Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thanh toán không dùng tiền mặt đang phát triển mạnh

Hà Linh| 07/10/2019 13:02

(HNM) - Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, hiện có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động (mobile payment), với số lượng giao dịch lên đến vài trăm triệu tỷ đồng chỉ tính riêng trong 9 tháng của năm 2019. Số liệu này cho thấy, thanh toán không dùng tiền mặt đang phát triển mạnh ở nước ta.

Khối lượng thanh toán liên tục tăng

Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến nay, số lượng giao dịch tài chính qua kênh internet đạt hơn 200 triệu giao dịch, giá trị hơn 10 triệu tỷ đồng (tăng 51,8% so với cùng kỳ năm 2018). Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán nội địa của thẻ ngân hàng tiếp tục tăng; nhiều tính năng, tiện ích đã được tích hợp vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, các ngân hàng cũng không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, độ an toàn, bảo mật trong thanh toán thẻ. Thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng có nhiều chuyển biến tích cực.

Thanh toán QR Code được đánh giá cao bởi sự nhanh chóng, thuận tiện, an toàn. Ảnh: Hải Anh

Nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ thanh toán, thúc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1-10, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã điều chỉnh giảm phí dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử cho các giao dịch qua ATM (máy rút tiền tự động) và giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7. 

Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng Giám đốc NAPAS cho biết, tổng số lượng giao dịch thực hiện qua hệ thống NAPAS liên tục tăng mạnh trong hai năm trở lại đây. Điều này cho thấy hệ thống chuyển mạch các giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng 24/7 của NAPAS đã, đang hỗ trợ hiệu quả cho các ngân hàng giảm tải việc cung ứng tiền mặt tại hệ thống ATM, phát huy vai trò của một hệ thống thanh toán quan trọng trong nền kinh tế, góp phần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), cùng với việc cung cấp dịch vụ trả lương qua tài khoản, ngân hàng đã từng bước xây dựng và hiện đại hóa các hệ thống thanh toán, tạo lập hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thanh toán tiên tiến, tạo sự chuyển biến tích cực với việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt... Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt cũng đã phục vụ và đáp ứng được việc thu ngân sách nhà nước của Kho bạc Nhà nước...

Nhiều lợi ích, giảm rủi ro

Thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều thuận lợi cho người dân, bởi thay vì phải mang theo ví với nhiều tiền mặt tiềm ẩn rủi ro, người dân chỉ cần mang theo thẻ. Thậm chí, chỉ cần có điện thoại thông minh là có thể thanh toán. Chẳng hạn, gần đây, khá nhiều cửa hàng, siêu thị… ưu đãi lớn cho khách hàng sử dụng QR Code (mã phản ứng nhanh). Với dịch vụ này, khách hàng chỉ cần quét mã QR bằng camera trên điện thoại di động và nhập số tiền thanh toán là giao dịch được hoàn tất. Hệ thống sẽ tự động trừ tiền trong tài khoản ngân hàng của khách hàng. 

Anh Nguyễn Duy Phương (phường Mộ Lao, quận Hà Đông) cho biết: "Tôi đã thử thanh toán bằng QR Code và thấy khá tiện lợi. Nếu tất cả cửa hàng, đơn vị cung cấp dịch vụ đều chấp nhận thanh toán bằng hình thức này sẽ giảm được thanh toán dùng tiền mặt, người dùng không còn phải mang theo ví hay thẻ thanh toán". 

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu chi nhánh các tỉnh, thành phố triển khai các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên lĩnh vực y tế, giáo dục. Đặc biệt, các trường học, bệnh viện... sẽ lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ, thanh toán ứng dụng QR, cho phép phụ huynh, người bệnh... sử dụng thiết bị di động, thẻ ngân hàng để thanh toán, tương tự như việc mua hàng trong siêu thị.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh khẳng định, vai trò quan trọng của việc thanh toán không dùng tiền mặt đã được nêu trong các nghị quyết của Chính phủ. Trong năm 2019, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho ngành Ngân hàng phải tập trung đẩy mạnh thanh toán điện tử và dịch vụ công cấp độ 4. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Việc không dùng tiền mặt sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, tiện ích cho người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy minh bạch, công khai; phòng chống tham nhũng; chống rửa tiền, chống tội phạm kinh tế; hiệu quả hoạt động của ngân hàng tăng lên, thực hiện hiệu quả chiến lược tài chính toàn diện trên mọi vùng miền, với mọi người dân; thúc đẩy sản xuất, dịch vụ...

Đối với các ngân hàng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: “Ngân hàng sẽ không bị giảm doanh thu, mà sẽ tập trung phát triển mảng phi tín dụng, huy động được nhiều hơn vốn khả dụng để tăng doanh thu. Có ngân hàng gần như 100% doanh thu là từ hoạt động tín dụng, còn thu lợi từ phi tín dụng rất kém. Như Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), tỷ trọng thu từ phi tín dụng cao nhất trong hệ thống, hiện nay cũng giảm còn 37%. Thanh toán không dùng tiền mặt tốt cũng thúc đẩy các dịch vụ của ngân hàng phát triển tốt hơn, ngân hàng sẽ "đi" bằng nhiều chân”. 

Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan trong thanh toán không dùng tiền mặt khi tốc độ tăng trưởng về giá trị vừa qua đạt 160%, nhưng cũng mới chỉ là bước đầu. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, việc thiết kế cơ chế, chính sách phù hợp, xây dựng và triển khai các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đồng bộ hướng tới xã hội không tiền mặt là vấn đề vừa có tính cấp bách, vừa có ý nghĩa lâu dài trong bối cảnh mới. Bởi vậy, các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt nhằm đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thanh toán không dùng tiền mặt đang phát triển mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.