Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyên gia y tế: Không thể nói uống bia ít hại hơn rượu

Hương Thủy| 06/05/2019 14:37

(HNMO) - Uống rượu, bia thường xuyên không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn gây nhiều tác hại cho xã hội. Theo chuyên gia y tế, quan điểm cho rằng uống bia ít hại hơn uống rượu là hoàn toàn sai lầm.


Quan điểm sai lầm

Chỉ trong một thời gian ngắn có đến 2 vụ tai nạn liên tiếp gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến bia, rượu xảy ra trên địa bàn Hà Nội. Những vụ tai nạn này đã cướp đi mạng sống của người vô tội, để lại nỗi đau không thể bù đắp cho gia đình và người thân. Trong đó, vụ tai nạn ở hầm Kim Liên vào đợt nghỉ lễ vừa qua khiến 2 phụ nữ tử vong; tài xế khai, trước khi lái xe đã uống 6 chai bia...

Liên quan đến bia, rượu, nhiều người có suy nghĩ uống bia là để giải khát, uống bia ít có hại đến sức khỏe hơn uống rượu. Tuy nhiên, bác sĩ Đoàn Bình Tĩnh, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho rằng quan điểm trên là sai lầm.

“Với đồ uống có cồn, yếu tố gây hại đến sức khỏe là chất cồn. Bia, rượu có tác hại như thế nào đối với cơ thể phụ thuộc vào thời điểm uống, tần suất uống và lượng cồn được đưa vào cơ thể”, bác sĩ nói. Vì vậy, theo ông, không thể nói uống bia ít có hại đối với sức khỏe hơn là uống rượu.

1 đơn vị cồn tương đương với 1 cốc bia hơi 330ml.


Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, 1 đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy, 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (nồng độ cồn 5%); 1 cốc bia hơi 330 ml; 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%) hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%).

Những người khỏe mạnh, bình thường được khuyến cáo chỉ nên uống dưới 2 đơn vị cồn mỗi ngày nhằm giảm thiểu nguy cơ bệnh tật và chấn thương. Nếu uống trên 4 đơn vị cồn trong mỗi lần uống sẽ có nguy cơ mất kiểm soát và dễ gây tai nạn.

Với nồng độ cồn trong cơ thể ở mức trên 50 mg/100 ml máu hoặc trên 0,25 mg/1L khí thở, người uống đã có thể bị mất thăng bằng, hoa mắt, buồn ngủ, phản ứng chậm trước các tình huống. Và hậu quả là khôn lường nếu lái xe. Vì vậy, “đã uống rượu, bia, tuyệt đối không lái xe”, bác sĩ Đoàn Bình Tĩnh khuyến cáo.

Với trường hợp tài xế lái xe trong vụ tai nạn ở hầm Kim Liên, đơn vị cồn mà tài xế này tiêu thụ đã vượt nhiều lần so với mức khuyến cáo.

Thống kê cho thấy, Việt Nam đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu, bia. Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia và con số này đang có xu hướng gia tăng.

Rượu, bia “ăn mòn” sức khỏe

Uống rượu, bia không chỉ gây nhiều tác hại cho xã hội mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người uống.

Theo Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, lạm dụng bia, rượu ảnh hưởng đến gan, gây các bệnh về gan. Gan là cơ quan chịu nhiều đợt tấn công của các độc tố. Uống nhiều rượu, bia sẽ làm gan nhiễm mỡ, chất béo hạn chế lưu lượng máu đến các tế bào gan khiến dễ bị xơ gan.

Ngoài ra, rượu, bia làm rối loạn nhịp tim. Mặc dù rối loạn này có thể tạm thời nếu uống ít nhưng uống thường xuyên có thể gây nên rối loạn nhịp tim vĩnh viễn, làm tăng nguy cơ cao huyết áp. Những người bị bệnh về tim mạch và tăng huyết áp mà uống rượu, bia dễ có nguy cơ đột tử.

Khi lạm dụng bia, rượu, các độc chất tích tụ ở tụy gây viêm tụy, làm giảm chức năng sản xuất insulin, khiến mắc tiểu đường týp 2. Bên cạnh đó, uống nhiều bia, rượu gây suy giảm hệ thống miễn dịch, bởi làm giảm lượng bạch cầu cơ thể sản sinh ra để chống lại bệnh tật. Vì thế, những người uống bia, rượu thường dễ bị viêm phổi hoặc lao phổi, chưa kể là bị rối loạn giấc ngủ, viêm loét dạ dày, loãng xương, suy giảm sinh lý…

Chính vì tác hại của rượu, bia, gần đây, Bộ Y tế đã đưa nội dung về quảng cáo và giờ bán rượu, bia vào dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia với 3 phương án quy định về thời gian bán rượu, bia: Chỉ được bán từ 11h đến 14h và từ 17h đến 22h hằng ngày; chỉ được bán từ 6h đến 22h, trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực sân bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch; thời gian bán rượu, bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ.

Đến thời điểm này, Bộ Y tế tiếp tục mong muốn luật hóa bán rượu, bia theo giờ. Trong khi đó, Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu tăng mức xử phạt đối với tài xế uống rượu, bia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia y tế: Không thể nói uống bia ít hại hơn rượu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.