Theo dõi Báo Hànộimới trên

10 sự kiện nổi bật ngành Tài chính năm 2018

T.Hương| 10/01/2019 09:22

(HNMO) - Ngày 10-1, Bộ Tài chính công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành Tài chính năm 2018; trong đó, ngành Tài chính hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước; thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả...


Thu ngân sách nhà nước năm 2018 ước vượt 7,8% dự toán. (ảnh minh họa, nguồn: Internet)


Trong 10 sự kiện, liên quan đến công tác quản lý, được đánh giá cao là việc Bộ Tài chính đã tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính. Bộ trình Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và triển khai xây dựng Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) theo kế hoạch để Quốc hội cho ý kiến và dự kiến thông qua vào năm 2019; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 2 Nghị quyết về chính sách tài chính; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 48 Đề án; ban hành theo thẩm quyền 130 Thông tư.

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Luật Quản lý nợ công do Bộ Tài chính chủ trì xây dựng đã được hướng dẫn và triển khai kịp thời ngay sau khi có hiệu lực thi hành.

Các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính được xây dựng, ban hành kịp thời, góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2018 lên mức 7,08%, mức cao nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007; tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công.

Từ việc hoàn thiện thể chế chính sách tài chính, hai tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín trên thế giới là Fitch và Moody’s đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên 1 bậc, qua đó cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, ngành Tài chính hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018. Tính đến hết ngày 31-12-2018, thu NSNN ước vượt 7,8% dự toán, đạt tỷ lệ động viên so GDP khoảng 25,7%, trong đó thuế, phí đạt trên 21,1%; cả thu ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đều vượt dự toán; nhờ đó đảm bảo các nhiệm vụ chi và có thêm nguồn để xử lý các nhu cầu quan trọng, cấp thiết phát sinh.

Công tác quản lý, điều hành chi NSNN bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính. Bội chi NSNN được giữ trong phạm vi Quốc hội quyết định; quản lý nợ công diễn biến tích cực, tiếp tục tái cơ cấu nợ công theo hướng kéo dài thời hạn, giảm chi phí vay, an ninh tài chính quốc gia được đảm bảo.

Năm 2018, Quốc hội đã đề ra mục tiêu giữ lạm phát (CPI) bình quân ở mức khoảng 4%. Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành bám sát tín hiệu thị trường, phối hợp một cách linh hoạt, hiệu quả để chủ động có các phương án điều hành giá phù hợp, kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá trong những lúc mặt bằng giá có các biến động bất thường.

Công tác quản lý, điều hành giá bảo đảm tính công khai, minh bạch, chú trọng và đẩy mạnh công tác tổng hợp, phân tích dự báo giá cả thị trường, làm cơ sở cho việc dự báo diễn biến CPI cụ thể, chi tiết, qua đó xây dựng kịch bản điều hành giá phù hợp sát với diễn biến thực tế trong từng thời điểm, từng thời kỳ.

Kết quả, lạm phát năm 2018 ở mức bình quân cả năm là 3,54%, đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra và cung cầu hàng hóa trên thị trường được đảm bảo. Vì vậy, sự chủ động trong công tác quản lý, bình ổn giá cả thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát cũng là điểm sáng của ngành.

Việc thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy ngành Tài chính tinh gọn, hiệu quả cũng là điểm đáng chú ý. Năm 2018, Bộ Tài chính đã thực hiện cắt giảm 536 đầu mối; tinh giản được 601 biên chế, đạt 112% kế hoạch tinh giản biên chế theo Đề án (538 biên chế); cắt giảm 20% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2017.

Cùng với đó, Bộ Tài chính đã thực hiện cắt giảm 3.488 chỉ tiêu biên chế (gần 4,7%) so với biên chế được giao năm 2015...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
10 sự kiện nổi bật ngành Tài chính năm 2018

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.