Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt quản lý thuế với thương mại điện tử: Tăng thu cho ngân sách

Thanh Hương| 14/07/2020 06:17

(HNM) - Với xu hướng phát triển của kinh tế số, nhiều mô hình, hoạt động kinh doanh được thực hiện trên nền tảng thương mại điện tử. Tuy nhiên, quản lý thuế đối với đối tượng này gặp không ít khó khăn bởi đây là loại hình kinh doanh khá mới tại Việt Nam. Cục Thuế Hà Nội đang thực hiện nhiều giải pháp siết chặt quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử nhằm tăng thu cho ngân sách.

Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh thương mại điện tử ngày càng phổ biến, cần có giải pháp tăng hiệu quả quản lý về thuế, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ảnh: Việt Anh

Khó khăn khi thu thuế thương mại điện tử

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, năm 2019, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử đạt trên 32%; quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 11,5 tỷ USD. Dự báo năm 2020, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử duy trì trên 30% và quy mô thương mại điện tử Việt Nam sẽ vượt con số 15 tỷ USD. Trong các địa phương, thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu về chỉ số thương mại điện tử, tiếp theo là Hà Nội và Hải Phòng. Đáng chú ý, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực nhưng lại là cơ hội để thương mại điện tử phát triển.

Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Đặng Hoàng Hải cho biết, ngay trong giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch, nhiều doanh nghiệp đã triển khai kinh doanh trực tuyến, đồng thời người tiêu dùng cũng thay đổi thói quen, ưa thích kênh mua sắm này hơn.  

Thương mại điện tử có nhiều ưu điểm như không giới hạn về khoảng cách, không gian… nhưng lại là khó khăn với ngành Thuế trong quản lý và thu thuế. Nhiều cá nhân bán hàng qua mạng xã hội (như Facebook, Zalo…) không có địa chỉ cư trú, kinh doanh rõ ràng, tên đăng ký trên mạng lại khác với tên thật, nhiều giao dịch thanh toán bằng tiền mặt…; ý thức chấp hành quy định pháp luật về nghĩa vụ thuế của các cá nhân kinh doanh thương mại điện tử chưa cao. Cục Thuế Hà Nội đã rà soát 13.422 chủ tài khoản Facebook có các hoạt động kinh doanh, nhưng mới có khoảng 2.000 cá nhân kê khai và được cấp mã số thuế. 

Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Viên Viết Hùng, thời gian qua, ngành Thuế đã phối hợp với các ngân hàng thương mại rà soát, thu thập thông tin về hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và đã truy thu thuế một số trường hợp, song thực tế không được nhiều. Chưa kể, Luật Viễn thông, Luật Các tổ chức tín dụng có điều khoản giới hạn việc cung cấp thông tin nên khả năng tiếp cận thông tin của cơ quan thuế gặp nhiều khó khăn.

Cục Thuế Hà Nội đang thực hiện nhiều giải pháp siết chặt quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử nhằm tăng thu cho ngân sách. Trong ảnh: Hướng dẫn thủ tục nộp thuế tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam

Tăng quản lý, thêm khoản thu

Mới đây, tại Hội nghị sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 của Cục Thuế Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, thời gian tới, thành phố sẽ gặp gỡ doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân để trao đổi, kê khai đúng, đủ khoản thuế giá trị gia tăng liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử, kinh tế số, viễn thông, dự kiến năm 2020 sẽ thu được 1.200-1.300 tỷ đồng. Trong đó, riêng thu thuế với hoạt động thương mại điện tử là khoảng hơn 500 tỷ đồng.

Thông tin về vấn đề này, Phó Trưởng phòng Kê khai - Kế toán thuế (Cục Thuế Hà Nội) Lê Ngọc Huy cho biết, ngoài các doanh nghiệp có các website, ứng dụng bán hàng, mở các sàn thương mại điện tử (đăng ký với Bộ Công Thương theo Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 5-12-2014 của Bộ Công Thương quy định về quản lý website thương mại điện tử) được quản lý về thuế tương đối thuận lợi, Cục Thuế Hà Nội đã và đang tập trung thu thập thông tin, siết chặt quản lý và thu thuế với 3 nhóm đối tượng khác.

Cụ thể, Cục đã có dữ liệu của hơn 1.190 cá nhân cung cấp sản phẩm ứng dụng, nội dung, dịch vụ quảng cáo trên các trang mạng phân phối ứng dụng, chia sẻ nội dung (Google Play, Apple Store, YouTube…), với tổng doanh thu 3.614 tỷ đồng, dự kiến số thuế là 253 tỷ đồng (5% thuế giá trị gia tăng, 2% thuế thu nhập cá nhân); 36.000 cửa hàng, 77 cá nhân bán hàng trên mạng xã hội có sử dụng trung gian vận chuyển hàng hóa đến người tiêu dung, với tổng doanh thu 14.976 tỷ đồng, dự kiến số thuế là 224 tỷ đồng (1% thuế giá trị gia tăng, 0,5% thuế thu nhập cá nhân); cho thuê nhà thông qua các ứng dụng (Agoda, Booking, Airbnb…) với tổng doanh thu 350 tỷ đồng, dự kiến số thuế là 35 tỷ đồng (5% thuế giá trị gia tăng, 5% thuế thu nhập cá nhân).

Để tăng cường quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần phát triển công cụ tìm kiếm thông minh để rà soát các hoạt động thương mại điện tử.

Còn theo ông Viên Viết Hùng, bên cạnh việc đề xuất Bộ Tài chính, Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ kiện toàn quy định pháp luật điều chỉnh 3 nhóm đối tượng kể trên, Cục Thuế Hà Nội sẽ xây dựng các phương án đăng ký kê khai thuế áp dụng cho cá nhân hoạt động thương mại điện tử theo hướng giảm thủ tục hành chính. Ngoài ra, ngành Thuế Hà Nội tiếp tục phối hợp với các ngân hàng thiết lập cơ chế giám sát giao dịch thanh toán cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong thương mại điện tử. Đồng thời tăng cường tuyên truyền chính sách pháp luật để nâng cao nhận thức và ý thức tự giác của tổ chức, cá nhân trong việc kê khai, nộp thuế từ các giao dịch điện tử.

“Với hành vi trốn thuế trong hoạt động thương mại điện tử, các tổ chức phải chịu mức xử phạt hành chính 1-3 lần số tiền trốn thuế; mức phạt đối với cá nhân bằng 50% mức phạt đối với tổ chức. Sau khi tuyên truyền, hướng dẫn đăng ký mã số thuế, kê khai và nộp thuế, Cục Thuế Hà Nội sẽ triển khai các biện pháp cưỡng chế, truy thu những trường hợp chây ỳ”, ông Viên Viết Hùng cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt quản lý thuế với thương mại điện tử: Tăng thu cho ngân sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.