Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn sai phạm tại các phòng khám đa khoa

Nguyễn Thanh| 20/05/2019 07:44

(HNM) - Thời gian qua, tại thành phố Hồ Chí Minh, xảy ra tình trạng một số phòng khám đa khoa lừa gạt, moi tiền của người bệnh, đặc biệt là tại các phòng khám có yếu tố nước ngoài, khiến không ít bệnh nhân “tiền mất tật mang”.

Mới đây, anh T.T.T (quê tại Tiền Giang) đến Phòng khám Đa khoa Khang Thái (số 87-89 đường Thành Thái, phường 14, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh) để cắt bao quy đầu. Khi đang nằm trên bàn mổ, các bác sĩ ở đây "phát hiện"... thêm bệnh, nói cần đóng thêm tiền để mổ gấp. Mổ xong, họ tính đủ thứ chi phí và kê hóa đơn đến 40 triệu đồng, bắt anh T.T.T viết giấy nợ mới cho về.

Trên thực tế, tình trạng các phòng khám đa khoa có bác sĩ nước ngoài, đặc biệt là bác sĩ mang quốc tịch Trung Quốc hành nghề trên địa bàn thành phố vi phạm Luật Khám bệnh, chữa bệnh diễn ra rất phổ biến như: Không có chứng chỉ hành nghề; lập hồ sơ bệnh án nhưng không ghi đầy đủ theo quy định; cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động; hoạt động không có biển hiệu, không đeo biển tên trong quá trình khám, chữa bệnh…

Đơn cử, ngày 6-5, Thanh tra Sở Y tế thành phố phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế - chức vụ (Đội 4), Công an thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Minh Hà Cosmetic và SPA Minh Hà Clinic tại cùng địa chỉ 6F đường 3A, phường Tân Hưng, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện cơ sở SPA Minh Hà Clinic không có bảng hiệu, không xuất trình được giấy đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động…

Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay toàn thành phố có 210 phòng khám đa khoa, trong đó 26 phòng khám liên quan đến yếu tố nước ngoài gồm: 17 phòng khám đăng ký hành nghề với bác sĩ mang quốc tịch Trung Quốc và 9 phòng khám còn lại bác sĩ đăng ký hành nghề với các quốc tịch như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Pháp... Tính từ đầu năm đến tháng 4-2019, Thanh tra Sở đã đình chỉ 2 cơ sở khám, chữa bệnh, phạt hơn 300 triệu đồng; riêng năm 2018 đã đình chỉ 3 cơ sở, phạt 39 trường hợp với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết, để ngăn chặn, xử lý dứt điểm sai phạm tại các phòng khám đa khoa ở thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị các cơ quan chức năng cần có quy định nghiêm khắc hơn trong xử lý sai phạm của bác sĩ người nước ngoài.

Trong khi đó, theo ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, các quy định đang rất nghiêm với bác sĩ Việt Nam, nhưng với bác sĩ nước ngoài lại chưa có biện pháp gì, vì thế sau khi xử phạt đâu lại vào đó.

Về giải pháp trước mắt, ông Nguyễn Mạnh Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Sở đã tổ chức lớp đào tạo cho 42 bác sĩ có quốc tịch Trung Quốc đang hành nghề khám, chữa bệnh tại các phòng khám đa khoa trên địa bàn. Các bác sĩ này được cập nhật kiến thức chuyên môn, quy trình khám, chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành. Mỗi bác sĩ sẽ được đào tạo đủ 48 giờ về kiến thức pháp luật và kiến thức chuyên môn thực tế tại các bệnh viện đầu ngành của thành phố như Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Tai Mũi Họng, Bệnh viện Từ Dũ... Ngoài ra, những nhân viên khác của các phòng khám đa khoa tư nhân cũng được mời tham gia lớp đào tạo này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn sai phạm tại các phòng khám đa khoa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.