Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hai bệnh nhân ở Hà Nội mắc cúm mùa trong tình trạng nguy kịch

T.Hương| 13/02/2019 09:05

(HNMO) - Chiều 12-2, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hai bệnh nhân mắc bệnh cúm A/H1N1 đang được điều trị tại bệnh viện trong tình trạng rất nguy kịch.

Hai bệnh nhân đều ở Hà Nội. Bệnh nhân L.Đ.C (nam, 64 tuổi, ở Sơn Tây) được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai chiều ngày 25-1-2019 trong tình trạng khó thở, ý thức chậm, đã được đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp.

Một trong hai bệnh nhân mắc cúm mùa đang được được điều trị. Ảnh: Dương Ngọc/TTX


Người nhà bệnh nhân chia sẻ, trước đó 6 ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt cao liên tục, ho khan, khó thở kèm tức ngực, đi khám tại tuyến cơ sở được chẩn đoán viêm phổi, kê đơn điều trị nhưng tình trạng không cải thiện. Tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi biến chứng ARDS (hội chứng suy hô hấp cấp). Mặc dù được điều trị tích cực với các kỹ thuật hiện đại nhất nhưng tiên lượng sống của bệnh nhân còn rất dè dặt.

Một bệnh nhân khác cũng là nam giới, 48 tuổi, ở Ứng Hòa, xuất hiện các triệu chứng thông thường của cúm như ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt, nhức mỏi toàn thân. Trước đó, gia đình bệnh nhân cũng có một số người mắc cúm. Vì nghĩ chỉ mắc cúm thông thường nên 4 ngày sau người này mới nhập viện điều trị. Do nhập viện muộn nên bệnh nhân đã có biến chứng suy đa phủ tạng rồi nhanh chóng rơi vào nguy kịch.

Khoa Hồi sức tích cực đã lấy mẫu xét nghiệm cho cả hai bệnh nhân trên. Theo kết quả của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cả hai trường hợp đều dương tính với virus cúm A/H1N1 (hay còn gọi là cúm mùa).

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, cúm mùa là loại cúm thường gặp ở Việt Nam, do virus gây ra và lây truyền qua đường hô hấp, người lành có thể mắc bệnh trực tiếp khi hít phải giọt bắn nước mũi, nước bọt khi người bệnh hắt hơi, ho hoặc gián tiếp qua bàn tay khi cầm nắm các vật dụng có nhiễm nước mũi, nước bọt của bệnh nhân (thành giường, tay nắm cửa, điện thoại…) hoặc do dùng chung dụng cụ với bệnh nhân (cốc chén, bát đũa, thau chậu…).

Đa số các trường hợp cúm mùa sẽ tự khỏi. Ở giai đoạn đầu bệnh thường kéo dài khoảng 3 ngày với các triệu chứng sốt, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, chán ăn… Sau đó, các triệu chứng hô hấp sẽ xuất hiện như ho khan, sổ mũi, đau họng. Sốt là triệu chứng quan trọng, thường kéo dài 3 ngày đầu, nhưng có thể lên tới 4-8 ngày, nhiệt độ thường tăng nhanh và cao, đến 40-41 độ C.

Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh có thể tiến triển nặng như: Sốt cao, khó thở, tím tái, phù phổi do suy tim và có thể gây tử vong. Đặc biệt là những trường hợp có tiền sử mắc các bệnh mạn tính, suy giảm đề kháng, miễn dịch như suy thận, đái tháo đường, người nghiện rượu, phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ.

Vì thế, qua hai trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo, khi có các biểu hiện ho tăng lên, sốt tăng, tức ngực, khó thở khi đã được dùng các thuốc cảm cúm thông thường, cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế chuyên sâu để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc. Phương pháp phòng cúm mùa hiệu quả nhất là tiêm phòng vắc xin cúm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hai bệnh nhân ở Hà Nội mắc cúm mùa trong tình trạng nguy kịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.