Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoàn thiện căn cứ pháp lý cho Mobile Money để thúc đẩy thanh toán điện tử

Hà Linh| 17/06/2020 08:30

(HNMO) - Mobile Money (dịch vụ tiền điện tử trên thuê bao di động, gọi tắt là tiền di động) đang được Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước đề xuất, hoàn thiện căn cứ pháp lý để sớm triển khai ở Việt Nam.

Khi Mobile Money được cấp phép, người dân sẽ không phải mang theo ví khi mua sắm hàng hoá nhỏ.

Mobile Money không phải ví điện tử

Trước hết cần phải phân biệt, Mobile Money không phải là ví điện tử, bởi chức năng sử dụng của Mobile Money hoàn toàn khác. Thay vì phải kết nối với ngân hàng, người dân có thể sử dụng chính tài khoản di động của mình để thực hiện thanh toán hoặc chuyển khoản. Việt Nam hiện chưa có dịch vụ này, song với nhiều quốc gia trên thế giới, Mobile Money không còn xa lạ. Hiện, dịch vụ này đã có mặt tại hơn 90 quốc gia với gần 870 triệu tài khoản đăng ký, 272 ứng dụng, doanh số giao dịch bình quân mỗi ngày 1,3 tỷ USD. 

Bản chất của dịch vụ Mobile Money là chuyển đổi hình thức của tiền mặt sang tiền điện tử theo tỷ lệ 1:1. Mobile Money được định nghĩa là các dịch vụ kết nối khách hàng về mặt tài chính thông qua mạng di động. Đây cũng được coi là dịch vụ dành cho những người nghèo không có tài khoản ngân hàng để giúp họ có thể tiếp cận với những dịch vụ tài chính cơ bản. Với Mobile Money, bất kỳ người nào có điện thoại di động đều có thể chuyển tiền mặt, thanh toán hóa đơn và chuyển khoản mà không cần có tài khoản ngân hàng. 

Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng khẳng định, khi Mobile Money được cấp phép, khách hàng sẽ tự quyết định việc có mở và sử dụng tài khoản Mobile Money hay không. Bản chất của Mobile Money là sử dụng thông tin thuê bao di động được định danh để mở tài khoản di động nên không lo về sim rác.

Lợi ích lớn 

Theo ông Phạm Tiến Dũng, một trong những trăn trở nếu triển khai Mobile Money là Việt Nam chưa hình thành khuôn khổ pháp lý đối với loại hình dịch vụ này.

Ngân hàng Nhà nước đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về dự thảo việc triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). Cùng với việc hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo về Mobile Money, Ngân hàng Nhà nước cũng đang chuẩn bị trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế các Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt (tháng 6-2020).

Theo Nghị quyết 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư vừa được ban hành ngày 29-5-2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cấp phép thí điểm phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (tiền di động - Mobile Money).

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dịch vụ Mobile Money mặc dù chậm, song dự kiến trong tháng này, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông. Bộ trưởng cũng đề nghị các doanh nghiệp chuẩn bị kỹ đề án cũng như cơ sở vật chất để triển khai nhanh khi có giấy phép. 

Về phía các nhà mạng như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), Tổng công ty Viễn thông MobiFone đều đang chờ được cấp phép thí điểm triển khai Mobile Money.

VNPT và Viettel đều đã được cấp giấy phép trung gian thanh toán. MobiFone cũng đã nộp hồ sơ mong muốn được triển khai thử nghiệm Mobile Money. Dự kiến, các tài khoản sử dụng Mobile Money với hạn mức tối đa 10 triệu đồng/tháng.

Thực tế, Mobile Money cũng tiềm ẩn rủi ro, vì các giao dịch được thực hiện trực tiếp giữa người dùng, không qua ngân hàng. Hơn nữa, nếu tài khoản tiền di động chỉ được định danh qua số thuê bao khách hàng tại công ty viễn thông, trong khi tình trạng sim rác vẫn tồn tại, sẽ khiến loại hình này có thể trở thành kênh rửa tiền khi không được quản lý chặt chẽ. 

Thế nhưng, nếu xây dựng được một hành lang pháp lý chặt chẽ, lợi ích của việc cho phép sử dụng Mobile Money sẽ không nhỏ. Bởi, vùng phủ dịch vụ thanh toán này sẽ nhanh chóng đến 100% người dân, qua đó sẽ thúc đẩy thương mại điện tử, các sàn giao dịch hàng hóa nông nghiệp, nhất là vùng sâu, vùng xa, đồng thời thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, các công ty đổi mới sáng tạo, giúp tăng trưởng kinh tế.

Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền thông (VNPT-Media) cho biết: “VNPT sẽ phủ dịch vụ Mobile Money tới 100.000 điểm bán của tổng công ty, tiến tới thương mại điện tử và merchant (tổ chức sử dụng phương thức thanh toán trực tuyến để bán hàng hóa và dịch vụ)”...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện căn cứ pháp lý cho Mobile Money để thúc đẩy thanh toán điện tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.