Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cùng dự đoán diễn biến chứng khoán năm 2019

Thanh Hương| 01/01/2019 00:40

(HNMO) - Thị trường chứng khoán trong nước vừa khép lại một năm đầy biến động. Đây là năm đầu tiên thị trường giảm sau 5 năm liên tiếp song hành với đà tăng trưởng của nền kinh tế. Vậy trong năm 2019, thị trường sẽ diễn biến ra sao?

Đầu năm vui, cuối năm buồn

Nếu như đầu năm là niềm vui đầy ắp đến với thị trường chứng khoán Việt Nam khi VN-Index liên tục tăng thì cuối năm là nỗi buồn vời vợi bởi thị trường liên tục giảm. Thời điểm quý I và đầu quý II, từ mức 995,77 điểm, VN-Index liên tiếp đi lên, lần lượt vượt mốc 1.000 điểm, rồi 1.100 điểm. Đặc biệt, vào ngày 10-4-2018, chỉ số chung lập mức đỉnh cao nhất trong lịch sử 1.211 điểm. Yếu tố chính hỗ trợ thị trường thời điểm đó là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Cổ phiếu ngành này trở lại là cổ phiếu “vua” khi tín dụng 6 tháng đầu năm tăng tốt, nhiều ngân hàng tăng vốn, kết quả kinh doanh khả quan đã giúp nhiều mã thuộc nhóm này có đà tăng mạnh. 

Tuy nhiên, sau khi lập mức lịch sử trên, thị trường chứng khoán giảm dần và rơi xuống mức đáy 888 điểm vào ngày 30-10. Phiên cuối cùng của năm, VN-Index dừng ở mức 892,54 điểm, thấp hơn gần 100 điểm so với cùng kỳ năm trước đó. Thị trường giảm dù cho nền kinh tế trong nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất 10 năm trở lại đây. Đó là bởi ảnh hưởng từ thị trường thế giới trong bối cảnh căng thẳng thương mại, xu hướng thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt.

Thị trường chứng khoán vừa trải qua 1 năm đầy biến động. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)


Như vậy, đây là năm đầu tiên thị trường chứng khoán trong nước suy giảm sau 5 năm liên tiếp song hành với đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Nhận định về thị trường trong năm 2019, một chuyên gia tài chính đưa ra 3 kịch bản. VN-Index lên trên mốc 1.000 điểm, chậm chí vượt 1.200 điểm. Tiền đề của kịch bản này là thị trường tài chính thế giới ổn định, kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục ổn định và phát triển. Kịch bản thứ hai, VN-Index xoay quanh mức 1.000 điểm. Kịch bản này diễn ra khi nền kinh tế thế giới có thể đi vào chu kỳ suy giảm nhưng vẫn ở mức tương đối ổn định, Việt Nam có thể bị tác động từ thế giới nhưng với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, Việt Nam vẫn có cơ hội phát triển. 

Với kịch bản xấu, VN-Index xuống dưới mức 900 điểm. Theo kịch bản này, nền kinh tế toàn cầu có thể suy giảm do chiến tranh thương mại, biến động chính trị trên thế giới. Do đó, nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán trong nước bị tác động mạnh. Kịch bản này cũng chỉ xảy ra khi GDP của Việt Nam tăng trưởng dưới mức 6,7%, lạm phạm gia tăng, xuất siêu giảm. Tuy nhiên, chuyên gia này kỳ vọng kịch bản thứ 3 không diễn ra.

Thận trọng chứ không bi quan

Trong khi đó, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chiến lược thị trường khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) nhìn nhận, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, thị trường chứng khoán trong nước có không ít yếu tố bất lợi trong năm 2019. Chẳng hạn, yếu tố bất lợi bên ngoài là việc chính sách tiền tệ thắt chặt tiếp tục được thực hiện khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất 2 lần; chiến tranh thương mại vẫn tương đối phức tạp; trong nước, giảm lãi suất cho vay là không thể, thậm chí nhiều khả năng lãi suất sẽ tăng, tức chính sách tiền tệ cũng bắt đầu theo hướng thắt chặt.


Yếu tố tích cực là nội tại nền kinh tế ổn định, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khả quan; việc thoái vốn của doanh nghiệp lớn sẽ tạo thêm nguồn cung hàng chất lượng cho thị trường; khả năng nâng hạng của thị trường trong năm 2019. Cũng cần nói thêm, vừa qua Tổ chức tính toán chỉ số chứng khoán toàn cầu (FTSE) đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng. Vì vậy, Việt Nam có thể được nâng hạng trong năm 2019. Việc lọt vào danh sách này cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt đến tiêu chuẩn quốc tế. 

“Hy vọng những yếu tố nội tại tích cực này sẽ giúp thị trường chống chọi được với những biến động trên thị trường quốc tế”, ông Huy nói. 

Giám đốc Chiến lược thị trường khối khách hàng cá nhân HSC dự báo, thị trường có thể sẽ đi ngang, VN-Index biến động trong khoảng 800-1.000 điểm.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, năm 2019 thị trường sẽ biến động trong vùng 850-1.100 điểm.

Chuyên gia này chia sẻ, tình hình kinh tế vĩ mô trong nước năm 2019 vẫn ổn định nhưng một số yếu tố bên ngoài như chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc lớn trên thế, Brexit, Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất sẽ còn tác động đến thị trường chứng khoán thế giới. Vì thế, “tôi có cái nhìn khá thận trọng về thị trường trong năm 2019 nhưng thận trọng chứ không bi quan, tức đà tăng của thị trường không quá mạnh như hồi đầu năm 2018 nhưng cũng không giảm kéo dài hoặc giảm quá sâu”, ông Nguyễn Thế Minh nói.

Cũng có cái nhìn gần như tương tự, tại báo cáo chiến lược đầu tư năm 2019 với tiêu đề “Cẩn trọng nhưng đừng bi quan!”, Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa quan điểm, 2019 không phải là một năm dễ dàng cho chứng khoán toàn cầu. Trong bối cảnh đó, rất khó để Việt Nam đi ngược xu hướng và nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng nhưng cũng không nên quá bi quan.

Theo VDSC, chính sách thắt chặt tiền tệ diễn ra trên toàn cầu không phải là điều tích cực đối với thị trường chứng khoán. Tâm lý sợ rủi ro đã khiến nhà đầu tư rút vốn khỏi các thị trường mới nổi về những thị trường phát triển. Dù vậy, quá trình rút vốn ồ ạt khỏi chứng khoán, đặc biệt là từ các thị trường mới nổi đã diễn ra trong năm 2018. Thông báo gần đây từ Fed có thể cho thấy, lãi suất sẽ khó tăng mạnh. Điều này có thể giúp cải thiện tâm lý của thị trường. Dòng vốn có thể trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng sẽ cần thời gian để các nhà đầu tư hồi phục sau một năm “bão tố”.

Công ty này dự báo, chỉ số chung sẽ chỉ dao động quanh ngưỡng 900-1.000 điểm. Cùng với dự báo trên, đại diện VDSC cho rằng, vẫn có những cơ hội riêng biệt trong thị trường ảm đạm. Lựa chọn cổ phiếu là điều quan trọng nhất trong 2019. 

“Một cổ phiếu tốt sẽ có khả năng chống chịu được phần nào cú giảm sốc của thị trường khi dòng tiền nóng rút đi”, đại diện VDSC nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cùng dự đoán diễn biến chứng khoán năm 2019

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.