Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vào hè, cảnh giác bệnh truyền nhiễm

Thu Trang| 04/05/2018 06:48

(HNM) - Ngành Y tế Thủ đô đưa ra cảnh báo, thời tiết đã bắt đầu chuyển sang mùa hè và nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm, như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não, sởi, thủy đậu… là rất lớn.


Nhiều biến chứng khó lường

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 15.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (giảm 37,7% so với cùng kỳ năm 2017), trong đó có 4 ca tử vong tại Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau và Khánh Hòa. Ngoài ra, trên địa bàn cả nước cũng ghi nhận gần 7.000 trường hợp mắc tay chân miệng, 135 trường hợp mắc sởi, 3 trường hợp mắc viêm màng não do não mô cầu. Riêng tại Hà Nội, ghi nhận 81 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 234 trường hợp mắc tay chân miệng, 61 trường hợp mắc sởi, 2 trường hợp mắc não mô cầu. Đây là những bệnh truyền nhiễm có xu hướng gia tăng trong những ngày hè, nhất là từ tháng 5 đến tháng 8.

Chăm sóc bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: Khánh Chi


Nếu như trong tháng 3-2018, trên địa bàn Hà Nội chỉ ghi nhận từ 20 đến 25 ca mắc tay chân miệng/tuần thì đến cuối tháng 4 và đầu tháng 5-2018, số mắc tay chân miệng tăng lên từ 50 đến 70 ca/tuần. Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, bệnh tay chân miệng chưa có vắc xin phòng và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên một số trường hợp ở thể nặng có thể gây biến chứng nguy hiểm (như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp...) dẫn đến tử vong. “Khi bệnh nhẹ có thể chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, khi bệnh nhân có biểu hiện tiểu ít, khó thở, giật mình và sốt trên 38,5 độ C, không đáp ứng thuốc hạ sốt, sốt kéo dài hơn 48 giờ, cần được đưa đến bệnh viện ngay”, bác sĩ Đỗ Thiện Hải nói.

Cùng với tay chân miệng, bệnh sốt xuất huyết cũng là bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh vào dịp hè. Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tại Việt Nam, hằng năm ghi nhận trung bình từ 50.000 đến 100.000 trường hợp mắc và từ 50 đến 100 trường hợp tử vong. Dù 4 tháng đầu năm nay không có địa phương nào ghi nhận số mắc gia tăng đột biến nhưng dịch bệnh vẫn có thể diễn biến phức tạp do nhiều công trình xây dựng, nhà trọ, lán trại và khu tập thể cũ không được quan tâm xử lý... tạo nhiều ổ nước đọng sau mưa, phát sinh các ổ bọ gậy. Bên cạnh đó, khí hậu mùa hè, nhiệt độ trung bình cao là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh phát triển mạnh…

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) lưu ý, với bệnh sốt xuất huyết, theo quy luật, thường trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh sẽ sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt. Tuy nhiên, thời gian này không phải là thời gian nguy hiểm nhất và không xuất hiện các biến chứng. Bệnh nhân vẫn có thể điều trị tại nhà. Từ ngày thứ 4 (tính từ khi bắt đầu sốt trở đi) là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh. Bệnh nhân sẽ không còn sốt cao, người bệnh cho rằng sắp khỏi nhưng đây chính là giai đoạn có thể có những biến chứng nặng.

Bệnh viêm màng não do não mô cầu cũng là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nguy hiểm, do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây nên và thường có khả năng gây thành dịch. Chỉ trong vòng 1 tuần của tháng 4-2018, cả nước đã ghi nhận 3 trường hợp mắc viêm não mô cầu, trong đó 2 trường hợp ở Hà Nội và 1 trường hợp ở Hưng Yên. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai), bệnh viêm màng não do não mô cầu thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ từ 10 đến 20%. Tỷ lệ tử vong có thể từ 8 đến 15%. Điều quan trọng là bệnh nhân cần được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, cách ly để tránh lây lan dịch.

Chủ động phòng bệnh tại nhà

Dù từ đầu năm đến nay chưa bùng phát dịch bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, bài học từ vụ dịch sốt xuất huyết vào mùa hè năm ngoái tại Hà Nội vẫn khiến ngành Y tế lo ngại. PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định, những ngày hè nắng nóng tạo điều kiện cho vi rút, vi khuẩn, nấm mốc gây bệnh phát triển. Đối tượng dễ mắc bệnh nhất là những người có sức đề kháng kém như người già và trẻ nhỏ. Để phòng bệnh, các địa phương và mỗi người dân cần triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, chủ động phòng chống dịch bệnh, như diệt muỗi, bọ gậy, ngủ màn, khử khuẩn phòng bệnh tay chân miệng, đặc biệt lưu ý các nhà trẻ, mẫu giáo...

Tiến sĩ Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, nắng nóng vào mùa hè còn gây ra các bệnh liên quan đến đường hô hấp, đường tiêu hóa. Vì vậy, mỗi người cần tự trang bị cho mình kiến thức, hiểu rõ các bệnh lý thường xảy ra thời điểm này để chủ động việc phòng ngừa... Với những bệnh đã có vắc xin phòng bệnh thì người dân cần tuân thủ việc tiêm phòng đầy đủ. Bên cạnh đó, khi mắc bệnh phải bảo đảm việc cách ly để phòng lây cho người khác. Dùng các thuốc bác sĩ chỉ định để chữa triệu chứng. Một chế độ ăn đủ dinh dưỡng cũng giúp cơ thể tăng sức đề kháng, phòng chống bệnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, đối với một số dịch bệnh thường xảy ra vào mùa hè cần có những đánh giá, dự báo tình hình chính xác nhất nhằm đưa ra biện pháp phòng chống kịp thời. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị Cục Y tế dự phòng, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia bảo đảm phủ vắc xin với cả trẻ em và người lớn, đặc biệt tập trung cho các bà mẹ trong tuổi sinh đẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vào hè, cảnh giác bệnh truyền nhiễm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.