theo dõi Báo Hànộimới trên

Năm 2022, cả nước xảy ra 54 vụ ngộ độc thực phẩm

Thu Trang| 31/12/2022 16:27

(HNMO) - Trong 12 tháng năm 2022, cả nước xảy ra 54 vụ ngộ độc thực phẩm, 1.359 người bị ngộ độc, trong đó có 18 người tử vong.

Chăm sóc, điều trị bệnh nhân ngộ độc rượu tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai).

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 12-2022, cả nước đã xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm với 758 người bị ngộ độc và 4 trường hợp tử vong (tăng 5 vụ ngộ độc, tăng 738 người bị ngộ độc và tăng 1 người tử vong so với tháng 11-2022). Như vậy, tính chung trong 12 tháng năm 2022, cả nước xảy ra 54 vụ ngộ độc thực phẩm, 1.359 người bị ngộ độc, trong đó có 18 người tử vong. 

Riêng tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Y tế, trong năm 2022, thành phố xảy ra 2 trường hợp ngộ độc methanol (cồn công nghiệp), 1 trường hợp hôn mê co giật do dùng cà phê Hoàng Gia, chất hỗ trợ giảm cân và 6 trường hợp sự cố về an toàn thực phẩm với 29 người mắc, đã được điều tra và xử lý kịp thời.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán, khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao cũng là lúc gia tăng nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Chính vì vậy, người tiêu dùng cần cẩn trọng hơn khi chọn mua, bảo quản, tiêu thụ thực phẩm để bảo đảm an toàn cho sức khỏe và phòng, chống ngộ độc.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) lưu ý, ngộ độc thực phẩm thông thường do 3 nguyên nhân chính là thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật (vi khuẩn, vi rút) hoặc độc tố của vi sinh vật (độc tố vi khuẩn); thực phẩm bị nhiễm hóa chất; bản thân thực phẩm có độc (chất độc có tự nhiên trong thực phẩm là thực vật, động vật như cá nóc, gan cóc, trứng cóc, vỏ sắn, nấm độc, lá ngón…).

Các chuyên gia y tế cho rằng, vì tác nhân gây độc là đa dạng nên triệu chứng của ngộ độc thực phẩm cũng khá đa dạng. Tùy vào loại nguyên nhân gây độc mà triệu chứng ngộ độc có thể xuất hiện sớm sau vài giờ hoặc muộn trong một vài ngày. Hầu hết các triệu chứng thường bắt đầu từ đường tiêu hóa, như: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng quằn quại... xảy ra vài phút, vài giờ, thậm chí một ngày sau khi ăn. Trường hợp nặng, người bệnh có thể có biểu hiện bệnh phức tạp, không chỉ ở đường tiêu hóa, mà ở các cơ quan khác, như: Thần kinh, tim mạch, hô hấp.

“Ngộ độc thực phẩm nhẹ có thể xử trí ở nhà bằng cách cố gắng nôn hết thức ăn đã ăn, có thể uống nước gây nôn nếu người bệnh từ 2 tuổi trở lên, còn tỉnh táo, mới ăn trong vòng một vài giờ và chưa nôn. Trong trường hợp bị ngộ độc thực phẩm nặng thì nhanh chóng gọi cấp cứu hoặc nhân viên y tế hoặc người hỗ trợ để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Đồng thời, giữ lại thực phẩm nghi ngờ, bao gồm cả nhãn mác, thậm chí chất nôn của người bệnh để giúp cho việc xác định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo.

Ngoài ngộ độc thực phẩm, thời điểm này, gần như ngày nào Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc, cấp cứu do liên quan đến ngộ độc rượu.

Dịp lễ, Tết cuối năm là thời điểm sử dụng bia, rượu tăng cao, các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần hạn chế tối đa để bảo vệ sức khỏe. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), với rượu, bia không có ngưỡng nào là an toàn. Nếu có uống, không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam giới, 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần. Một đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai, lon bia 330ml (5%); 1 cốc bia hơi 330ml; 1 ly rượu vang 100ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30ml (40%).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2022, cả nước xảy ra 54 vụ ngộ độc thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.