Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà băng đẩy mạnh thoái vốn sở hữu chéo

Hương Thủy| 17/10/2018 12:51

(HNMO) - Thời gian gần đây, ngân hàng thương mại liên tục thoái vốn nhằm giảm mức sở hữu chéo theo quy định, cũng có nơi thoái vốn để xóa sở hữu chéo.

Trong tháng 10-2018, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tiến hành thoái vốn tại Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBB) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Ngày 15-10, nhà băng này bán đấu giá công khai 53,4 triệu cổ phần MBB mà Vietcombank sở hữu với giá khởi điểm 19.641 đồng/cổ phần. Sau đó 1 tuần, Vietcombank sẽ tổ chức bán đấu giá 45,6 triệu cổ phiếu EIB của Eximbank do Vietcombank sở hữu với giá khởi điểm 14.497 đồng/cổ phiếu.

Đây là hai ngân hàng Vietcombank còn nắm cổ phần cao hơn 5%. Trong đó, nhà băng này nắm 150,5 triệu cổ phiếu MBB, tương đương khoảng 6,97% vốn và 101 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 8,19% vốn.

Nếu chào bán thành công 53,4 triệu cổ phiếu MBB, Vietcombank giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 5% và không còn là cổ đông lớn của MBB. Với Eximbank, nếu bán hết 45,6 triệu cổ phiếu EIB, Vietcombank chỉ còn nắm giữ 55,4 triệu cổ phiếu, cũng không còn là cổ đông lớn của Eximbank.

Thông tư 36 quy định mỗi tổ chức tín dụng không được sở hữu vốn ở quá 2 tổ chức tín dụng, mỗi nơi không được quá 5% (ảnh minh họa, nguồn: Internet)


Tuy nhiên, phiên thoái vốn tại MBB không như mong đợi khi chỉ có 10.000 cổ phần được bán thành công. Số cổ phiếu MBB còn lại sẽ được Vietcombank bán khớp lệnh trên sàn.

Trước đó, vào đầu tháng 9, Vietcombank đã thoái nốt phần sở hữu còn lại tại Ngân hàng Phương Đông (OCB) thông qua đợt chào bán gần 1,5 triệu cổ phần. Nhà băng này cũng đã thoái vốn khỏi một số tổ chức tín dụng khác như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) và Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã ký thỏa thuận với Công ty cổ phần Đầu tư Xuân Cầu chuyển nhượng toàn bộ 50% vốn sở hữu tại Công ty liên doanh Quản lý Đầu tư BIDV-Vietnam Partners cho công ty cổ phần Đầu tư Xuân Cầu.

Việc thoái vốn không chỉ diễn ra ở nhà băng đang sở hữu trên 5% vốn tại tổ chức tín dụng khác mà cả ở nhà băng sở hữu dưới mức trên.

Vào năm 2016, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã bán gần 17 triệu cổ phần, tương đương 5,48% vốn cổ phần Saigonbank, với mức giá khởi điểm là 10.800 đồng/cổ phần, giảm sở hữu tại Saigonbank xuống 4,91%. Nhưng mới đây, ngày 10-4, VietinBank công bố, Hội đồng quản trị đã nhất trí thông qua chủ trương thoái toàn bộ 15,121 triệu cổ phần, tương ứng với 4,91% vốn điều lệ Saigonbank. Giá chào bán và thời điểm đấu giá chưa được tiết lộ.

Còn nhớ, khoảng năm 2012, sở hữu chéo ngân hàng được ví như mạng nhện, đặc biệt là giữa các ngân hàng thương mại Nhà nước với ngân hàng thương mại cổ phần và giữa nhiều ngân hàng thương mại cổ phần.

Chẳng hạn, ngân hàng thương mại Nhà nước có quan hệ cổ phần với nhiều ngân hàng thương mại cổ phần, như Vietcombank với MBB, Eximbank, OCB, SaigonBank; hay sở hữu giữa các ngân hàng thương mại cổ phần, ví như Eximbank sở hữu cổ phần tại Sacombank, VietABank...

Không thể phủ nhận, việc sở hữu chéo giúp cải thiện về vốn, năng lực quản trị, ở rộng quy mô lẫn thị phần và tăng sức cạnh tranh, đặc biệt là với ngân hàng nhỏ. Tuy nhiên, sở hữu chéo cũng có thể gây nhiều rủi ro cho hệ thống, gây những hệ lụy lớn về vĩ mô, đặc biệt khi việc này bị lợi dụng để vụ phục lợi ích nhóm.

Theo Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng thương mại chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu tối đa không quá 2 tổ chức tín dụng khác (trừ trường hợp tổ chức tín dụng khác là công ty con của ngân hàng thương mại đó); ngân hàng thương mại chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu của một tổ chức tín dụng khác dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của tổ chức tín dụng khác đó.

Tại phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội hồi tháng 11-2017 về tình trạng sở hữu chéo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo và giám sát các tổ chức tín dụng đẩy nhanh xử lý sở hữu chéo qua việc chuyển nhượng, thoái vốn, mua bán, sáp nhập…

Sở hữu cổ phần và sở hữu chéo đã giải quyết cơ bản, tình trạng nhóm cổ đông thao túng ngân hàng được nhận diện, xử lý, tình trạng ngân hàng đã minh bạch hơn. Không còn các cá nhân sở hữu trên 5% vốn điều lệ tại các ngân hàng thương mại cổ phần. Số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đã giảm từ 7 cặp xuống còn 2 cặp. Số tổ chức tín dụng có cổ đông sở hữu chiếm trên 15% từ 19 tổ chức tín dụng còn 4 tổ chức tín dụng.

Việc các ngân hàng đẩy mạnh thoái vốn sở hữu chéo trong thời gian qua sẽ giúp hệ thống ngân hàng minh bạch và lành mạnh hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà băng đẩy mạnh thoái vốn sở hữu chéo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.