Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dựa vào cộng đồng để chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Thu Trang| 13/12/2019 08:37

(HNM) - Ngày 12-12, tại Hà Nội, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức hội thảo già hóa dân số và sức khỏe người cao tuổi: Nghiên cứu dọc và vai trò cộng tác viên dân số trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng.

Theo báo cáo của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), hiện tuổi thọ bình quân của người dân nước ta đã đạt 75,6 tuổi, đứng thứ hai trong khu vực và đứng thứ 56 trên thế giới. Hiện tại, Việt Nam được cho là nước có tốc độ già hóa dân số nhanh. Cả nước hiện có hơn 10 triệu người cao tuổi, dự báo đến năm 2030 sẽ có gần 19 triệu và năm 2050 là hơn 28 triệu người.

Tuy tuổi thọ bình quân của người Việt Nam ngày càng tăng nhưng gánh nặng bệnh tật của người cao tuổi nước ta là rất lớn. Trung bình một người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh với khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mạn tính. Bên cạnh đó, đời sống vật chất của người cao tuổi Việt Nam còn thấp. Có tới 68% người cao tuổi sống ở nông thôn, làm nông nghiệp; 72,3% người cao tuổi sống cùng con, cháu. Tình trạng người cao tuổi sống không có vợ hoặc chồng chiếm tỷ lệ cao, trong đó số cụ bà cô đơn cao gấp 5,44 lần so với cụ ông; phụ nữ cao tuổi sống ly hôn, ly thân gấp 2,2 lần so với nam giới. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của đa phần người cao tuổi hiện nay…

Để đối phó với thực trạng này, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, kinh nghiệm các nước cho thấy, một trong những hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi hiệu quả là dựa vào gia đình và cộng đồng với việc xây dựng, đào tạo đội ngũ nhân viên chăm sóc sức khỏe không chuyên và bán chuyên. Ngành Dân số đang có đội ngũ cộng tác viên dân số hùng hậu tại các thôn, xóm, bản, làng và hoàn toàn có thể trở thành đội ngũ nhân viên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi không chuyên hoặc bán chuyên tại cộng đồng. Tuy nhiên, để làm được điều này, chúng ta cần tập trung vào vấn đề đào tạo đội ngũ cộng tác viên dân số, tăng phụ cấp cho họ và cho phép họ tham gia lực lượng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng.

Cùng ngày, tại lễ phát động Tháng hành động quốc gia về dân số và kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam (26-12) với chủ đề “Đồng hành cùng sự nghiệp dân số và phát triển vì sự phồn vinh của đất nước” do Sở Y tế Hà Nội phối hợp với UBND quận Long Biên tổ chức, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, chính sách về dân số phù hợp với từng nhóm đối tượng, đồng thời phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số - kế hoạch hóa gia đình đáp ứng nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, thành phố sẽ tiếp tục kiện toàn và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số từ thành phố đến cơ sở.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dựa vào cộng đồng để chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.