Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Xanh hóa” dòng vốn đầu tư

Đức Anh| 21/09/2019 07:35

(HNM) - “Xanh hóa” dòng vốn đầu tư, định hướng nguồn lực tài chính vào các lĩnh vực xanh, ngành Ngân hàng đang góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường. Với việc đưa ra nhiều chương trình cho vay, thủ tục vay đơn giản, các ngân hàng thương mại là kênh dẫn vốn cho các dự án xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.

Dư nợ "tín dụng xanh" hơn 300 nghìn tỷ đồng

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tính đến nay, dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh đã đạt hơn 300 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 30% so với năm 2018, trong đó, dư nợ trung dài hạn chiếm 76%.

Dư nợ tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh, chiếm 46%; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm 15%; quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn chiếm 11%; lâm nghiệp bền vững chiếm 5%...

Các ngân hàng ưu tiên cho vay dự án “tín dụng xanh”. Ảnh: Chí Cường

Chuyên gia tài chính - ngân hàng, Tiến sĩ Bùi Quang Tín cho rằng: "Tín dụng xanh đem lại những lợi ích rất lớn cả về tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân cũng như bảo vệ môi trường và đang được nhiều nước trên thế giới quan tâm. Trong đó, ngành Ngân hàng có vai trò là trung gian tài chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đóng góp quan trọng vào việc phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước".

Hiện nay, một số ngân hàng cổ phần cơ bản đã hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội với sự hỗ trợ từ Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) như Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank)...

Về phía các ngân hàng thương mại, không chỉ tập trung dòng vốn cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các ngân hàng đã có những chiến lược thúc đẩy tín dụng xanh. Ông Tiết Văn Thành, Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho biết, Agribank đã tham gia vào nhiều dự án có liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường do Ngân hàng Thế giới và các tổ chức tài chính tài trợ như: Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; quản lý rủi ro thiên tai; hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp; cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng Đồng bằng sông Hồng; điện gió…

Hay như Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) đã ký kết hợp đồng dài hạn khoản vay tín dụng xanh trị giá 20 triệu USD trong vòng 3 năm từ Quỹ Hợp tác khí hậu toàn cầu - The Global Climate Partnership Fund (GCPF). Việc ký kết hợp tác sẽ mở thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hấp dẫn cho các dự án, phương án sản xuất - kinh doanh có yếu tố tiết kiệm năng lượng, giảm thải CO2 và thân thiện với môi trường, xã hội.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank khẳng định: “Cho vay những dự án xanh không chỉ ít rủi ro hơn so với các khoản vay tín dụng thông thường, mà còn mang lại nhiều lợi ích hơn vì mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Tất nhiên, khi cho vay, ngân hàng vẫn phải lựa chọn khoản vay, khách hàng nhằm bảo đảm tuân thủ những điều kiện và tiêu chuẩn đáp ứng tín dụng xanh”.

Khuyến khích xây dựng chiến lược xanh

Tuy nhiên, việc triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động tín dụng - ngân hàng xanh góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường hiện nay còn gặp một số khó khăn.

Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Nguyễn Quốc Hùng cũng cho rằng, việc đầu tư vào các ngành, lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng tại Việt Nam đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro cao, nên rất cần các ưu đãi về thời hạn và chi phí vốn vay. Trong khi nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng thường là ngắn hạn, huy động theo chi phí vốn thương mại trên thị trường. Do đó, để có thể cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực xanh, các tổ chức tín dụng cần được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi hoặc có cơ chế chia sẻ lãi suất cho vay.

Hơn nữa, phát triển các ngành kinh tế xanh đòi hỏi đồng bộ các giải pháp, cơ chế từ chính sách thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển của từng ngành, lĩnh vực. Trên cơ sở đó mới thu hút và phát huy được tác dụng của nguồn vốn tín dụng xanh.

Còn theo ông Tiết Văn Thành, trong bối cảnh tín dụng bất động sản có chiều hướng giảm, các ngân hàng đang mở rộng diện tài trợ vốn sang lĩnh vực xanh, công nghệ cao và năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa được như kỳ vọng vì việc đầu tư vốn vào lĩnh vực xanh đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn; rủi ro cao nên tiềm ẩn về nợ xấu.

Ngoài ra, vấn đề phức tạp về kỹ thuật thẩm định cũng là trở ngại rất lớn, dẫn đến tín dụng xanh vẫn còn hạn chế. Để khuyến khích phát triển tín dụng xanh, Ngân hàng Nhà nước không nên tính nguồn vốn cho vay dự án xanh, sạch vào tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, ưu đãi tái cấp vốn, tái chiết khấu. Ngân hàng Nhà nước cũng có thể xem xét tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với phần nguồn vốn ngân hàng huy động để cho vay dự án tín dụng xanh.

Về kế hoạch trong thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định: "Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực thi các chính sách tín dụng nhằm thúc đẩy hoạt động của ngành Ngân hàng hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh. Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng xây dựng chiến lược phát triển ngân hàng xanh, ban hành độc lập hoặc lồng ghép trong chiến lược, kế hoạch phát triển hoạt động kinh doanh hằng năm".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Xanh hóa” dòng vốn đầu tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.