Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đối tượng nào cần tầm soát sớm ung thư dạ dày?

PGS.TS Phạm Cẩm Phương| 16/05/2019 10:55

(HNMCT) - Ung thư dạ dày hay gặp nhất trong số các loại ung thư của đường tiêu hóa. Những triệu chứng cũng như dấu hiệu của bệnh ung thư dạ dày và đối tượng nào cần tầm soát sớm căn bệnh này?

Nguyễn Thị Hoa (60 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội)


Đáp: Ung thư dạ dày là một bệnh lý ác tính tại dạ dày. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa thể khẳng định chính xác nguyên nhân gây ra ung thư dạ dày. Chỉ biết rằng nguyên nhân gây ung thư dạ dày thường gặp ở đối tượng nguy cơ cao như người mắc các chứng viêm loét dạ dày mạn tính, người mắc và nhiễm vi rút HP (gây viêm loét dạ dày, tá tràng) mà chưa được điều trị ổn định và thường tái diễn triệu chứng dẫn đến bệnh nhân có các viêm loét cũng như viêm teo niêm mạc dạ dày. Ngoài ra, những người có tiền sử trong gia đình bị mắc bệnh ung thư, nhất là ung thư dạ dày, người hút thuốc lá, người hay ăn thực phẩm chứa nấm mốc, những người sử dụng rượu bia... là những đối tượng hay mắc ung thư dạ dày.

Ung thư dạ dày để chẩn đoán sớm là rất khó bởi giai đoạn sớm có các triệu chứng mơ hồ như người bị viêm dạ dày. Đa số người bệnh có các triệu chứng như ậm ạch khó tiêu, đau bụng trên rốn hoặc có các triệu chứng khó chịu trong người. Còn khi các triệu chứng đã rõ thì bệnh đã bước vào giai đoạn muộn, lúc đó, người bệnh đau tức vùng thượng vị, sụt cân, có thể đi đại tiện phân đen hoặc tự sờ thấy hạch... Với ung thư dạ dày, rất khó nhận biết từ giai đoạn sớm sang giai đoạn muộn vì tùy thuộc vào từng người, vào mô bệnh học, vào tổn thương của ung thư. Nếu là ung thư ác tính thì tiến triển rất nhanh và hình thành khối u kích thước rất nhanh.

Cho đến nay có rất nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư dạ dày. Không phải mắc bệnh ung thư là bệnh nhân hết hy vọng và tử vong ngay, và hiện nay tại nước ta có nhiều phương pháp điều trị tiên tiến. Chẳng hạn, ở nước ta đã cập nhật phương pháp điều trị đích trong ung thư dạ dày. Khi bệnh ở giai đoạn muộn sẽ áp dụng phương pháp điều trị hóa chất, điều trị nhắm trúng đích, miễn dịch, để từ đó kéo dài sự sống cho người bệnh. Thậm chí, có nhiều bệnh nhân khi đến bệnh viện đã bước vào giai đoạn muộn nhưng việc điều trị hiệu quả đã giúp họ kéo dài thời gian sống sau 5 năm, hay có bệnh nhân sau 8 năm điều trị sức khỏe vẫn ổn định. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đối tượng nào cần tầm soát sớm ung thư dạ dày?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.