Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Cảnh giác cao với bệnh sốt xuất huyết

Hương Thủy| 22/03/2019 15:57

(HNMO) - Bệnh sốt xuất huyết lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường tăng cao trong thời điểm từ tháng 4 đến tháng 11.


Nguy cơ mắc sốt xuất huyết cao

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, trong những năm không phải chu kỳ dịch, trung bình mỗi năm Hà Nội ghi nhận 3.000-5.000 ca mắc SXH.

“Năm nay, mặc dù không phải năm dự báo có dịch lớn nhưng nguy cơ mắc SXH vẫn rất cao do thời tiết nắng nóng đến sớm, nhất là các khu vực nội thành và ven đô. Tỷ lệ mắc SXH cao sẽ tập trung ở các khu vực mật độ dân số đông, các khu lao động, khu công nhân và sinh viên thuê trọ”, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội nói.

Thông thường, khi hoa xoan nở là thời gian có nhiệt độ và độ ẩm thích hợp cho sự sinh sản và phát triển của các loài muỗi. Đây là thời kỳ chuyển giao giữa mùa xuân sang mùa hè và cũng là đầu mùa dịch bệnh SXH bắt đầu tăng cao.

Phun hóa chất diệt muỗi tại trường học ở phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng.


Để chủ động phòng chống dịch bệnh nói chung và phòng chống SXH nói riêng, ngay từ cuối tháng 12-2018, Trung Tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã tham mưu cho Sở Y tế và UBND thành phố ban hành Kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội với các tình huống cụ thể.

Đồng thời, Trung tâm đã rà soát bổ sung đầy đủ các trang thiết bị, máy móc và hóa chất đáp ứng cho công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó có bệnh SXH.

Theo thống kê, từ đầu năm 2019 đến nay, thành phố đã ghi nhận 144 trường hợp sốt xuất huyết ở 27 quận, huyện, thị xã. Tại cuộc họp trực tuyến với các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành liên quan về công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi và phòng, chống dịch SXH trên địa bàn thành phố diễn ra mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, để chủ động ngăn chặn dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn tăng cường tiến hành vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, lăng quăng, không để ao tù, nước đọng... Sở Y tế, các Trung tâm Y tế quận, huyện cần tổ chức phun hóa chất diệt muỗi phòng chống SXH. 

Chủ động phòng, chống bệnh

Vì vậy, những ngày qua, nhiều địa phương đã triển khai quyết liệt công tác phòng chống SXH trên địa bàn. Thanh Xuân là quận nội thành có mật độ dân số đông, di biến động dân cư lớn, có nhiều người dân từ nơi khác về cư trú, thuê trọ, làm ăn sinh sống. Điều kiện sống không ổn định dẫn đến tình trạng vệ sinh môi trường phức tạp. Vì vậy, việc phòng bệnh tại đây được chú trọng.

72/72 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn quận đã được phun hóa chất, lau chùi, khử khuẩn bằng Cloramin B; 13/53 ổ dịch SXH cũ năm 2018 đã được giám sát. Công tác chuẩn bị, sẵn sàng phòng chống dịch bệnh luôn đảm bảo về nhân lực, trang thiết bị, hóa chất, bảo hộ, dụng cụ, phương tiện và các trang thiết bị phòng, chống dịch để ứng phó kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.

Tại quận Hai Bà Trưng, Trung tâm Y tế quận phối hợp với các với phường tổ chức triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng chống SXH. Nhiều phường trên địa bàn đã tiến hành phun hóa chất diệt muỗi.

Điển hình như tại phường Đồng Nhân, việc phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực trọng điểm như Ký túc xá Đại học Dược Hà Nội, Trường trung học cơ sở Trưng Nhị, Trường mầm non chất lượng cao Việt-Bun, khu đất trống, nhà vệ sinh công cộng... đã được thực hiện.

Ông Lê Đức Tuyên - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn cho hay, Trung tâm đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch phòng chống dịch, phòng chống SXH đến cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học và UBND các xã triển khai tốt công tác phòng chống dịch; đồng thời chú trọng đến công tác tuyên truyền, tổ chức tuyên truyền đến tận nhà dân để người dân tự giác làm vệ sinh môi trường thu gom xử lý các dụng cụ chứa nước diệt bọ gậy.

“Trung tâm Y tế huyện thành lập đoàn kiểm tra tất cả các ổ dịch cũ và các điểm nguy cơ như các công trình xây dựng, khu công cộng, khu nhà trọ... nhằm đánh giá yếu tố nguy cơ, tiến hành phun xử lý môi trường diệt muỗi trưởng thành”, ông Lê Đức Tuyên thông tin.

26 xã, thị trấn trên địa bàn huyện hằng tuần tổ chức vệ sinh môi trường phòng chống dịch, diệt bọ gậy phòng chống SXH vào ngày cuối tuần theo chỉ đạo. Đặc biệt, tại các xã có nguy cơ cao xuất hiện bệnh như Bắc Sơn, Nam Sơn, Hồng Kỳ, Mai Đình, Quang Tiến..., ngoài việc vệ sinh môi trường diệt bọ gậy còn phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành.

Để công tác phòng chống bệnh SXH đạt hiệu quả, ngoài sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, sự vào cuộc của tất cả các ban, ngành, đoàn thể thì sự tích cực phối hợp, hưởng ứng của người dân là vô cùng quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Cảnh giác cao với bệnh sốt xuất huyết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.