Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Đầu tư để giữ chân người bệnh

Thu Trang| 11/02/2019 06:51

(HNM) - Việt Nam không thiếu bác sĩ giỏi, không thiếu kỹ thuật cao được ứng dụng thành công, đáp ứng nhu cầu điều trị. Chính vì vậy, trong năm 2019, Bộ Y tế đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể để thực hiện đề án “dây rút ngược” với mục tiêu hướng tới xây dựng những dịch vụ y tế chất lượng cao, phục vụ tốt để người bệnh có tiền không phải ra nước ngoài khám, chữa bệnh.


Có phải do... sính ngoại?

Theo ước tính của Bộ Y tế, trong năm 2018 có khoảng 40.000 lượt bệnh nhân trong nước ra nước ngoài điều trị làm “chảy máu” nguồn ngoại tệ khoảng 2 tỷ USD, một con số quá lớn so với một nước đang phát triển như Việt Nam. Đây có phải do bệnh sính ngoại, hay do dân ta chưa tin bác sĩ ta?

Bác sĩ Bệnh viện E điều trị cho bệnh nhân người Estonia.


Để trả lời cho câu hỏi này, GS.TS Phạm Gia Khải, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia đã đưa ra những dẫn chứng cụ thể của một người trong cuộc. Ông kể, dù nhận được lời mời sang Nhật chữa bệnh nhưng ông vẫn quyết định thực hiện đặt 3 stent mạch vành ngay tại Viện Tim mạch quốc gia. Việc đặt stent này do chính học trò của ông thực hiện. Chỉ sau 2 ngày thực hiện ca phẫu thuật, sức khỏe của ông đã ổn định.

“Hằng năm người Việt Nam chi hàng tỷ USD để ra nước ngoài khám chữa bệnh chủ yếu xuất phát từ tâm lý sính ngoại, chứ không phải Việt Nam thiếu bác sĩ giỏi. “Bệnh” sính ngoại không chỉ có ở người Việt Nam mà ngay tại Singapore, Hàn Quốc, Đức - nơi người Việt vẫn đổ sang khám, chữa bệnh, không ít người dân nước họ vẫn tìm đến Mỹ, Anh chữa bệnh”, GS.TS Phạm Gia Khải nhấn mạnh.

Trong quá trình tìm hiểu thực tế để thực hiện bài viết này, phóng viên Báo Hànộimới đã hỏi thăm nhiều người có thân nhân đi chữa bệnh tại nước ngoài. Thực ra, ngoài yếu tố sính ngoại, nhiều người bệnh lựa chọn ra nước ngoài còn do bệnh viện nước ngoài làm tốt hơn hẳn bệnh viện trong nước về các vấn đề dịch vụ y tế, như: Dinh dưỡng cho người bệnh, hỗ trợ tâm lý… trong quá trình điều trị. Yếu tố này đóng vai trò rất quan trọng giúp bệnh nhân và người nhà thoải mái, có thể theo được suốt quá trình điều trị.

Tuy nhiên, do chi phí đi khám, chữa bệnh ở nước ngoài có thể gấp từ 10 đến 20 lần chi phí điều trị trong nước nên chỉ những người bệnh thực sự nặng hoặc có điều kiện kinh tế mới lựa chọn du lịch y tế.

Trong chặng đường 10 năm chiến đấu với bệnh ung thư vú thì có đến 3 năm bà Trần Thị Tâm (50 tuổi ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) sang Singapore điều trị. Trong quá trình điều trị tại quốc đảo Sư tử này, bà được nhân viên y tế chăm sóc và tư vấn sau hậu phẫu rất ân cần, chu đáo.

Thế nhưng, nhận thấy chi phí đi lại, ăn ở quá tốn kém và vất vả, bà đã bàn bạc với gia đình, quyết định lựa chọn ở lại điều trị tại một bệnh viện tư trong nước. Đến thời điểm hiện tại, bà hoàn toàn tin tưởng vào tay nghề của các thầy thuốc nội. Tuy nhiên, lý giải vì sao lựa chọn bệnh viện tư, bà cho rằng, điều cảm thấy không hài lòng nhất ở các bệnh viện tuyến trung ương, đó là bệnh viện đông, cơ sở chưa khang trang, sạch đẹp, nhân viên y tế ít thân thiện…

GS.TS Phạm Gia Khải cho rằng, đúng là người bệnh ra nước ngoài để tìm những thứ còn thiếu ở trong nước. Và việc lựa chọn nơi khám, chữa bệnh là quyền của mỗi người. Thế nhưng, họ cũng nên nhìn nhận vào một thực tế, ngày càng có nhiều người nước ngoài lại chọn các bác sĩ Việt Nam để chữa bệnh.

Thậm chí, có những thầy thuốc nước ta được nhiều nước trên thế giới mời sang để phẫu thuật, để chỉ dẫn cho họ về những kỹ thuật điều trị tiên tiến. Đã có trường hợp bệnh nhân bỏ hàng tỷ đồng ra nước ngoài phẫu thuật và ngạc nhiên khi biết rằng, trong ê kíp phẫu thuật cho mình lại chính là giáo sư, bác sĩ người Việt…

Hướng tới xây dựng dịch vụ y tế chất lượng cao

Ông Joel Leroy (người Pháp), chuyên gia hàng đầu thế giới về phẫu thuật tiêu hóa, cũng là người đồng hành - có công sáng lập Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) luôn đánh giá cao trình độ tay nghề của các y bác sĩ Việt Nam, đã triển khai được nhiều kỹ thuật y khoa tương đương thế giới.

Tuy nhiên, ông Joel Leroy cũng quan ngại về tình trạng “chảy máu” ngoại tệ khi người dân Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh. Theo ông, nếu số tiền này được đầu tư phát triển kỹ thuật, hạ tầng y khoa sẽ giúp cho việc ứng dụng được ngày càng nhiều kỹ thuật mới.

GS.TS Phạm Gia Khải cũng luôn trăn trở về sự lãng phí trên. Theo vị giáo sư này, chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi tình thế dù không thể dễ dàng làm được trong ngày một, ngày hai. Muốn giữ chân được người bệnh, đầu tiên là bộ mặt các bệnh viện phải thay đổi. Hiện nhiều bệnh viện được xây mới, bộ mặt nhiều bệnh viện tuyến trung ương, như: Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nội tiết trung ương… đã khang trang hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, chúng ta cần đầu tư nhiều hơn nữa, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực thì mới mong kéo được ngày càng nhiều người bệnh trong và ngoài nước.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, việc cần làm trước mắt, đó là phải nâng cấp chất lượng dịch vụ y tế một cách đồng bộ từ tuyến xã, huyện, tỉnh, trung ương. Đặc biệt, người đứng đầu ngành Y tế yêu cầu, các bệnh viện tuyến trung ương không được “tham bát bỏ mâm”.

“Các bệnh viện tuyến trung ương nếu chữa viêm ruột thừa, bó bột, đau bụng, nhức đầu..., tiếp nhận mỗi ngày từ 6.000 đến 8.000 bệnh nhân dẫn đến quá tải, nhếch nhác sẽ làm mất hết hình ảnh bệnh viện. Trong khi nhiệm vụ của tuyến này là tăng cường các kỹ thuật cao, kỹ thuật mũi nhọn, tăng dịch vụ y tế chất lượng cao, còn những bệnh nhân nhẹ phải để họ về điều trị ở tuyến dưới”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Trong năm 2019, ngành Y tế tiếp tục tập trung tăng số giường bệnh lên 27 giường bệnh/vạn dân. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm quá tải, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Các cơ sở y tế tuyến trung ương, tuyến cuối đầu tư mở rộng, nâng cấp, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ. Bộ Y tế đang xây dựng các cơ sở khám chữa bệnh hiện đại theo thiết kế nước ngoài.

Chẳng hạn như tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cơ sở 2 sẽ hướng đến một bệnh viện tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, thậm chí mời chuyên gia nước ngoài theo yêu cầu của người bệnh. Có như vậy mới giữ chân những người bệnh giàu có ở lại điều trị trong nước, đồng thời thu hút nửa triệu người nước ngoài làm việc tại Việt Nam sử dụng dịch vụ y tế tại nước ta thay vì di chuyển sang các nước trong khu vực hoặc về nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Đầu tư để giữ chân người bệnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.