Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngân hàng thành công với chuyển đổi số

Hà Linh| 05/01/2021 07:27

(HNM) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, năm 2020, chuyển đổi số của ngành Ngân hàng được đánh giá là thành công. Kết quả này mang lại nhiều lợi ích cho cả tổ chức tín dụng và khách hàng.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong.

Chuyển đổi mạnh mẽ nhất là nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. Trong đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ra mắt ứng dụng ngân hàng số Digibank; Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phát động chiến dịch chuyển đổi số "BIDV digi up", công bố nhiều dự án chuyển đổi số.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) Lê Đức Thọ cho biết, ngân hàng có kế hoạch xây dựng ứng dụng "chatbot" (robot tự động nói chuyện, tương tác với khách hàng) “đa nhiệm” hơn. Ngay tại khu vực lấy số thứ tự, VietinBank trang bị camera nhận diện, thu thập thông tin, kết hợp với ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã giúp rút ngắn thời gian giao dịch, tăng trải nghiệm cho khách hàng.

Các ngân hàng có quy mô nhỏ hơn cũng tập trung vào chuyển đổi số để nâng cao chất lượng dịch vụ và mang lại sự thuận lợi hơn cho khách hàng. Chẳng hạn như Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank) có robot hỗ trợ giao dịch. Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) có hệ thống ngân hàng tự động (LiveBank)... 

Chuyên gia kinh tế, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường - Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, năm 2020 là năm khởi động mạnh mẽ chuyển đổi số để tiến tới một Việt Nam số. Đối với ngành Ngân hàng, chuyển đổi số diễn ra rất sôi động. Hiện có 70 tổ chức tín dụng, chưa kể những đơn vị trung gian thanh toán như VNPT Pay, Viettel Pay, thực hiện giao dịch tài chính qua kênh internet hoặc điện thoại di động. Tính đến hết tháng 10-2020, giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng, tăng 125% so với cùng kỳ năm 2019; giao dịch thanh toán qua internet đạt hơn 22,2 triệu tỷ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện 95% tổ chức tín dụng đã, đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số, 39% tổ chức đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số hoặc tích hợp trong chiến lược phát triển kinh doanh công nghệ thông tin.

Về lợi ích của chuyển đổi số trong vòng 3-5 năm tới, theo ông Phạm Tiến Dũng, có khoảng 83% ngân hàng kỳ vọng sẽ tăng trưởng doanh thu ít nhất 10%; 58% ngân hàng kỳ vọng trên 60% khách hàng sử dụng kênh số và hơn 44% ngân hàng kỳ vọng tỷ lệ tăng trưởng khách hàng đạt mức trên 50%. Thực tế là nhiều dịch vụ ngân hàng được số hóa 100% như ví điện tử, thẻ ngân hàng, cung ứng dịch vụ thanh toán điện tử, nhận tiền gửi…

Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Việt Nam (Vinasa) nhận định, ngân hàng số là cái đích, chuyển đổi số là một quá trình. Ngân hàng số có nhiều mức độ. Trong đó, 1.0 là giai đoạn ngân hàng đa kênh cung cấp nhiều dịch vụ như internet banking, mobile banking. Ngân hàng 2.0 là thời kỳ hợp kênh, tung mọi dịch vụ lên một ứng dụng, thuận tiện cho người dùng sử dụng. Đến giai đoạn 3.0, người dùng có thể thực hiện tất cả dịch vụ tài chính từ xa mà không cần đến ngân hàng. Giai đoạn 4.0, các ngân hàng tập trung vào trải nghiệm, cá nhân hóa người dùng. Mỗi ngân hàng sẽ chọn hướng phát triển ngân hàng số phù hợp với nhu cầu và đối tượng khách hàng hướng tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng thành công với chuyển đổi số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.