Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bệnh sởi: Không thể lơ là!

Hương Thủy| 11/03/2019 16:36

(HNMO) - Từ cuối năm 2018 đến nay, bệnh sởi có xu hướng gia tăng. Đáng chú ý, không ít bệnh nhân mắc sởi biến chứng...


Nhiều trường hợp mắc sởi biến chứng

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh sởi bắt đầu gia tăng từ tháng 10-2018, tính đến nay hơn 18.070 trường hợp sốt phát ban nghi sởi đã được ghi nhận, trong đó có trên 2.920 trường hợp mắc sởi dương tính được xác định tại 56 tỉnh, thành phố. Hiện, số ca mắc sởi vẫn chưa có xu hướng giảm. Các trường hợp mắc bệnh tập trung chủ yếu tại vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số sinh sống và tại các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, mật độ dân cư cao, giao lưu đi lại lớn.


Tại Hà Nội, số liệu mới nhất từ Sở Y tế Hà Nội cho thấy, từ ngày 4-3 đến 10-3, thành phố Hà Nội ghi nhận thêm 76 trường hợp mắc sởi, đưa tổng số ca mắc sởi từ đầu năm đến nay lên 412 trường hợp.

Đáng chú ý, nguyên nhân chủ yếu là do tiêm vắc xin phòng bệnh sởi chưa được thực hiện đầy đủ, cùng với đó là chu kỳ bùng phát bệnh sởi thường xảy ra sau 4 đến 5 năm. Đặc biệt, có những phụ huynh theo trào lưu “anti vắc xin” khiến con mắc bệnh nặng.

Tiêm chủng là biện pháp phòng sởi hữu hiệu. Ảnh: Hương Thủy


Thời gian qua, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi mắc sởi biến chứng, trong đó có trường hợp bệnh nhi 13 tháng tuổi ở Phú Thọ vào viện điều trị sởi với biểu hiện sốt, kèm theo chảy nước mũi, ho, xuất hiện ban đỏ toàn thân, nhiều nhất vùng mặt, ngực, bụng, lưng. Bệnh nhi được chẩn đoán mắc sởi có biến chứng viêm phổi. Điều đáng nói, mẹ bệnh nhi đã không cho con đi tiêm phòng vì theo trào lưu “anti vắc xin” trên mạng.

Không chỉ trẻ em mắc sởi mà bệnh xuất hiện ở cả người lớn. Từ cuối năm 2018 đến nay, do thời tiết diễn biến bất thường, Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận nhiều ca sởi người lớn, trong đó có ca nặng trên cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, người bị bệnh mạn tính.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai), thai phụ mắc sởi dễ có nguy cơ sảy thai, đẻ non do sốt rất cao, dễ bội nhiễm bởi suy giảm miễn dịch hơn người khác.

Đặc biệt, hồi giữa tháng 2, Bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân người lớn bị viêm não-màng não do biến chứng sau sởi. Bệnh nhân 28 tuổi, ở Hà Nội. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao và rối loạn ý thức, trên da còn nhiều vết thâm do ban sởi chưa bay hết. Kết quả xét nghiệm dịch não tủy có biến loạn với chẩn đoán viêm não-màng não sau sởi. Khai thác bệnh sử dịch tễ cho thấy, trước khi phát bệnh, bệnh nhân sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh-nơi được xác định đang có dịch sởi và không nhớ đã được tiêm phòng sởi trước đó hay chưa.

PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết, viêm não-màng não sau sởi là một biến chứng hiếm gặp. Tình trạng bệnh nhân khá nặng vì rối loạn ý thức, thở ô-xy và đang được theo dõi sát sao tại phòng hồi sức cấp cứu. Theo phác đồ của Bộ Y tế, bệnh nhân sởi có biến chứng viêm não cần được chỉ định điều trị hỗ trợ bằng Imunoglobulin miễn dịch (IVIg), là loại thuốc rất đắt tiền.

Không để dịch bệnh lan rộng

PGS.TS Đỗ Duy Cường chia sẻ, trẻ em và phụ nữ có thai hoặc bất cứ ai không có miễn dịch (người chưa được tiêm phòng hoặc đã được tiêm phòng nhưng không tạo được miễn dịch) đều có thể mắc sởi. Các triệu chứng của sởi là sốt nhẹ hoặc sốt cao 39 - 40 độ C, sốt liên tục. Người bệnh thường bị hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, viêm kết mạc, phù nhẹ mi, ho (có thể ho khan hoặc có đờm), tiêu chảy...

Theo các bác sĩ, ngoài biến chứng viên phổi, viêm màng não, bệnh nhân mắc sởi có nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng khác như: Viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, thiếu hụt vitamin A có thể dẫn tới mù lòa...

Tiêm vắc xin sởi là biện pháp hiệu quả nhất phòng bệnh sởi. Trẻ cần được tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi. Mũi thứ nhất được tiêm cho trẻ từ 9 đến 11 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ được 18 tháng tuổi. Khi trẻ được tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo lịch tiêm chủng hoặc sau khi mắc sởi, trẻ sẽ có miễn dịch bền vững. Khi trẻ mắc sởi hoặc nghi ngờ mắc sởi cần cách ly trẻ để tránh lây nhiễm cho trẻ khác.

Để chủ động ngăn chặn, không để dịch bệnh sởi lan rộng, bùng phát mạnh, Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu với UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp huy động lực lượng phối hợp y tế địa phương thống kê đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng (tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng chiến dịch) để triển khai tiêm mũi vắc xin phòng sởi cho trẻ đạt tỷ lệ ít nhất 95% theo quy mô xã, phường.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu tăng cường giám sát, kiểm soát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh trên địa bàn; tổ chức cách ly, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch, ngăn chặn không để dịch bệnh lan rộng; triển khai có hiệu quả tiêm chủng thường xuyên cho trẻ 9 tháng và 18 tháng tuổi, đặc biệt là thực hiện chiến dịch tiêm chủng phòng chống dịch sởi.

Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện tốt việc khám sàng lọc, phân luồng khám bệnh, thu dung, cách ly bệnh nhân, thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện; phát hiện sớm và điều trị tích cực các trường hợp diễn biến nặng, chú ý các đối tượng có bệnh nền, giảm tối đa các trường hợp tử vong do mắc bệnh sởi.

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra. Bệnh sởi có khả năng lây nhiễm rất cao, nhất là đối với trẻ chưa có miễn dịch với vi rút sởi mà tiếp xúc với nguồn lây. Bệnh sởi gây suy giảm miễn dịch, do đó trẻ em mắc bệnh sởi rất dễ bị biến chứng do đồng mắc các bệnh nhiễm trùng khác.

-Những dấu hiệu mắc bệnh sởi

Trẻ sốt 38-40 độ C và sốt liên tục; ho (có thể ho khan, khàn tiếng hoặc có đờm), chảy nước mũi, viêm kết mạc, hắt hơi, tiêu chảy; có những hạt nhỏ nổi lên trên niêm mạc má, dễ quan sát khi trẻ há miệng to; nốt có màu trắng hoặc hơi xám, ở vị trí ngang với răng hàm thứ nhất.

Dấu hiệu này mất nhanh trong vòng 12 đến 18 giờ; sau khi sốt 3 đến 4 ngày, trẻ bắt đầu phát ban. Đầu tiên ban mọc từ sau tai, lan dần hai bên má, cổ, ngực, chi trên, sau lưng, chi dưới, đến toàn thân. Ban màu hồng nhạt, nhẵn, khi ấn vào thì biến mất, có xu hướng kết dính lại với nhau, phát ban xen giữa những khoảng da lành. Ban có thể rải rác hoặc dày, có thể ngứa ít; trẻ ăn kém, mệt mỏi, thường thì 3 bốn 4 ngày sau khi ban mọc, ban sẽ bắt đầu bay thứ tự như khi mọc và để lại vết thâm trên da, có thể có bong vảy nhẹ, khoảng một tuần sau thì không còn dấu vết gì. Trẻ lại sức dần và hết sốt.

- Các dấu hiệu nặng của bệnh 


Bệnh sởi có thể gây các biến chứng nguy hiểm và có thể gây tử vong nên cần theo dõi sát để phát hiện các dấu hiệu tăng nặng như: Trẻ khó thở, co kéo nhiều lồng ngực, hoặc có cơn tím tái thở rít; trẻ sốt li bì hoặc sốt cao liên tục, uống thuốc hạ nhiệt paracetamol không hạ sốt hoặc đã hết sốt và có sốt trở lại; trẻ co giật hoặc li bì; trẻ nôn trớ nhiều hoặc tiêu chảy nhiều lần trong ngày, khát nước nhiều; mắt kèm nhèm nhìn không rõ; lúc ban bay, trẻ đã hết sốt nhưng lại sốt lại; trẻ có dấu hiệu viêm tai giữa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bệnh sởi: Không thể lơ là!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.