Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng sốt xuất huyết trong mùa dịch Covid-19: Không để dịch chồng dịch

Thu Trang| 09/05/2020 06:43

(HNM) - Dù vào thời điểm này, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, không vì thế mà người dân có thể chủ quan, lơ là, bởi nguy cơ dịch bệnh luôn hiện hữu. Cùng với việc phòng, chống dịch Covid-19, thành phố đang tăng cường các biện pháp, chủ động phòng, chống sốt xuất huyết với quyết tâm không để xảy ra dịch chồng dịch.

Phun thuốc phòng, chống sốt xuất huyết tại tổ dân phố 13, phường Quang Trung (quận Hà Đông). Ảnh: Đồng Mai

Số ca mắc sốt xuất huyết giảm 55%

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 27-4 đến 6-5, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Như vậy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có 104 ca mắc sốt xuất huyết, chưa có trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2019, hiện số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố giảm 55%.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho rằng, số ca mắc sốt xuất huyết giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019 là do ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân được nâng lên. Thời điểm hiện tại, khi dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố đã được kiểm soát, các địa phương bắt đầu tăng cường triển khai chiến dịch phòng, chống sốt xuất huyết.

Là một trong 10 quận, huyện “điểm nóng” hằng năm về sốt xuất huyết của thành phố Hà Nội, nên từ cuối tháng 4-2020, huyện Thanh Oai đã tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại 7/9 xã nguy cơ cao (đạt 77,8% so với kế hoạch). Từ ngày 9 đến 15-5, huyện tiếp tục tổ chức chiến dịch này tại 2 xã còn lại. Ông Lê Đình Chiến, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Oai cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện ghi nhận 4 ca mắc sốt xuất huyết.

Cũng là “điểm nóng” về sốt xuất huyết, ngay từ đầu năm 2020, song song với việc phòng, chống dịch Covid-19, quận Hoàng Mai đã xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nhân lực, hóa chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Ông Nguyễn Xuân Trung, Trưởng phòng Y tế quận Hoàng Mai cho biết, mùa hè năm nay dự báo nắng nóng gay gắt, nhiệt độ trung bình cao, nếu kết hợp với mưa nhiều sẽ tạo thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Mặt khác, quận Hoàng Mai là địa bàn có mật độ dân số cao, nhiều người dân từ nơi khác về cư trú, thuê trọ, vệ sinh môi trường kém là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát. Trước tình hình đó, lực lượng cán bộ y tế dự phòng vừa căng sức phòng, chống dịch Covid-19, vừa tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về phòng bệnh sốt xuất huyết, tăng cường hệ thống giám sát côn trùng, đo chỉ số bọ gậy ở một số nơi có ổ dịch cũ…

Giám sát, phát hiện sớm ca bệnh

Lực lượng chức năng kiểm tra ổ bọ gậy trên địa bàn phường Việt Hưng, quận Long Biên.Ảnh: Xuân Lộc

Theo quy luật, ở miền Bắc, dịch bệnh sốt xuất huyết thường phát triển mạnh nhất vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 11 hằng năm. Còn ở các tỉnh phía Nam, dịch có thể xảy ra quanh năm. Bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào, Phó Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn thông tin, từ đầu năm đến nay tại khoa chưa tiếp nhận trường hợp mắc sốt xuất huyết. Tuy nhiên, bệnh viện đã dự trù thuốc, dịch truyền để sẵn sàng điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết vào mùa mưa sắp tới.

Bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào cũng cho hay, do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng týp, nên một người có thể mắc sốt xuất huyết đến lần thứ 2 hoặc thứ 3, thậm chí lần mắc sau thường nặng hơn lần mắc trước.

Còn theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, thành phố Hồ Chí Minh, với bệnh nhân mắc sốt xuất huyết hay mắc Covid-19, thì triệu chứng những ngày đầu khó phân biệt được vì đều sốt, ho, đau nhức. Nếu có những biểu hiện này tốt nhất nên tự cách ly với những người trong gia đình, mang khẩu trang và đi tới cơ sở y tế để khám bệnh, không tự ý điều trị tại nhà. Sốt xuất huyết là căn bệnh rất kinh điển từ trước tới nay. Nguyên nhân chính gây bệnh sốt xuất huyết do vật chủ trung gian là muỗi vằn. Do đó, biện pháp dự phòng chủ yếu vẫn là tránh muỗi đốt, không để muỗi truyền bệnh sinh sôi nảy nở.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, cùng với công tác phòng, chống dịch Covid-19, các quận, huyện, thị xã cần thực hiện tốt việc giám sát dịch bệnh sốt xuất huyết, nhất là giám sát, phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, khống chế ổ dịch ngay khi mới xuất hiện những bệnh nhân đầu tiên. Cùng với đó, quyết liệt triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và muỗi truyền bệnh. Tại khu vực có bệnh nhân, thực hiện phương châm vào từng ngõ, gõ từng nhà để hướng dẫn, giám sát hoạt động diệt bọ gậy…

“Chúng tôi mong muốn mỗi người dân sẽ trở thành một cộng tác viên của ngành Y tế, tự biết cách phòng bệnh cho bản thân và gia đình. Mỗi người, mỗi tuần bỏ ra 10-15 phút để kiểm tra trong khuôn viên gia đình, nhằm phát hiện các ổ bọ gậy của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và loại bỏ chúng. Sự chung tay của toàn xã hội sẽ là chìa khóa của sự thành công trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết nói riêng và các dịch bệnh khác nói chung”, ông Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phòng sốt xuất huyết trong mùa dịch Covid-19: Không để dịch chồng dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.