Theo dõi Báo Hànộimới trên

Du lịch chữa bệnh và tầm soát bệnh hiểm nghèo

Lê Hiền| 18/11/2019 16:09

Chứng kiến những bệnh nhân Việt Nam phải vượt quãng đường xa trong điều kiện sức khỏe không tốt, tôi nghĩ rằng khi bệnh viện TH ra đời, người dân Việt Nam sẽ không cần phải ra nước ngoài để chữa bệnh nữa mà có thể chữa khỏi bệnh ngay trên đất nước mình, đây sẽ là mô hình “Du lịch khám chữa bệnh tại chỗ” toàn diện cho người Việt Nam và khu vực”.

Giáo sư, bác sĩ Satoru Komatsumoto - Giám đốc điều hành Tổ hợp Y tế và Chăm sóc sức khỏe công nghệ cao TH Medical, đã bày tỏ như vậy tại lễ động thổ và công bố Tổ hợp trên mảnh đất 40ha ngay bên cầu Nhật Tân ngày 14-10 vừa qua. Là một chuyên gia y tế tầm cỡ quốc tế, ông hoàn toàn có lý khi nhận định về tương lai của ngành Y Hà Nội.

Từ câu chuyện “còn nước còn tát” tới ý tưởng về tổ hợp liên hoàn…

Giáo sư, bác sĩ Satoru Komatsumoto từng là Viện trưởng Bệnh viện Ashikaga tại Nhật Bản, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện Nhật Bản và thành viên Ban Giám đốc của Hiệp hội Bệnh viện thế giới. Từ bỏ vị trí Viện trưởng của bệnh viện lớn ở Nhật Bản (có quy mô điều trị lên tới 1.000 giường”, ông bắt đầu vạch xuất phát mới của mình ở Việt Nam với vai trò Giám đốc điều hành tổ hợp TH Medical.

Trong khi đó, TH Medical lại là một cái tên mới mẻ đối với hầu hết người dân Hà Nội, đơn giản là bởi nó vừa được công bố ngày 14-10. Với ngay cả người dân xã Tiên Dương (huyện Đông Anh), nơi Dự án được xây dựng, TH Medical cũng mới là những hình dung mơ hồ về một “bệnh viện 5 sao” mà họ khó có thể tưởng tượng được nếu chỉ biết tới Trung tâm y tế cấp huyện.

Thế nhưng, bà Thái Hương - Nhà sáng lập Tập đoàn TH lại xâu chuỗi được vấn đề. Bác sĩ Satoru cho biết, Bệnh viện Ashikaga nơi ông làm việc trước đây từng đón rất nhiều bệnh nhân từ Việt Nam. Mỗi chuyến sang Nhật Bản, bệnh nhân tiêu tốn cả chục nghìn USD. Điều nghiêm trọng là nhiều người sang Nhật khi đã ở tình thế “còn nước còn tát”…

Với TH Medical, câu chuyện bắt đầu sớm hơn thế rất nhiều. Cũng với chất lượng dịch vụ và công nghệ Nhật Bản- người dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung sẽ tiếp cận giải quyết các vấn đề về sức khỏe ngay từ khâu phòng bệnh với Trung tâm Y tế dự phòng và chẩn đoán sớm (E-Prevention Center). Đây là nơi giao thoa giữa y học và công nghệ. “Tại Nhật Bản, y tế dự phòng luôn được coi trọng và các bệnh viện đều có gói khám sức khỏe toàn diện và tầm soát ung thư. Đối với nhiều người Nhật, khám sức khỏe định kỳ trở thành một thói quen” - bác sĩ Satoru nói. Và ông đã tư vấn cho rất nhiều bệnh nhân Việt Nam khi sang Nhật Bản điều trị là đừng để tình trạng bệnh nguy hiểm mới cuống cuồng điều trị.

“Là một bác sĩ, tôi tin rằng, mỗi người nên có ý thức trách nhiệm với sức khỏe của chính mình, như bà Thái Hương - người có ý tưởng xây dựng tổ hợp này luôn nói “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Và tôi hoàn toàn tán thành quan điểm này” - ông nhấn mạnh.

Giáo sư, bác sĩ Komatsumoto cho biết sẽ sát cánh bên bà Thái Hương để đưa TH Medical trở thành điểm đến tốt nhất về y tế ở Hà Nội.

Như vậy, mọi nhu cầu của bệnh nhân đều được đáp ứng. Nhóm bệnh nhân từng đi Nhật Bản và nhiều quốc gia khác để du lịch - chữa bệnh có thể tìm được dịch vụ tốt nhất với giá cả hợp lý nhất ở khu tổ hợp TH Medical ngay bên bờ sông Thiếp và cầu Nhật Tân, chỉ cách nội thành Hà Nội 15km.

“Nắn” dòng ngoại tệ chi cho du lịch - chữa bệnh

Tại lễ động thổ, bà Thái Hương không ngần ngại nói suy nghĩ của mình: Tổ hợp TH Medical không chỉ phục vụ bệnh nhân trong nước, góp phần giảm thiểu lượng bệnh nhân ra nước ngoài chữa bệnh, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước mà còn thu hút cả bệnh nhân nước ngoài tới du lịch, chữa bệnh với dịch vụ đẳng cấp quốc tế.

Thực tế tại các quốc gia trong khu vực cho thấy, nhu cầu du lịch chữa bệnh tăng nhanh. Một quốc gia không có nhiều dấu ấn về y tế như Malaysia hiện cũng đang nổi lên trong lĩnh vực này. Số liệu của Hội đồng Du lịch y tế Malaysia (MHTC) năm 2018 cho thấy, quốc gia này đã đón hơn 1,2 triệu du khách đến chữa bệnh, trong đó 60% bệnh nhân đến từ Indonesia. Cũng theo số liệu của MHTC, năm 2016 có 8.000 du khách Việt đến các bệnh viện tại đây, con số này tăng lên 11.000 vào 2017 và lên 14.000 người năm 2018. Những dịch vụ du khách Việt thực hiện là thụ tinh nhân tạo, chữa ung thư, tầm soát sức khỏe và can thiệp tim mạch. 

Điểm đến của du khách - bệnh nhân Việt Nam hầu hết là bệnh viện tư nhân, có dịch vụ điều trị ở mức 5 sao. Nhiều người chi cho chi phí tầm soát ung thư với mức khoảng 1.000 USD, cao hơn chi phí ở Việt Nam, chưa kể chi phí di chuyển, ăn ở.

Rất nhiều bệnh nhân Việt Nam sang Singapore du lịch - chữa bệnh, trong tương lai Việt Nam sẽ có nhiều mô hình thu hút bệnh nhân trở về, trong đó có TH Medical (ảnh nguồn: Báo Thanh Niên).

Bà Thái Hương và các cộng sự tự tin, khi Tổ hợp TH Medical đi vào vận hành, ngành Y Thủ đô sẽ chứng kiến cuộc “nắn dòng” ngoại tệ chi cho du lịch - chữa bệnh. Bởi điều chắc chắn, Tổ hợp sẽ cung cấp được tất cả những dịch vụ mà người bệnh cần và tìm kiếm trong các chuyến du lịch - chữa bệnh ở nước ngoài - trong khi giảm thiểu được rất nhiều chi phí trung gian.

Đặc biệt là về nhân lực, TH Medical đã có chiến lược hợp tác bài bản để có những bác sĩ, điều dưỡng giỏi nhất về chuyên môn. Ngay trong lễ động thổ, Tập đoàn TH, TH Medical đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Keio & bệnh viện Keio (Nhật Bản) về quản lý, vận hành và trao đổi nhân sự cho dự án Tổ hợp trong thời gian tới và cũng dự kiến kéo hàng loạt bác sĩ giỏi của Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài về đầu quân cho TH Medical.

Đó chính là những gì sắp được hình thành trên mảnh đất xanh ven cầu Nhật Tân, cũng là bệ phóng cho một ý tưởng lớn trong lĩnh vực y tế - chăm sóc sức khỏe trên Thành phố Vì hòa bình.

Mô tả tổ hợp y tế giai đoạn 1.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch chữa bệnh và tầm soát bệnh hiểm nghèo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.