Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều người xuất huyết chân răng, mũi, đường tiêu hóa... do thuốc diệt chuột

Theo Thùy Giang (Vietnam+)| 10/10/2020 16:04

Gần đây, có nhiều loại hóa chất diệt chuột thế hệ mới. Đây là loại hóa chất khi một người ăn/uống phải có biểu hiện ngộ độc ban đầu nhẹ hơn và diễn ra âm thầm gây chảy máu, rối loạn đông máu…

Bác sỹ Phan Thị Lan Hương khám cho bệnh nhân 59 tuổi ngộ độc thuốc diệt chuột thế hệ mới. Ảnh: T.G/Vietnam+

Thời gian gần đây, Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận cấp cứu rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc thuốc diệt chuột thế hệ mới.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho hay, nếu các thuốc diệt chuột thế hệ cũ gây sốc, co giật cho người ăn/uống phải thì các loại thuốc thế hệ mới gây chảy máu âm thầm, nhiều người dễ lầm tưởng với các bệnh khác.

Những chất này gây độc diễn biến âm thầm và trong 3 ngày đầu, các dấu hiệu đều hoàn toàn bình thường nhưng sau thời điểm này, xuất hiện các dấu hiệu xuất huyết ở chân răng, mũi, da, đường tiêu hóa...

Dễ lầm tưởng với nhiều bệnh khác

Tại Trung tâm Chống độc, các bác sĩ đang điều trị cho 2 bệnh nhân bị ngộ độc thuốc diệt chuột thế hệ mới.

Bệnh nhân nam 59 tuổi, ở Hưng Yên vào viện ngày thứ ba ngộ độc. Bệnh nhân đã được điều trị ở tuyến dưới ba ngày nhưng tình trạng rối loạn đông máu rất nặng. Bệnh nhân đang được các bác sĩ tại trung tâm cho sử dụng thuốc giải độc.

Bệnh nhân cho biết uống 6 gói thuốc bột nhưng nhầm tưởng những gói bột này là ngũ cốc.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân nam, 39 tuổi, trú tại Hà Nội. Bệnh nhân có ý định tự tử nên đã uống 4 viên thuốc chuột Storm.

Bệnh nhân 39 tuổi được đưa vào viện trong tình trạng nôn khan, vẫn tỉnh táo, không co giật. Được biết, bệnh nhân này có tiền sử rối loạn tâm thần. Do bệnh nhân được đưa vào viện từ rất sớm nên may mắn chưa bị rối loạn đông máu, đến nay đáp ứng điều trị tốt.

Bác sĩ Phan Thị Lan Hương, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, tại Trung tâm gần đây tiếp nhận nhiều ca ngộ độc thuốc diệt chuột thế hệ mới. Có những bệnh nhân nhập viện sớm được điều trị kịp thời theo đúng phác đồ. Có bệnh nhân giấu việc mình uống thuốc diệt chuột tự tử dẫn đến việc xử trí rất khó khăn cho cơ sở y tế khi tiếp nhận, nên các bác sĩ chưa xác định được nguồn ngộ độc dù kết quả xét nghiệm máu cho thấy có hóa chất diệt chuột.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, nhiều người lầm tưởng những biểu hiện ban đầu của ngộ độc thuốc diệt chuột là mắc các bệnh về máu. Chính vì vậy, những năm gần đây, tại các trung tâm chống độc và huyết học trên cả nước ghi nhận tới vài trăm ca ngộ độc thuốc diệt chuột thế hệ mới. Loại hóa chất này có độc tính cao, chỉ một ít thuốc cũng có thể gây ra ngộ độc.

Giám đốc Trung tâm Chống độc chia sẻ, trong vòng gần 1 năm, trung tâm đã tiếp nhận hơn 130 ca ngộ độc thuốc diệt chuột thế hệ mới.

Sử dụng và bảo quản đúng cách

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên phân tích, 20 năm trước, người dân nếu sử dụng thuốc diệt chuột có độc tính cao, khi một người ăn/uống phải sẽ có những biểu hiện gây co giật, loạn nhịp tim làm bệnh nhân nhanh chóng tử vong.

Tuy nhiên, gần đây, có nhiều loại hóa chất diệt chuột thế hệ mới. Đây là loại hóa chất khi một người ăn/uống phải có biểu hiện ngộ độc ban đầu nhẹ hơn và diễn ra âm thầm gây chảy máu, rối loạn đông máu… nên rất dễ nhầm lẫn thành nhiều bệnh mãn tính khác. Vì vậy, các cơ sở y tế cần chủ động cảnh giác phát hiện các trường hợp rối loạn đông máu, giảm yếu tố phụ thuộc vitamin K, có thể hội chẩn chuyên gia chống độc, huyết học… để dùng thuốc giải độc ngay.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên phân tích về ngộ độc thuốc diệt chuột thế hệ mới:

Thường những người ngộ độc thuốc diệt chuột thế hệ mới trong ba ngày đầu ngộ độc, bệnh nhân không có biểu hiện gì, sau đó bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện chảy máu ngoài da, mũi, răng lợi, tiêu hóa hoặc đi tiểu ra máu.

Khi được đưa tới các cơ sở y tế, các bác sĩ có thể chẩn đoán nhầm những triệu chứng của bệnh nhân với bệnh lý khác như sỏi thận, xuất huyết tiêu hóa, bệnh về máu… Chỉ khi kiểm tra tại cơ sở chuyên sâu với xét nghiệm máu có thể thấy được các chất độc có trong máu, khi đó loại trừ các bệnh không phải bệnh huyết học, tiết niệu… mà do ngộ độc thuốc diệt chuột.

Trong công tác điều trị, giải độc cho bệnh nhân, theo bác sĩ Nguyên, hiện nay có thuốc giải độc kháng vitamin K điều trị hiệu quả ngộ độc loại hóa chất này, cải thiện nhanh tình trạng ngộ độc. Tuy nhiên, hóa chất này có độc tính dài, không thể thải trừ ngay. Có bệnh nhân điều trị tiêm, uống thuốc giải độc trong vài tháng nhưng có bệnh nhân phải uống thuốc giải độc trong cả năm mới hết được chất độc trong cơ thể. Có người bệnh sau khi được điều trị cho ra viện nhưng do công việc bận rộn, không khám lại thường xuyên và không uống thuốc đều đặn khiến bệnh tái phát chảy máu ồ ạt lại vào cấp cứu, rất nguy hiểm.

Hiện nay, nhiều loại thuốc diệt chuột có hình thức giống như viên kẹo, lọ nước màu, gói bột… ai cũng mua được ở cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật. Đây là loại thuốc không cấm bán nhưng cần phải được kiểm soát chặt chẽ khi bảo quản và sử dụng. Có nhiều trường hợp đến viện điều trị không sử dụng thuốc diệt chuột, nhưng xét nghiệm trong máu có thuốc diệt chuột do thuốc ngấm vào đồ ăn, ngấm vào da.

Do vậy, bác sĩ Nguyên khuyến cáo người dân sử dụng thuốc diệt chuột phải bảo đảm an toàn, tuân thủ nguyên tắc sử dụng hóa chất như để tránh xa tầm tay của trẻ em, khóa hoặc cất kỹ tại một nơi, không để lẫn gần khu vực chế biến thức ăn và nguồn nước… bởi độc tính của nó rất cao khi sử dụng nhầm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều người xuất huyết chân răng, mũi, đường tiêu hóa... do thuốc diệt chuột

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.