Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý nợ của chính quyền địa phương

Theo baochinhphu| 10/01/2018 20:36

Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về quản lý nợ của chính quyền địa phương.

Ảnh minh họa


Bộ Tài chính cho biết, xuất phát từ thực tế quản lý nợ của chính quyền địa phương thời gian qua, đặc biệt từ khi có Luật NSNN năm 2015 có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2017, mặc dù việc quản lý nợ của chính quyền địa phương đã bảo đảm chặt chẽ hơn, rõ ràng hơn, nhưng chưa phân định rõ ràng trách nhiệm của cơ quan giúp UBND cấp tỉnh trong việc thực hiện các nhiệm vụ vay cũng như trách nhiệm trong việc bố trí các nguồn lực tài chính của địa phương để hoàn trả các khoản nợ theo đúng cam kết với các cơ quan và tổ chức cho vay trong và ngoài nước, đặc biệt là các khoản vay lại của chính quyền địa phương từ nguồn vay ngoài nước của Chính phủ.

Bên cạnh đó, quy mô nợ của chính quyền địa phương ngày càng lớn: Đến hết ngày 31-12-2017, mức dự nợ vay của các địa phương là khoảng 66.654 tỷ đồng, bằng 1,2% GDP và bằng 29,2% mức dư nợ được phép theo quy định của Luật NSNN (mức dư nợ được phép của các địa phương theo dự toán năm 2018 là 228.193 tỷ đồng); hạn mức các địa phương còn được phép vay khá lớn khoảng 162.064 tỷ đồng, bằng 2,9% GDP.

Từ lý do trên và để quản lý nợ của chính quyền địa phương chặt chẽ, hiệu quả, thì việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về quản lý nợ của chính quyền địa phương là cần thiết, đảm bảo đủ cơ sở pháp lý và đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

Theo Bộ Tài chính, dự thảo được xây dựng trên nguyên tắc cụ thể hóa Luật Quản lý nợ công, phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý nợ công. Xây dựng khuôn khổ pháp lý đồng bộ trong quản lý nợ của chính quyền địa phương nói riêng và quản lý nợ công nói chung, nhằm huy động và phát triển đa dạng các nguồn lực, phân bổ hợp lý, bảo đảm công bằng, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; ổn định và phát triển nền tài chính quốc gia, tăng trưởng kinh tế bền vững.

Đồng thời, dự thảo phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong công tác quản lý nợ của chính quyền địa phương; gắn trách nhiệm giải trình với chức năng nhiệm vụ được giao trong tất cả các khâu từ lập kế hoạch, phân bổ, quản lý, sử dụng các khoản vay nợ, bố trí nguồn lực để hoàn trả các khoản nợ theo cam kết vay.

Cùng với đó kiểm soát chặt chẽ nợ của chính quyền địa phương từ lập kế hoạch vay nợ và việc huy động các nguồn vốn vay; phân bổ, sử dụng vốn vay và bố trí nguồn lực tài chính của địa phương để hoàn trả các khoản vay; từ đó góp phần kiểm soát tốc độ gia tăng nợ công, bảo đảm an toàn, bền vững nợ và an ninh tài chính quốc gia; góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững.

Dự thảo cũng đặt mục tiêu đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện cơ chế công khai, minh bạch các khoản vay và trả nợ các khoản vay; tăng cường, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nợ của chính quyền địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý nợ của chính quyền địa phương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.