Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hạ trần lãi suất: Doanh nghiệp mừng, ngân hàng có lo?

Hà Linh| 29/11/2019 08:30

(HNM) - Trần lãi suất đã được điều chỉnh giảm khá mạnh trong bối cảnh nhu cầu vay vốn ngày càng tăng cao vào dịp cuối năm theo hiệu lệnh từ Ngân hàng Nhà nước. Việc điều chỉnh một số loại lãi suất điều hành tiếp tục “nóng” trên các diễn đàn, bởi đây được coi là một động thái nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng lại khiến không ít ngân hàng lo lắng vì có thể ảnh hưởng đến chỉ tiêu lợi nhuận trong năm 2019.

Ý nghĩa lớn với doanh nghiệp

Việc Ngân hàng Nhà nước quyết định hạ trần lãi suất cho vay thời điểm này trong một số lĩnh vực được coi là tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường. Và mức 0,5%/năm được coi là khá lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế thời điểm cuối năm.

Trần lãi suất đã được điều chỉnh giảm khá mạnh trong bối cảnh nhu cầu vay vốn ngày càng tăng cao vào dịp cuối năm

Bà Đỗ Thanh Tú, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Giáo dục Ecole de Art cho biết: "Công ty mới được thành lập nên nhu cầu vay vốn của chúng tôi khá lớn. Trong khi chúng tôi đang loay hoay với bài toán chi phí dành cho lãi suất, việc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất mang đến cơ hội cho công ty chúng tôi. Tôi nghĩ, nhiều doanh nghiệp khác cũng vui mừng với quyết định này, cho thấy Chính phủ luôn “sát cánh”, hỗ trợ doanh nghiệp".

Trần lãi suất hạ mang đến cơ hội cho khối doanh nghiệp vay vốn, nhưng cũng khiến nhiều người lo ngại cho gánh nặng của các ngân hàng. Theo ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu vĩ mô của Công ty Chứng khoán MBS, việc giảm trần lãi suất sẽ ảnh hưởng phân hóa đối với nhóm ngân hàng. Các ngân hàng lớn vẫn đang có mức lãi suất huy động khá thấp, áp lực từ việc áp mức trần mới không nhiều. Một số ngân hàng nhỏ sẽ chịu áp lực cao hơn do dùng tiền huy động với lãi suất huy động cao trước đây cho vay với lãi suất thấp hơn làm biên lợi nhuận sụt giảm. Các ngân hàng thương mại lớn đều đang có nguồn vốn huy động dồi dào nhưng vẫn cần duy trì lãi suất huy động ở mức cao vừa phải để giữ chân khách hàng gửi tiền, đồng thời vẫn có thể cạnh tranh với các ngân hàng nhỏ hơn. Vì thế, việc Ngân hàng Nhà nước hạ trần lãi suất tiền gửi tạo điều kiện cho các ngân hàng lớn hạ lãi suất cho vay mà không ảnh hưởng đến biên lợi nhuận.

Dưới góc độ ngân hàng, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, việc giảm lãi suất tác động trực tiếp tới trên 320 nghìn tỷ đồng dư nợ của Vietcombank và lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm 260-300 tỷ đồng trong 2 tháng cuối năm. Tuy nhiên, trước đó, lãi suất huy động của Vietcombank cũng đã được điều chỉnh giảm 0,2%/năm theo xu hướng của thị trường. Việc lãi suất huy động điều chỉnh giảm cũng sẽ tác động giúp lợi nhuận của Vietcombank tăng khoảng 160 tỷ đồng. Do vậy tác động của việc giảm lãi suất cho vay đến lợi nhuận của ngân hàng trong quý IV được đánh giá là không đáng kể.

Ngân hàng tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp

Tuy nhiên, điều mà doanh nghiệp mong chờ không chỉ là việc các ngân hàng thương mại giảm lãi suất đối với các khoản vay ngắn hạn, mà cần những khoản vay ưu đãi dài hạn hơn. Ông Nguyễn Xuân Đức, Giám đốc Công ty Eliss (Hà Nội) cho rằng, doanh nghiệp đều trông đợi lãi suất ưu đãi được áp dụng dài hơi hơn để doanh nghiệp không phải lo ứng phó với sự biến động của lãi suất. Hiện nay, lãi suất ưu đãi chỉ áp dụng cho thời gian ngắn hạn, còn sau đó lãi suất áp dụng theo lãi suất thị trường, thường là lãi suất huy động kỳ hạn dài nhất cộng với biên độ khoảng 4%/năm, gây áp lực lớn cho doanh nghiệp.

Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành khẳng định, ngân hàng này phấn đấu đến năm 2020 giảm mặt bằng lãi suất tiền vay 0,5% nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Động thái này của ngân hàng sẽ giúp các doanh nghiệp có nhiều lựa chọn hơn trong việc vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiện tại, dư địa tín dụng của ngân hàng từ nay đến cuối năm còn 5%.

Đại diện cho khối doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, dòng tiền rất quan trọng, được ví như mạch máu trong cơ thể. Đặc biệt vừa qua, ngành Ngân hàng đã thực hiện rất tốt việc điều hành chính sách tiền tệ, nên đã giúp lãi suất và tỷ giá được ổn định, dòng vốn được lưu thông thông suốt. Điều này đã giúp cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng lợi rất nhiều bởi nhờ các điều kiện đầu vào này ổn định.

Về phía cơ quan chức năng, từ nay đến cuối năm, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp. Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, trong những tháng cuối năm 2019, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành nghiệp vụ thị trường mở, điều tiết thanh khoản của tổ chức tín dụng ở mức hợp lý để ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ. Điều hành dự trữ bắt buộc đồng bộ với công cụ chính sách tiền tệ khác, phù hợp với diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ. Đồng thời, kết hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, can thiệp thị trường linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý và củng cố dự trữ ngoại hối nhà nước khi có điều kiện thuận lợi.

Cùng với đó, việc điều hành tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung phân bổ nguồn vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hạ trần lãi suất: Doanh nghiệp mừng, ngân hàng có lo?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.