Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động ngăn chặn dịch sởi bùng phát

Thu Trang - Gia Bảo| 17/01/2019 06:39

(HNM) - Ngay những ngày đầu năm 2019, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc sởi phải nhập viện. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, do lượng bệnh nhân đông, một số bệnh viện đang phải đối mặt với tình trạng quá tải.

Các y, bác sĩ chăm sóc bệnh nhân mắc sởi tại Bệnh viện Bạch Mai.


Dễ chẩn đoán nhầm bệnh khác

Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, bệnh sởi gia tăng mạnh trong hơn một tháng qua. Cụ thể, trong tháng 12-2018 có gần 270 trường hợp nhập viện do sởi. Từ đầu tháng 1-2019 đến nay, số ca nhập viện do sởi tiếp tục tăng. Bệnh viện đã bố trí 2 khoa điều trị sởi cho người lớn và trẻ nhỏ. Mỗi khoa có 50 giường bệnh và hiện tiếp nhận điều trị cho 67 người, có gia đình 2-3 thành viên cùng mắc sởi.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới ngày 15-1, tại Khoa Nội A (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh), các giường bệnh đều kín bệnh nhân mắc sởi. Chị V.T.T (ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) cho biết, cách đây một tuần chị bị sốt kèm theo đau họng và đã tự mua thuốc về uống, nhưng 2 ngày sau vẫn không khỏi. Sau đó, con trai (hơn 7 tuổi) của chị cũng xuất hiện triệu chứng tương tự. Khi đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh thăm khám, bác sĩ kết luận cả hai mẹ con cùng mắc sởi. “Hiện tại, sức khỏe của tôi đã khá hơn, nhưng con trai vẫn phải điều trị tích cực, chăm sóc đặc biệt”, chị V.T.T chia sẻ.

Tương tự, tại Bệnh viện Nhi đồng 1, từ tháng 12-2018 đến nay, trung bình mỗi ngày có từ 20 đến 40 ca nhập viện do bệnh sởi. Bệnh viện đã huy động tối đa nhân lực, trang thiết bị y tế và thuốc để tích cực điều trị. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1), đa số các trường hợp nhập viện đều trong tình trạng khá nặng, có biến chứng. Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng đang tiếp nhận điều trị cho hơn 60 bệnh nhi mắc sởi. Đáng nói, trong số các ca bệnh sởi nhập viện thì có đến 50% là người lớn và nhiều trường hợp là thai phụ.

Tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trong số hàng chục ca nhập viện điều trị sởi từ cuối năm 2018 đến nay, phần lớn là phụ nữ khoảng từ 25 đến 40 tuổi, trong đó nhiều người đang mang thai. Chị N.T.A (24 tuổi, ở Sơn Tây, Hà Nội) đang mang thai tuần thứ 25, cách đây khoảng hơn một tuần, chị bỗng nhiên sốt cao, rồi các ban liên tục mọc từ mặt, cổ, lan xuống người. Khi đến khám, bác sĩ đã chỉ định chị phải nhập viện điều trị nội trú để theo dõi sức khỏe thai nhi.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nếu vài tháng trước, trung bình mỗi tháng, tại đây chỉ tiếp nhận khoảng 10 trường hợp điều trị sởi, thì gần đây, có ngày đã tiếp nhận 3-4 ca sởi. Đặc biệt, các ca bệnh chủ yếu là người lớn. Xét theo lứa tuổi sinh học, đây là giai đoạn con người có lỗ hổng miễn dịch khi kháng thể kháng bệnh yếu đi hoặc không còn. Thậm chí, nhiều bệnh nhân không nhớ rõ trước đây đã tiêm phòng hay chưa.

Trong khi đó, các bệnh nhân đều tiếp xúc với nguồn lây từ con nhỏ, hàng xóm, nơi tập trung đông người. Không ít trường hợp được chuyển từ các khoa khác đến do chẩn đoán nhầm là dị ứng hoặc sốt do vi rút... “Ở trẻ em khi phát ban dễ phát hiện do sởi gây ra, nhưng với người lớn thường hay bị bỏ qua. Riêng với thai phụ mắc sởi, nguy cơ dễ sảy thai, đẻ non”, PGS.TS Đỗ Duy Cường cảnh báo.

Đề phòng chu kỳ dịch

Chăm sóc trẻ em mắc sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh).


Đề cập đến nguyên nhân dịch bệnh sởi gia tăng trong những ngày qua, bác sĩ Huỳnh Thị Thúy Hoa, Trưởng khoa Nội A (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh) cho biết, theo chu kỳ, sau từ 4 đến 5 năm dịch sởi quay trở lại 1 lần. Năm 2014 đã ghi nhận dịch sởi bùng phát mạnh, làm hơn 100 trẻ tử vong, đến năm 2019 dự báo là năm chu kỳ dịch sởi. Mặt khác, việc tiêm chủng không đầy đủ cũng khiến dịch sởi quay trở lại.

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 7 đến 13-1), trên địa bàn thành phố ghi nhận 9 trường hợp mắc sởi đầu tiên trong năm 2019. Mặc dù dịch bệnh sởi trên địa bàn Hà Nội vẫn trong tầm kiểm soát, các ca bệnh đều được phát hiện sớm và khoanh vùng, xử lý kịp thời, song PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cảnh báo, diễn biến thời tiết như hiện nay sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh sởi phát triển. Hơn nữa, do lo ngại các phản ứng sau tiêm chủng, nên không ít phụ huynh không cho con tiêm chủng đầy đủ.

Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi, nhưng đến nay, kết quả tiêm mới đạt 93,57%. Một số quận có kết quả tiêm khá thấp như: Đống Đa chỉ đạt 56,8%, Hoàng Mai 66,1%, Ba Đình 77%, Hoàn Kiếm 86,3%... Hiện các quận, huyện, thị xã vẫn đang tổ chức tiêm vét vắc xin phòng bệnh sởi - rubella, người dân cần đưa trẻ trong độ tuổi đi tiêm phòng đầy đủ.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, ngay từ đầu năm 2019, Bộ Y tế đã có kế hoạch triển khai công tác phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh khi dịch xảy ra. Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế tập trung nguồn lực trong việc phòng, chống, điều trị bệnh sởi, đặc biệt phải phát hiện sớm, điều trị kịp thời theo mức độ bệnh, tổ chức phân luồng, không để quá tải lên tuyến trên và không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Với những bệnh nhân điều trị ngoại trú, cần tư vấn kỹ cho người bệnh, người nhà việc cách ly, tự cách ly để tránh lây lan trong gia đình và cộng đồng. “Để phòng tránh bệnh sởi, tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất, không nên để xảy ra rồi mới chữa”, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.

Triệu chứng sởi điển hình, đó là người bệnh tiếp xúc với nguồn lây trong từ 1 đến 2 tuần, có biểu hiện sốt cao, phát ban, đầu tiên ở mặt và sau từ 3 đến 5 ngày phát ban toàn thân. Sau đó, có kèm hội chứng viêm long, kết mạc mắt đỏ, ho nhiều. Ở trẻ em còn kèm theo tiêu chảy. Có những trường hợp bị biến chứng viêm phổi, bội nhiễm vi khuẩn, viêm phế quản, viêm não... gây nguy hiểm đến tính mạng.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động ngăn chặn dịch sởi bùng phát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.