Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đa số ý kiến nhất trí đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng

Bảo Hân| 21/10/2019 15:03

(HNMO) - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu, đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí với đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Ảnh: TTXVN

Chiều 21-10, tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương (NSTƯ) năm 2020.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2019, bội chi NSNN ước bằng 3,4% GDP; nợ công bằng 56,1% GDP, nợ chính phủ bằng 49,2% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia bằng 45,8% GDP, đều giảm so với dự toán; bội chi ngân sách địa phương giảm so với dự toán Quốc hội quyết định (giảm 12.500 tỷ đồng). 

Trong thời kỳ ổn định ngân sách, 16 tỉnh, thành phố đã tự cân đối ngân sách và có điều tiết về NSTƯ đều có bước phát triển ổn định, một số địa phương khác cũng có số thu tăng cao, có thể phấn đấu cân đối được ngân sách trong thời kỳ ổn định tiếp theo.

Tại báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày sau đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2019 đã đề ra. 

Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu, mặc dù ước thu NSNN năm 2019 là năm thứ tư vượt dự toán, nhưng còn chưa chắc chắn. Thu nội địa chỉ tăng 1,9% so với dự toán. Số thu NSNN thực chất từ nội lực nền kinh tế tăng còn thấp. Năm 2019, nhiều địa phương ước thu thấp, không đạt dự toán được giao. 

Về chi NSNN năm 2019, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, mặc dù Chính phủ đã nỗ lực để giảm chi thường xuyên, chú trọng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… nhưng về cơ bản, những tồn tại trong chi thường xuyên đã được Quốc hội đề cập trong những năm gần đây vẫn chưa được khắc phục triệt để. 

Vẫn có tình trạng mua sắm, sử dụng tài sản công chưa đúng quy định của pháp luật; nhiều lễ hội, hội nghị, kỷ niệm ngày thành lập, tái thành lập, lễ khởi công, khánh thành có tính chất hình thức, gây lãng phí ngân sách, chưa thực sự tiết kiệm.

Trong chi đầu tư phát triển, tình trạng chậm giao vốn, giao nhiều đợt và chậm điều chỉnh vốn đầu tư phát triển, trong đó có vốn ODA, vẫn chưa được khắc phục. Vốn đầu tư phát triển tiếp tục giải ngân chậm. 

Góp ý kiến về xây dựng dự toán NSNN năm 2020, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản đồng ý với đề xuất của Chính phủ xây dựng tổng dự toán thu NSNN tăng 3,8% so với ước thực hiện năm 2019. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục theo dõi sát tình hình, đánh giá tác động các khoản tăng thu và giảm thu NSNN trong năm 2020 để phấn đấu tăng thu ở mức cao hơn (khoảng 4-4,5%), tập trung các biện pháp để phấn đấu thu NSNN cao hơn so với mục tiêu đề ra của cả giai đoạn.

Trong chi thường xuyên năm 2020, Chính phủ đã lập dự toán chi thường xuyên chiếm 60,5% tổng chi NSNN, giảm dần qua các năm. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đồng ý với đề xuất này, tuy nhiên, đề nghị đẩy mạnh hơn việc thực hiện cơ chế tự chủ để giảm chi thường xuyên, quyết liệt việc tinh giản biên chế, tiến tới trình Quốc hội quyết định tổng mức biên chế của Nhà nước trong năm dự toán; đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính trong quản lý chi tiêu.

Về chi cải cách tiền lương, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng. Một số ý kiến cho rằng, cần cân nhắc việc tăng lương vì có thể làm cho chi NSNN mang tính chất chi tiêu dùng nhiều hơn cho chi đầu tư phát triển khi sẽ phải dùng 50% nguồn tăng thu so với dự toán của ngân sách địa phương và 40% tăng thu của NSTƯ cho cải cách tiền lương.

Một số ý kiến đề nghị tăng phụ cấp công vụ, vì từ năm 2012 đến nay vẫn giữ nguyên là 25%; đề nghị dành một phần nguồn lực để tăng lương cho các đối tượng hưởng lương hưu trước năm 1993, vì mức thu nhập của các đối tượng này khá thấp so với mặt bằng chung của xã hội.

Về nợ công, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, đến hết năm 2020, dự kiến mức dư nợ công là 54,3% GDP, nợ Chính phủ là 48,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia là 45,5% GDP.

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ báo cáo rõ Quốc hội tại kỳ họp này về tất cả các khoản nợ của NSNN như nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ vốn ứng trước, nợ nguồn thanh toán của NSNN; đồng thời lưu ý về rủi ro thanh khoản, kỳ hạn trái phiếu, lãi suất huy động và vấn đề đảo nợ… để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Đề nghị phê bình nghiêm túc 11 tỉnh, thành không thực hiệm nghiêm Luật Bảo hiểm y tế

Chiều 21-10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội tờ trình về việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ Khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, theo báo cáo quyết toán quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2015 có 38 tỉnh, thành phố và Bộ Quốc phòng có kết dư quỹ khám chữa bệnh với tổng số là 5.838 tỷ đồng; phần 20% để lại cho địa phương sử dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 35 Luật BHYT là 1.167 tỷ đồng. 

Sau khi báo cáo quyết toán quỹ BHYT năm 2015 được Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông qua, ngày 29-12-2016, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có các văn bản thông báo 20% số kinh phí dành cho khám chữa bệnh chưa sử dụng hết năm 2015 gửi cho từng địa phương.

“Về việc sử dụng và thanh toán số tiền này, hiện có tới hơn 518 tỷ đồng chưa được 11 tỉnh, thành phố hoàn tất thanh toán theo quy định”, báo cáo của Chính phủ nêu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, nguyên nhân do năm 2017 là năm đầu tiên các địa phương có kết dư Quỹ Khám, chữa bệnh BHYT được sử dụng 20% để hỗ trợ Quỹ Khám, chữa bệnh cho người nghèo, hỗ trợ mức đóng BHYT cho một số đối tượng, mua trang thiết bị y tế và phương tiện vận chuyển người bệnh theo quy định của Luật BHYT nên việc tổ chức thực hiện gặp nhiều lúng túng.

Trên cơ sở đề nghị của các địa phương, Chính phủ trình Quốc hội cho phép 11 tỉnh, thành phố được kéo dài thời gian thanh toán các khoản mua trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển người bệnh từ nguồn 20% kinh phí kết dư Quỹ Khám, chữa bệnh BHYT năm 2015 đến hết ngày 30-6-2020 với tổng số tiền là 518,389 tỷ đồng. Sau thời điểm này, phần kinh phí chưa sử dụng hết được hạch toán vào quỹ dự phòng để điều tiết chung theo quy định của Luật BHYT.

Tại báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu, việc Chính phủ trình cho phép 11 tỉnh, thành phố được kéo dài thời gian thanh toán từ nguồn 20% kết dư Quỹ Khám, chữa bệnh BHYT vượt quy định về thời hạn sử dụng kinh phí kết dư Quỹ Khám, chữa bệnh BHYT, do đó, phải trình Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Ủy ban cũng cho rằng, đến nay, Chính phủ mới báo cáo vấn đề này là quá chậm so với quy định; đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan và địa phương có liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm về ý thức chấp hành pháp luật.

Về số tiền 518,389 tỷ đồng chưa thanh toán, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, một số địa phương trên là các tỉnh khó khăn và một số thành phố lớn có nhu cầu cao về trang, thiết bị y tế.

Vì vậy, Ủy ban đồng ý với đề nghị của Chính phủ cho phép kéo dài thời hạn thanh toán đến hết ngày 30-6-2020 và Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, địa phương có liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc sử dụng Quỹ Khám, chữa bệnh BHYT bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. 

Ủy ban Tài chính Ngân sách giao Chính phủ tổ chức thực hiện và phê bình nghiêm túc 11 địa phương về ý thức chấp hành pháp luật trong việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ Khám, chữa bệnh BHYT năm 2015 theo quy định của Luật BHYT.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đa số ý kiến nhất trí đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.