Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dấu hiệu nhận biết bệnh trầm cảm ở người cao tuổi

Phan Tuấn| 14/11/2019 10:51

(HNMCT) - Trầm cảm không chỉ phổ biến ở phụ nữ sau sinh, người trẻ bị sang chấn tâm lý mà còn gặp nhiều ở người cao tuổi (NCT). Thậm chí, nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng, NCT dễ bị trầm cảm hơn người trẻ tuổi. Vậy nguyên nhân nào và dựa vào dấu hiệu gì để nhận biết bệnh trầm cảm ở NCT?

Tỷ lệ người cao tuổi bị trầm cảm rất cao

Theo bác sĩ Đỗ Thị Linh, khoa Tâm thần (Bệnh viện Lão khoa trung ương), tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng gia tăng kéo theo tỷ lệ NCT mắc bệnh trầm cảm cũng rất lớn. Trầm cảm được phân vào nhóm rối loạn cảm xúc, thường xảy ra ở người từ 60 tuổi trở lên. Bệnh trầm cảm ở nước ta hiện nay chiếm khoảng 10,7% tổng số NCT. Tại Bệnh viện Lão khoa trung ương, tỷ lệ NCT đến khám sức khỏe ban đầu có dấu hiệu bị trầm cảm chiếm khoảng 25 - 30%. Nguyên nhân gây trầm cảm được phân làm 3 nhóm chính, đó là căn nguyên về tâm lý, bệnh lý mạn tính và căn nguyên nội sinh.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoàn, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết thêm, các nguyên nhân gây trầm cảm có thể gặp là những tác động của cuộc sống như về hưu, thay đổi chỗ ở, mất mát tài sản, con cái hư hỏng, gia đình ly tán, chết chóc... đều ảnh hưởng lớn đến sự thay đổi tâm lý của NCT. Ngoài ra, các nghiên cứu cho rằng, trầm cảm có thể do sự mất cân bằng sinh hóa các chất trong cơ thể khi người ta già đi, quá trình này diễn ra trong não người có tuổi và thuốc men sẽ điều chỉnh sự cân bằng của các chất hóa học này.

Chẳng hạn, thuốc dùng để chữa các bệnh ở NCT có thể gây ra nhiều tác dụng phụ bất lợi, uống càng nhiều thuốc thì tác dụng phụ xảy ra càng nhiều. Một số thuốc cũng gây ra tác dụng phụ trầm cảm như thuốc chữa cao huyết áp, thuốc an thần, thuốc giảm đau, thuốc gây ngủ... Ngay cả việc uống rượu quá nhiều cũng là nguyên nhân gây ra trầm cảm. Ngoài ra, khi người già mắc các bệnh như tai biến mạch máu não, ung thư, đái tháo đường, tim mạch... thường bị ám ảnh bệnh không chữa khỏi dẫn đến lo lắng, bi quan, chán nản, từ đó cũng gây ra trầm cảm. Ở một số người, trầm cảm có thể là một bệnh di truyền. Khi có người thân bị trầm cảm thì người đó cũng dễ mắc trầm cảm.

Dấu hiệu nhận biết bệnh trầm cảm

Đề cập đến các dấu hiệu bệnh trầm cảm ở NCT, bác sĩ Đỗ Thị Linh cho biết, những biểu hiện về khí sắc trầm cảm kéo dài, mệt mỏi, giảm năng lượng, chán nản, buồn rầu, không thích tiếp xúc với những người xung quanh, suy giảm các hoạt động, các mối quan hệ trong xã hội, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống... Thậm chí, có người khi bị trầm cảm còn có ý định tự sát. Các dấu hiệu quan trọng nhất của trầm cảm là những biến đổi về nhân cách. Người bị bệnh trầm cảm bắt đầu cảm thấy giảm sự quan tâm chú ý, mất đi các hứng thú đối với các hoạt động, các đồ vật, người thân yêu mà trước đây họ từng quan tâm, yêu quý. NCT bị trầm cảm thường tách khỏi các hoạt động xã hội cũng như các thú tiêu khiển khác.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoàn, những NCT bị trầm cảm dễ rơi vào trạng thái biệt lập, cô độc do tự ti. Các dấu hiệu khác bao gồm mất sinh lực và cảm thấy mình vô dụng. Họ thường biểu lộ một cách chung chung sự không thỏa mãn về cuộc sống hiện tại. Ngoài ra, người bệnh thường dễ cáu kỉnh hay buồn rầu hơn trước, có thể khóc hay cảm giác muốn khóc. Họ thường hay lo lắng nhiều, đặc biệt là các vấn đề có liên quan đến sức khỏe và cảm thấy khó tập trung, khó quyết định. Một số NCT bị trầm cảm lại không hề nói gì về những cảm giác của mình. Có thể họ cho rằng cảm giác đau khổ là biểu hiện bình thường của quá trình già hóa, vì vậy, họ nghĩ chẳng có gì đáng để phàn nàn, xem những cảm giác này là do bệnh nọ bệnh kia gây ra và chẳng có thể làm gì để thay đổi được. Do đó, khi bị bệnh trầm cảm, NCT cần phải được phát hiện và chăm sóc, điều trị kịp thời.

Đừng âm thầm chịu đựng

Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoàn, khi bị trầm cảm, NCT thường miễn cưỡng nếu phải nói cho người khác nghe họ cảm thấy không được khỏe. Nhưng thực ra, khi nói cho người khác nghe về trạng thái của mình cũng chính là bước đầu tiên để đem lại cảm giác tốt hơn. Tốt nhất là nói cho bác sĩ hoặc một người thân của mình về những cảm giác tâm lý đang thay đổi, đừng âm thầm chịu đựng một mình vì điều đó sẽ làm cho bệnh nặng thêm. Hầu hết bệnh nhân trầm cảm có thể được cải thiện đáng kể các triệu chứng khi được điều trị.

Các biện pháp điều trị trầm cảm hiện nay, bao gồm uống các thuốc chống trầm cảm, các biện pháp tâm lý và thư giãn luyện tập. Hiện nay có rất nhiều loại thuốc chống trầm cảm khác nhau, NCT sẽ được các bác sĩ kê toa thuốc phù hợp với tình trạng bệnh lý và thích hợp với từng người cụ thể, ít có các tác dụng phụ bất lợi và đặc biệt phải an toàn. Việc dùng thuốc chống trầm cảm ở NCT cũng phải tuân thủ về hàm lượng, liều lượng và đủ thời gian vì điều này sẽ làm cho bệnh thuyên giảm, khỏi và không tái phát. Ngoài ra, các liệu pháp tâm lý cũng rất hữu ích cho người bị trầm cảm. Tùy theo tình trạng bệnh mà bác sĩ đưa ra các liệu pháp thích hợp.

Để tránh mắc bệnh trầm cảm, cần tạo cho người già có môi trường sống thoải mái, vui vẻ, đầm ấm bên con cháu, hạn chế những cú sốc quá lớn về mặt tâm lý và tránh những lao động quá vất vả để kiếm sống. Ngoài ra, bản thân NCT cũng phải dự phòng tránh bị trầm cảm cho mình bằng cách tham gia các hoạt động tập thể như các câu lạc bộ dưỡng sinh, tổ hưu trí..., không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thường xuyên tập luyện thể dục và có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý và điều độ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu hiệu nhận biết bệnh trầm cảm ở người cao tuổi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.