Theo dõi Báo Hànộimới trên

Truyền dịch - khi nào cần?

Bác sĩ Đỗ Thiện Hải| 18/04/2019 11:41

(HNMCT) - Xin hỏi bác sĩ, khi nào cần truyền dịch? Việc lạm dụng truyền dịch hoặc dùng sai chỉ định có thể dẫn đến tai biến gì?


Đáp: Mục đích của truyền dịch là để nuôi dưỡng cơ thể, bù đủ lượng dịch mà cơ thể bị mất để bảo đảm thể tích tuần hoàn, duy trì huyết áp và lượng nước trong các mô của cơ thể. Về nguyên tắc truyền dịch tốt cho sức khỏe nhưng không phải lúc nào cũng có thể truyền và đặc biệt là không được lạm dụng.

Truyền dịch cũng có quy định chặt chẽ. Nó phụ thuộc rất nhiều yếu tố như thể bệnh, dịch được truyền, liều lượng, tốc độ... Với người bị mất nước, cần bù lượng dịch đã mất do mắc một số bệnh như tiêu chảy, bị bỏng nặng, sốt cao, ăn uống kém, suy kiệt, bệnh nhân sau phẫu thuật tiêu hóa và một số trường hợp đặc biệt... cần được truyền dịch nhưng phải theo chỉ định của bác sĩ. Việc tự ý truyền dịch sẽ vô cùng nguy hại đến sức khỏe. Bởi vì từng nhóm dịch truyền sẽ phù hợp với từng đối tượng khác nhau. Ngoài ra, kỹ thuật truyền dịch khá đơn giản nhưng nếu thực hiện không đúng thì dễ xảy ra những tai biến sốc phản vệ do tốc độ truyền quá nhanh, cơ địa bệnh nhân dị ứng với thành phần trong dịch truyền. Khi truyền dịch, với bất cứ dịch truyền nào, đều có thể có các tai biến xảy ra.

Trước hết là nguy cơ nhiễm trùng, xuất phát từ nơi đưa thuốc vào cơ thể. Các bệnh nhiễm như HIV/AIDS, viêm gan siêu vi B, C... đều có thể lây nhiễm qua con đường tiêm chích, đặc biệt qua truyền dịch, nếu việc truyền dịch bừa bãi không đúng quy cách, không được vô trùng. Thậm chí, việc bổ sung không đúng các chất dễ gây nguy hiểm đến tính mạng như bệnh nhân mất điện giải mà truyền đường sẽ làm bệnh nặng hơn, thiếu natri mà truyền đường sẽ làm máu loãng gây phù não, thừa natri mà truyền muối quá nhiều làm teo não... Đặc biệt, dịch truyền có thể gây phản ứng toàn thân khi cơ thể không tiếp nhận như hiện tượng sốt, run hoặc gây sốc dịch truyền rất nguy hiểm. Do đó, khi thầy thuốc chỉ định cho dùng dịch truyền là đã có sự cân nhắc rất kỹ.

Chỉ nên truyền dịch khi sốt quá cao, nôn quá nhiều gây mất nước, đi ngoài mất nước, người bệnh không thể ăn, uống được... Những bệnh nhẹ thì không nên truyền dịch. Thậm chí, khi chỉ định truyền dịch cho bệnh nhân, thầy thuốc cũng cần kiểm tra kỹ đề phòng rủi ro do chất lượng dịch truyền. Ngoài ra, để bảo đảm an toàn, người dân nên truyền dịch tại các cơ sở y tế, nơi có đầy đủ phương tiện, thuốc cấp cứu chống choáng, chống sốc và phải có người theo dõi trong suốt quá trình tiêm truyền để chẳng may có tai biến xảy ra sẽ được xử lý được kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyền dịch - khi nào cần?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.