Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển thuốc nội vẫn còn gian nan

Thu Trang| 29/07/2019 09:07

(HNM) - Sau 10 năm triển khai Đề án "Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam", thuốc sản xuất trong nước đang ngày càng khẳng định được vị thế. Tại các cơ sở khám, chữa bệnh, tỷ lệ sử dụng thuốc nội đã tăng lên đáng kể. Thế nhưng, tư tưởng "sính ngoại" của cả người bệnh và bác sĩ khi kê đơn khiến cho con đường phát triển của thuốc Việt ngay trên chính "sân nhà" vẫn còn nhiều gian nan.

Các doanh nghiệp dược trong nước cần bảo đảm quy trình sản xuất thuốc một cách nghiêm ngặt và mang đến sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng.

Tâm lý "sính ngoại"

Theo báo cáo của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước trung bình tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng nhanh qua các năm, từ mức 46,62% năm 2013, tăng lên 63,53% năm 2018. Riêng năm 2018, tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước ở tuyến huyện đã tăng lên 76,62%, tuyến tỉnh tăng lên 57,03%. Thậm chí, nhiều bệnh viện tuyến trung ương đạt tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước cao. Chẳng hạn, Bệnh viện trung ương 71 Thanh Hóa, Bệnh viện Tâm thần trung ương 2, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Nội tiết trung ương... đạt tỷ lệ từ 30,43% đến 52,8% về giá trị sử dụng thuốc sản xuất trong nước.

Thế nhưng, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới tại một số quầy thuốc, cửa hàng bán lẻ thuốc, nhà thuốc bệnh viện..., trên địa bàn Hà Nôi, thuốc nội dù chất lượng tốt, giá thành hợp lý vẫn rất chật vật, khó khăn khi cạnh tranh với thuốc ngoại để giành chỗ đứng trên thị trường cũng như trong suy nghĩ của người bệnh. Cầm đơn thuốc đến một hiệu thuốc trên phố Quốc Tử Giám (quận Đống Đa), chị Thu Hằng, nhân viên Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Đống Đa được dược sĩ tại đây cho biết, tổng số tiền của đơn thuốc này là 700.000 đồng. Đơn thuốc có 5 loại, thì có đến 4 loại là thuốc ngoại. Trong khi cùng những loại thuốc này, nếu dùng thuốc nội thì chỉ hết chưa đến 200.000 đồng. Tuy nhiên, theo chị Thu Hằng, thà dùng thuốc ngoại đắt tiền mà nhanh khỏi bệnh còn hơn...

Không chỉ người dân, ngay cả bác sĩ cũng "sính" thuốc ngoại. Tại Hội nghị tổng kết Đề án "Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam" vừa diễn ra, ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, tại một số bệnh viện tuyến trung ương như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phụ sản trung ương, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức có tỷ lệ sử dụng thuốc nội chỉ đạt dưới 10%. Đây là các bệnh viện tuyến cuối, nên thuốc sử dụng đều là thuốc chuyên khoa sâu: Gây mê, hồi sức, tim mạch, chống thải ghép, điều trị ung thư... Trong khi đó, phần lớn các thuốc trong nhóm này lại chưa sản xuất được ở trong nước. Hơn nữa, các bệnh viện hiện nay đang dần tự chủ về tài chính, nên cần đáp ứng sự hài lòng, thu hút người bệnh. Vì vậy, việc chạy theo xu hướng dùng thuốc ngoại là không thể tránh khỏi.

Ông Nguyễn Huy Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Traphaco cho biết, thuốc nhập khẩu vào các bệnh viện công vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Nguyên nhân do các bác sĩ, bệnh viện tuyến trung ương quen sử dụng thuốc biệt dược nổi tiếng ở nước ngoài. Việc đưa thuốc nội vào các bệnh viện gặp nhiều khó khăn. Còn theo ông Đoàn Đình Duy Khương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, thuốc nội muốn vào được các bệnh viện tuyến cuối - nơi điều trị bệnh nhân nặng, thì các doanh nghiệp dược trong nước càng phải hướng đến tiêu chuẩn cao hơn nữa. Cụ thể là đầu tư dây chuyền công nghệ của nước ngoài, chuẩn hóa nguyên liệu đầu vào, nghiên cứu khoa học, bảo đảm hệ thống quản lý chất lượng toàn diện...

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Nhiều người dân vẫn có tâm lý “sính ngoại” khi mua thuốc.

Đề án "Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam" đặt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm 22% ở bệnh viện tuyến trung ương. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, để đạt được mục tiêu này cần có sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của các bên liên quan và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ cơ chế, chính sách, thúc đẩy các cơ sở y tế và thầy thuốc, khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc cho đến công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân. Cụ thể, cần xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế để khuyến khích sản xuất thuốc trong nước và bảo đảm hỗ trợ việc tăng cường sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại các cơ sở y tế. Về phía Cục Quản lý khám, chữa bệnh, cần bổ sung tiêu chí tăng tỷ lệ thuốc sản xuất tại Việt Nam vào bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện hằng năm, đồng thời kiểm soát việc kê đơn, trong đó có quy định khuyến khích kê thuốc nội, tránh lạm dụng kê thuốc nhập khẩu, đắt tiền.

Theo ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, cần đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, khuyến khích các hãng dược nước ngoài vào sản xuất tại Việt Nam. Ngoài ra, tăng cường truyền thông, giới thiệu đến người dân, cán bộ y tế về các sản phẩm thuốc, nhà máy, dây chuyền công nghệ sản xuất thuốc của các doanh nghiệp trong nước đạt tiêu chuẩn "Thực hành sản xuất tốt" (GMP) theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)...

Để thuốc nội có chỗ đứng trên "sân nhà", tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược Hậu Giang Đoàn Đình Duy Khương cho rằng, điều quan trọng là khẳng định được chất lượng của thuốc Việt. Chính vì vậy, các doanh nghiệp dược trong nước phải nỗ lực nâng cấp các tiêu chuẩn nhà máy, bảo đảm việc sản xuất thuốc một cách nghiêm ngặt và mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm tốt nhất. Cùng với đó, mẫu mã, bao bì sản phẩm cũng phải đáp ứng về mặt thẩm mỹ, đồng thời giá cả thuốc phải phù hợp với túi tiền của người Việt Nam.

Hiện cả nước có 198 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP, 11 nhà máy đã đầu tư và đạt tiêu chuẩn của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thuốc cho công tác phòng và chữa bệnh; sản xuất được 12/13 loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển thuốc nội vẫn còn gian nan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.